Đồng Tháp: Giám sát việc triển khai tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng, chống bệnh sởi tại huyện Thanh Bình

Vừa qua, đoàn công tác Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp tổ chức “giám sát việc triển khai tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc xin và thực hiện phòng, chống bệnh sởi tại huyện Thanh Bình”.
20:07 | 22/10/2024

Đoàn đã giám sát thực tế tại trạm y tế thị trấn Thanh Bình, trường mầm non Hoa Mai và Trung tâm Y tế huyện Thanh Bình. Tại 3 điểm đoàn tập trung giám sát một số nội dung như: công tác rà soát đối tượng, lập kế hoạch, tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi; kế hoạch và phương án phòng, chống bệnh sởi; công tác tiếp nhận, bảo quản và cấp phát vắc xin; nội dung, hoạt động triển khai công tác điều tra, giám sát, đáp ứng, phát hiện, thu dung điều trị các trường hợp sốt phát ban nghi sởi và các bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng trên địa bàn huyện; công tác kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng lây nhiễm chéo trong khu vực điều trị bệnh sởi.

Đoàn giám sát làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Bình

Đoàn giám sát làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Bình

Theo đánh giá của đoàn giám sát, việc triển khai tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc xin và việc thực hiện phòng, chống bệnh sởi tại huyện Thanh Bình cơ bản được thực hiện tốt. Các đơn vị có kế hoạch cụ thể, thực hiện quy trình triển khai điều tra rà soát đối tượng theo quy định, báo cáo số liệu, nhập liệu đầy đủ trên phần mềm Hệ thống thông tin Tiêm chủng Quốc gia, công tác bảo quản vắc xin được thực hiện theo quy định…

Tuy nhiên theo ý kiến của đoàn giám sát, các đơn vị vẫn còn tồn tại một số nội dung cần phải khắc phục trong thời gian tới, cụ thể:

Đối với công tác thu dung điều trị: Thực hiện báo cáo tất cả các trường hợp sởi/sốt phát ban nghi sởi (mã ICD-10: B05; A75; A75.9) về khoa kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS tiến hành làm phiếu điều tra, lấy mẫu theo Quyết định số 4845/QĐ-BYT ngày 5/12/2012 của Bộ Y tế; khu vực và phòng bố trí điều trị sởi/sốt phát ban nghi sởi nên có bảng lưu ý/phân luồng khu vực điều trị bệnh sởi/sốt phát ban nghi sởi và bố trí thêm quạt để đảm bảo thông gió.

Kho vắc xin phải đảm bảo GSP theo quy định; rà soát, quản lý đối tượng: Ngoài việc rà soát phần mềm, sổ quản lý tiêm chủng, rà soát trong cộng đồng, phối hợp với ngành giáo dục rà soát đối tượng trong các trường mầm non, trường tiểu học, điểm giữ trẻ và các cơ sở giáo dục… trung tâm nên phối hợp với ban ngành địa phương để tăng cường thực hiện rà soát các đối tượng có nguy cơ tại các xã/thị trấn biến động dân cư cao, tránh bỏ sót đối tượng,

Đoàn làm việc tại trạm y tế thị trấn Thanh Bình

Đoàn làm việc tại trạm y tế thị trấn Thanh Bình

Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và việc gián đoạn cung ứng các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 2021 - 2023, nhiều trẻ chưa được tiêm vắc xin sởi đúng lịch, chưa tiêm đủ mũi. Từ đầu năm 2023, nguồn cung vắc xin bắt đầu có trở lại nhưng chưa đầy đủ, các địa phương đã triển khai kế hoạch tiêm bù, tiêm vét. Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ vẫn chưa đạt yêu cầu. Chính vì vậy việc rà soát toàn bộ số trẻ chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc xin sởi để tiêm bù, tiêm vét là hết sức quan trọng, nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng, chủ động phòng, chống hiệu quả với dịch bệnh, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh sởi.

Hồ Tiến

comment Bình luận