Gia Lai: Đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử, hướng đến bệnh viện không giấy tờ

Ngành y tế tỉnh Gia Lai đang tích cực triển khai bệnh án điện tử (BAĐT), bước đầu được thực hiện tại các bệnh viện tư nhân, sau đó mở rộng ra các cơ sở y tế công lập trên toàn tỉnh.
16:44 | 17/05/2025

Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai là đơn vị đầu tiên tại tỉnh đủ điều kiện triển khai bệnh án điện tử. Bệnh viện đã đầu tư mạnh vào hạ tầng công nghệ thông tin: Nâng cấp hệ thống mạng LAN, wifi, máy chủ chuyên dụng, tường lửa, thiết bị lưu trữ hình ảnh PACS, hồ sơ bệnh án EMR và hệ thống sao lưu dữ liệu dự phòng.

Ngoài ra, bệnh viện đã hoàn thiện các module chức năng theo Thông tư 54/2017/TT-BYT và Thông tư 46/2018/TT-BYT; đồng thời phát triển ứng dụng trên điện thoại phục vụ bác sĩ, điều dưỡng và người bệnh. Toàn bộ quy trình khám, chữa bệnh được số hóa và đảm bảo an toàn thông tin. Đến nay, bệnh viện đã thực hiện ký số cho 319 cán bộ, nhân viên.

Qua thẩm định, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai đã đủ điều kiện để triển khai thực hiện bệnh án điện tử (Ảnh: N.N)

Qua thẩm định, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai đã đủ điều kiện để triển khai thực hiện bệnh án điện tử (Ảnh: N.N)

Theo ông Phạm Văn Học – Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai: “Chúng tôi chú trọng chuyển đổi số, từng bước hướng tới mô hình bệnh viện thông minh, không giấy tờ, giúp giảm thời gian chờ đợi, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh”.

Dù mang lại nhiều lợi ích như giúp bệnh nhân không phải mang theo giấy tờ khi tái khám, rút ngắn thời gian chờ đợi, nâng cao tính minh bạch trong điều trị, nhưng quá trình triển khai BAĐT tại Gia Lai vẫn gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là ở các cơ sở y tế công lập.

Tại Trung tâm Y tế TP. Pleiku, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đã xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu vận hành phần mềm mới. Máy chủ dung lượng thấp, mạng nội bộ không ổn định, thiếu thiết bị bảo mật và hệ thống sao lưu yếu khiến nguy cơ mất dữ liệu cao. Trung tâm cần gần 8,4 tỷ đồng cho giai đoạn 2025 - 2029 để triển khai BAĐT, trong đó năm 2025 cần khoảng 1,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, đơn vị đang gặp khó khăn trong việc xác định nguồn kinh phí được cấp có thể sử dụng cho hạ tầng phần cứng hay chỉ dùng cho phần mềm.

Nhiều bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng, trang-thiết bị công nghệ thông tin trong triển khai bệnh án điện tử (Ảnh: N.N)

Nhiều bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng, trang-thiết bị công nghệ thông tin trong triển khai bệnh án điện tử (Ảnh: N.N)

Tương tự, Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa cũng cần khoảng 2,2 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng và 300 triệu đồng/năm để thuê phần mềm. Ông Vũ Chí Hùng – Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Chúng tôi đã số hóa phần lớn hoạt động, nếu được đầu tư phần cứng thì việc triển khai BAĐT sẽ rất thuận lợi”.

Trước những vướng mắc trên, các cơ sở y tế mong muốn Sở Y tế tỉnh Gia Lai có kế hoạch tổng thể, hướng dẫn cụ thể về triển khai BAĐT và phân bổ kinh phí rõ ràng để đảm bảo tiến độ và hiệu quả.

Ông Lý Minh Thái - Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho biết: “Chúng tôi đã có văn bản yêu cầu các đơn vị rà soát, ưu tiên nguồn lực để triển khai BAĐT đúng lộ trình theo chỉ đạo của Bộ Y tế”.

Việc triển khai bệnh án điện tử không chỉ là yêu cầu cấp thiết của chuyển đổi số ngành y tế mà còn là bước tiến quan trọng trong cải thiện chất lượng khám chữa bệnh, hướng đến nền y tế hiện đại, hiệu quả và phục vụ tốt hơn cho người dân. Với quyết tâm của các đơn vị và sự hỗ trợ từ cấp trên, ngành y tế Gia Lai đang nỗ lực từng bước đưa BAĐT vào thực tiễn, tiến tới xây dựng hệ thống bệnh viện không giấy tờ, thông minh và đồng bộ.

Dũng Nguyễn

comment Bình luận