DHG Pharma: Khi thực phẩm chức năng “khoác áo” thuốc

Dược Hậu Giang đang quảng bá hàng loạt thực phẩm chức năng với công dụng điều trị vượt phép; từ “ngăn ngừa đột quỵ”, “giải độc gan”, đến “điều trị viêm mũi dị ứng”. Với những lời khẳng định công dụng mang tính điều trị, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe của DHG Pharma có đang vượt giới hạn cho phép, đe dọa sức khỏe cộng đồng.
10:54 | 28/05/2025

Trong bối cảnh thị trường thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) đang tăng trưởng mạnh mẽ, các doanh nghiệp dược phẩm chuyển hướng sang sản xuất và kinh doanh dòng sản phẩm này ngày càng nhiều. DHG Pharma – thương hiệu dược lâu năm tại Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là trong quá trình quảng bá các dòng TPBVSK, doanh nghiệp này đang có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật, với những lời khẳng định công dụng mang tính điều trị vượt xa giới hạn cho phép của thực phẩm.

Trên website chính thức của DHG Pharma, các sản phẩm như Telfor, Alfe White Program, Yunpro Strawberry, Bocalex Multi, Naturenz, Naturenz Gold và NattoEnzym DHA EPA đều được quảng bá với những cụm từ có tính chất y học như “điều trị”, “ngăn ngừa”, “hỗ trợ phục hồi”, “giảm nguy cơ đột quỵ”, “tăng cường chức năng gan”;… những nội dung này không chỉ vi phạm Luật Quảng cáo và Thông tư 09/2015/TT-BYT, mà còn có thể gây nhầm lẫn nghiêm trọng cho người tiêu dùng, khiến họ lầm tưởng đây là thuốc điều trị bệnh.

1

Cụ thể, sản phẩm Telfor – chứa hoạt chất Fexofenadine – vốn là thuốc kê đơn thuộc nhóm kháng histamin, nhưng lại được quảng cáo công khai trên website với nội dung “giúp điều trị viêm mũi dị ứng – ít gây buồn ngủ”. Việc quảng bá thuốc kê đơn mà không có số xác nhận quảng cáo từ cơ quan quản lý là hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật hiện hành. Đây không chỉ là vi phạm hành chính, mà còn tiềm ẩn nguy cơ bị xử lý trách nhiệm nếu gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Đối với sản phẩm Alfe White Program lại được định vị như một chương trình “trắng da” toàn diện, trong khi đây chỉ là TPBVSK, không có bất kỳ tài liệu y học, nghiên cứu lâm sàng hay xác nhận từ Bộ Y tế nào được công khai. Sản phẩm Yunpro Strawberry với công dụng được in rõ trên bao bì bằng các cụm từ tiếng Anh như “support gastrointestinal recovery”, “help strengthen intestinal flora” – đều là những cụm từ mang tính điều trị rối loạn tiêu hóa, hoàn toàn không được phép sử dụng trong quảng cáo TPBVSK nếu không có hồ sơ khoa học chứng minh và xác nhận nội dung quảng cáo.

2
3
4

Một số sản phẩm khác như Bocalex Multi được quảng bá là “giúp tăng cường sức đề kháng – giảm mệt mỏi”, Naturenz được ghi “giải độc gan – hỗ trợ phục hồi chức năng gan”, và đặc biệt Naturenz Gold còn trực tiếp mô tả đối tượng sử dụng là người có “viêm gan, men gan cao, xơ gan, vàng da” – toàn bộ các biểu hiện bệnh lý nặng cần được điều trị bằng thuốc, không thể là mục tiêu của một sản phẩm thực phẩm chức năng.

Đặc biệt, trong số các sản phẩm được quảng bá có dấu hiệu trái quy định, NattoEnzym DHA EPA là trường hợp nghiêm trọng nhất. Sản phẩm này được ghi rõ “giảm nguy cơ đột quỵ do cục máu đông” – cụm từ vốn chỉ xuất hiện trong hồ sơ thuốc tim mạch kê đơn. Việc quảng cáo như vậy đối với một sản phẩm thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh đang có dấu hiệu vi phạm quy định phấp luật về quảng cáo.

5

Theo Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012 và khoản 3 Điều 7 Thông tư 09/2015/TT-BYT, thực phẩm bảo vệ sức khỏe không được quảng cáo gây hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh, không sử dụng từ ngữ tuyệt đối như "trị khỏi", "thay đổi nội tiết", "trẻ hóa vùng kín". Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP được sửa đổi tại Nghị định 128/2022/NĐ-CP, hành vi quảng cáo sai bản chất, gây nhầm lẫn thực phẩm thành thuốc có thể bị xử phạt từ 30 triệu đồng. Trường hợp nếu quảng cáo có yếu tố lừa dối người tiêu dùng, cung cấp thông tin không đúng sự thật, doanh nghiệp còn có thể bị xử lý theo khoản 5 Điều 51 Nghị định 38/2021/NĐ-CP với mức phạt bổ sung gồm: Tháo gỡ quảng cáo sai phạm, cải chính công khai, thu hồi sản phẩm và đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với hành vi vi phạm nhiều lần hoặc có tính chất nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Câu hỏi đặt ra là: Ai đang giám sát nội dung quảng cáo của các sản phẩm TPBVSK do DHG Pharma phát hành? Liệu hệ thống kiểm duyệt nội bộ của một doanh nghiệp niêm yết có đủ chặt chẽ, hay chính thương hiệu lâu năm đang trở thành vỏ bọc để hợp thức hóa hành vi vượt rào pháp lý để quảng bá sản phẩm?

6

Trước thực trạng trên, chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng theo thẩm quyền: Cục An toàn thực phẩm, Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý thị trường cần sớm vào cuộc kiểm tra toàn diện toàn bộ hồ sơ công bố, giấy xác nhận quảng cáo, hợp đồng truyền thông và tài liệu khoa học đi kèm nếu có.

Người tiêu dùng có quyền được bảo vệ khỏi những nội dung quảng cáo sai sự thật – nhất là khi sản phẩm liên quan đến sức khỏe và sự sống. Dược Hậu Giang cần chịu trách nhiệm công khai về các hành vi quảng bá vượt phép. Nếu không có biện pháp xử lý nghiêm minh, thị trường TPBVSK sẽ tiếp tục là mảnh đất màu mỡ cho sự thật bị bóp méo dưới danh nghĩa “vì sức khỏe cộng đồng”.

Tạp chí Sức khỏe Cộng đồng sẽ tiếp tục thông tin trong các kỳ tiếp theo để đưa thông tin đến bạn đọc hiểu rõ hơn về trách nhiệm cụ thể với cá nhân chịu trách nhiệm pháp lý tại DHG Pharma, đội ngũ phát ngôn viên, KOL, chuyên gia y tế, đến các nhà thuốc và nền tảng TMĐT.

Ngọc Thành

comment Bình luận