Đồng Nai: Nâng cao kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho giáo viên

Để nâng cao kiến thức, kỹ năng về sơ cấp cứu ban đầu và đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học, thời gian qua, bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho lãnh đạo, giáo viên, nhân viên y tế trong trường học trên địa bàn TP. Biên Hòa.
9:06 | 30/09/2023

Theo thông tin từ bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, từ tháng 5/2023 đến nay bệnh viện đã tổ chức 20 lớp tập huấn nâng cao chất lượng hiệu quả sơ cấp cứu ban đầu và vệ sinh an toàn thực phẩm cho lãnh đạo, giáo viên, nhân viên y tế các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn TP. Biên Hòa. 

ThS.BS Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó giám đốc bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai phát biểu khai mạc tại lớp tập huấn

ThS.BS Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó giám đốc bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai phát biểu khai mạc tại lớp tập huấn

Cụ thể, bệnh viện đã tổ chức 15 lớp tập huấn trực tiếp tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, đồng thời phối hợp với Phòng Y tế TP. Biên Hòa và Phòng Giáo dục TP. Biên Hòa tổ chức 5 đợt tập huấn về sơ cấp cứu ban đầu và vệ sinh an toàn thực phẩm cho lãnh đạo, giáo viên, nhân viên y tế trường học của 120 trường mầm mon, tiểu học, trung học cơ sở.

Theo đó, tại các lớp tập huấn các bác sĩ, nhân viên y tế bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã truyền đạt các kiến thức lý thuyết và hướng dẫn thực hành trên mô hình về kỹ năng sơ cấp cứu ngưng tim ngưng thở; cấp cứu co giật; cấp cứu dị vật đường thở; cấp cứu ngạt nước; sơ cứu bệnh nhân bị chấn thương.

BS.CKI Trương Văn Xuất - Phụ trách phòng CTXH - QHCC bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai hướng dẫn kỹ năng sơ cấp cứu khi trẻ bị hóc dị vật

BS.CKI Trương Văn Xuất - Phụ trách phòng CTXH - QHCC bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai hướng dẫn kỹ năng sơ cấp cứu khi trẻ bị hóc dị vật

BS.CKI Trương Văn Xuất - Phụ trách phòng CTXH - QHCC Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết: “Bệnh viện tiếp nhận nhiều trẻ bị đuối nước ngưng tim, ngưng thở ngoại viện, một số trẻ bị dị vật đường thở, gãy tay, gãy chân, chấn thương sọ não,… mà không được sơ cứu xử trí ban đầu tốt, khi vào viện làm cho quá trình điều trị khó khăn hơn, có thể để lại di chứng nặng nề cho trẻ sau điều trị, thậm chí có trẻ tử vong. Từ thực tế đó, bệnh viện muốn muốn đưa chương trình này đến với cộng đồng để mọi người hiểu và nắm được kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu, khi gặp tình huống như vậy sẽ tự tin và làm đúng, từ đó sẽ hỗ trợ được rất nhiều cho công tác điều trị về sau”.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Bích - giáo viên trường tiểu học Trảng Dài, TP. Biên Hòa cho biết: “Từ trước đến nay, khi gặp trường hợp học sinh bị hóc dị vật hay tai nạn thương tích khác, chúng tôi thường đưa các em xuống phòng y tế để nhân viên y tế sơ cứu. Nhưng qua đợt tập huấn do bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai tổ chức, chúng tôi được trang bị những kiến thức về sơ cấp cứu ban đầu cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh, tôi nghĩ khi gặp trường hợp học sinh của mình hoặc những đối tượng trong cộng đồng gặp những tình huống như hóc dị vật, đuối nước…thì tôi đã có những kiến thức cơ bản để xử lý sơ cấp cứu ban đầu. Chương trình này thực sự rất ý nghĩa, giúp chúng tôi được nâng cao kiến thức và thực hành đúng để vận dụng trong cuộc sống”.

Nhân viên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai hướng dẫn cách băng nẹp trong tình huống gãy xương cẳng tay

Nhân viên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai hướng dẫn cách băng nẹp trong tình huống gãy xương cẳng tay

Theo ThS.BS Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, trong thời gian tới bệnh viện sẽ tổ chức nhiều lớp tập huấn như trên và mở rộng đối tượng học viên như học sinh cấp 3, sinh viên, các em bên Đoàn Thanh niên, các hội viên Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh,… Mục đích của hoạt động này nhằm nâng cao kiến thức về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cách phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em và kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu trong cộng đồng được tốt hơn, từ đó đem lại hiệu quả trong việc cấp cứu điều trị cho bệnh nhân và  hạn chế những rủi ro đáng tiếc do tạn nạn thương tích gây ra.

Gia Nhi

comment Bình luận