Đồng Nai: TP. Biên Hòa ghi nhận ổ dịch dại trên chó

Thông tin từ trung tâm y tế (TTYT) TP. Biên Hoà, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận 1 ổ dịch dại trên chó tại phường Trảng Dài. Đây cũng là ổ dịch bệnh dại đầu tiên trên đàn chó tại TP. Biên Hoà tính từ đầu năm 2023 đến nay.
11:12 | 08/11/2023

Kết quả điều tra dịch tễ cho biết, nhà ông L.D.H, ngụ khu phố 2, phường Trảng Dài có nuôi 2 con chó, trong đó có một con đã tiêm vắc xin phòng dại, thường ngày ông vẫn thả rông một con với các con chó khác trong khu vực. Ngày 31/10, có 2 trẻ giỡn với con chó, không may bị chó cắn vào môi và chân trái, người nhà đã xử lý, rửa vết thương bằng nước muối sinh lý, 2 trẻ sau đó đã tiêm vắc xin phòng dại, hiện có sức khoẻ bình thường.  

Đến ngày 1/11, con chó có xuất hiện các triệu chứng bỏ ăn, sợ ánh sáng, núp vào bóng tối. Vì là chó mẹ mới đẻ nên gia đình đưa đến phòng khám thú y Hiền Hoà để chữa trị, tại phòng khám chó có biểu hiện cào xé, cắn chuồng, hung dữ. Đến sáng ngày 2/11 thì con chó chết. Ngay khi thấy biểu hiện của con chó, ông H và phòng khám thú y đã báo về chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh tiến hành lấy mẫu xét nghiệm dại. Ngày 3/11, kết quả cho thấy con chó này dương tính với vi rút dại. 

Cũng theo ông H cách đây một tháng trong khu vực có xuất hiện một con chó lạ màu vàng, nặng khoảng 10 ký cắn người dân và có cắn con chó của nhà ông, sau đó người dân đã đánh chết nên thời điểm đó không xác định nguyên nhân con chó chết có bị dại hay không.

Khi bị chó, mèo cắn cần nhanh chóng tiêm vắc xin phòng dại (ảnh: CDC Đồng Nai)

Khi bị chó, mèo cắn cần nhanh chóng tiêm vắc xin phòng dại (ảnh: CDC Đồng Nai)

Ngành y tế đã vận động người bị chó cắn đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại đầy đủ theo quy định và theo dõi tình hình sức khoẻ để có hướng xử lý kịp thời; tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng chó, mèo cắn và xử lý khi bị chó mèo cắn; hướng dẫn vệ sinh khử trùng khu vực nhà ở và xung quanh khu vực tiếp xúc.

Từ kết quả điều tra cho thấy nguồn lây mầm bệnh dại có thể là do con chó lạ màu vàng xuất hiện cách đây 1 tháng. Những con chó xung quanh có nguy cơ mang mầm bệnh dại từ quá trình tiếp xúc với chó dại trên; các hộ nuôi chó vẫn chưa chủ động tiêm vắc xin phòng dại, ngoài ra còn thả rông, chưa có rọ mõm nên khả năng cắn người cao đặc biệt là trẻ em.

Cần tăng cường công tác truyền thông đến người dân không chủ quan với dịch bệnh dại lây truyền từ động vật sang người; khi bị chó, mèo cào, cắn, hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hỗ trợ để được tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Khi phát hiện chó, mèo có biểu hiện lạ nghi bệnh dại, hãy báo ngay chính quyền địa phương để được hỗ trợ giải quyết.

Mai Liên

 
comment Bình luận