Đo huyết áp đúng, kiểm soát huyết áp tốt để sống khỏe, sống lâu

Tăng huyết áp được xem là “kẻ giết người thầm lặng”. Bệnh nhân chỉ biết khi thông qua các lần tình cờ khám sức khỏe, hoặc cho tới khi các biến chứng của bệnh xuất hiện. Ngay kể cả khi đã phát hiện ra tình trạng tăng huyết áp, cũng có một tỉ lệ không nhỏ bệnh nhân chưa có sự kiểm soát và điều trị hợp lý tình trạng huyết áp của mình.
11:14 | 15/05/2024

Đo huyết áp là phương pháp đơn giản và nhanh chóng giúp biết rõ chỉ số huyết áp. Chỉ số này khá dao động theo từng thời điểm trong ngày và nó cũng bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố khác, bao gồm mức độ hoạt động thể lực, các thay đổi về tâm lý tình cảm, stress, tác dụng của các thuốc khác và thậm chí chịu ảnh hưởng bởi cả một số nhóm thực phẩm.

Mặt khác, việc đo tại nhà cũng giúp tránh khỏi các áp lực tâm lý không cần thiết khi tới khám tại bệnh viện hoặc các phòng khám. Những áp lực này làm tăng huyết áp giả và gây ra một hội chứng được biết đến với cái tên “Hội chứng tăng huyết áp áo choàng trắng”.

Chỉ số huyết áp là một chỉ điểm quan trọng phản ánh hiệu quả điều trị, giúp bác sĩ quyết định xem nên tiếp tục duy trì các loại thuốc hiện dùng, hay nên thay thế hoặc kết hợp thêm các nhóm thuốc khác.

Việc nhận biết tăng huyết áp dựa vào triệu chứng thường gặp khá khó khăn vì đa số các trường hợp tăng huyết áp không có triệu chứng bộc lộ ra bên ngoài, vì thế việc kiểm tra huyết áp định kỳ là một việc làm cần thiết.

Tăng huyết áp là căn bệnh nguy hiểm với nhiều những biến chứng khôn lường. Vì vậy việc đo huyết áp 6 tháng/lần đều đặn để phát hiện sớm và điều trị kịp thời là con đường duy nhất để có một cuộc sống tương lai vui hơn, khỏe hơn.

Đo huyết áp đúng, kiểm soát huyết áp tốt để sống khỏe, sống lâu

Đo huyết áp đúng, kiểm soát huyết áp tốt để sống khỏe, sống lâu

Cách đo huyết áp đúng:

Nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh ít nhất 5 - 10 phút trước khi đo huyết áp.

Không dùng chất kích thích (cà phê, hút thuốc, rượu bia) trước đó 2 giờ. Không nói chuyện khi đang đo huyết áp.

Tư thế: người được đo huyết áp ngồi ghế tựa, cánh tay duỗi thẳng trên bàn, nếp khuỷu tay ngang mức với tim, chân chạm sàn, không bắt chéo chân (có thể đo ở các tư thế nằm, đứng). Đối với người cao tuổi hoặc có bệnh đái tháo đường, nên đo thêm huyết áp tư thế đứng nhằm xác định có hạ huyết áp tư thế hay không.

Quấn băng quấn đủ chặt trên cánh tay, bờ dưới của bao đo ở trên nếp lằn khuỷu 2cm. Đặt máy ở vị trí để đảm bảo máy hoặc mốc 0 của thang đo ngang mức với tim.

Nếu không dùng thiết bị đo tự động, trước khi đo phải xác định vị trí động mạnh cánh tay để đặt ống nghe. Bơm hơi thêm 30mmHg sau khi không còn thấy mạch đập. Xả hơi với tốc độ 2-3mmHg/nhịp đập. Huyết áp tâm thu tương ứng với lúc xuất hiện tiếng đập đầu tiên và huyết áp tâm trương tương ứng với khi mất hẳn tiếng đập.

Lần đo đầu tiên, cần đo huyết áp ở cả hai cánh tay, tay nào có chỉ số huyết áp cao hơn sẽ dùng để theo dõi huyết áp về sau.

Nên đo huyết áp ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 1-2 phút. Nếu số đo huyết áp giữa 2 lần đo chênh nhau trên 10mmHg, cần đo lại một vài lần sau khi đã nghỉ trên 5 phút. Giá trị huyết áp ghi nhận là trung bình của hai lần đo cuối cùng.

Trường hợp nghi ngờ, có thể theo dõi huyết áp bằng máy đo tự động tại nhà hoặc bằng máy đo huyết áp tự động 24 giờ.

Bên cạnh việc chủ động theo dõi sức khỏe bằng cách đo huyết áp tại nhà thì bạn cũng nên kiểm tra huyết áp định kỳ tại các cơ sở y tế để đảm bảo tính chính xác của hoạt động theo dõi sức khỏe. Qua mỗi lần khám bạn sẽ biết được đúng chỉ số huyết áp và được tư vấn phương pháp kiểm soát huyết áp phù hợp.

Mỹ Anh

comment Bình luận