Đề nghị hỗ trợ miễn giảm viện phí cho người mắc bệnh hiểm nghèo, Bộ Y tế nói gì?
Các kiến nghị nhằm "không để ai bị bỏ lại phía sau"
Theo thông tin từ Bộ Y tế, trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoa XV, cử tri nhiều địa phương đã có ý kiến gửi Bộ, liên quan đến các chính sách hỗ trợ người dân tham gia khám chữa bệnh BHYT cũng như mức chi trả vẫn còn cao so với đời sống của nhiều người dân.
Trong đó, cử tri tỉnh Đồng Tháp (cũ) vừa có kiến nghị gửi Bộ Y tế đề nghị quan tâm cân đối nguồn thu từ quỹ BHYT để có chính sách hỗ trợ, miễn hoặc giảm viện phí cho các trường hợp người dân mắc bệnh hiểm nghèo, nhằm chia sẻ khó khăn, giảm gánh nặng tài chính cho bệnh nhân và gia đình, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.
Cử tri tỉnh Ninh Bình (bao gồm cả kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Nam trước đây) cũng cho rằng, chi phí khám cho bệnh mà người dân phải chi trả vẫn còn ở mức cao và gánh nặng chi phí y tế vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng nghèo đói hoặc tái nghèo ở nhiều hộ gia đình; là rào cản lớn khiến không ít người dân, đặc biệt là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn pahri trì hoãn hoặc từ chối tiếp cận dịch vụ y tế. Hệ thống bảo hiểm y tế thực tế vẫn chưa thực sự bao phủ đầy đủ và hiệu quả.
Chính vì vậy, các cử tri kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm thực hiện chính sách miễn tiền viện phí cho toàn dân để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Trước các vấn đề kể trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan mới đây đã có trả lời cử tri, cho biết, mục tiêu nhất quán của ngành y tế là phát triển hệ thống y tế công bằng, hiệu quả, chất lượng và bền vững, trong đó chính sách BHYT giữ vai trò trụ cột.
Mức hưởng hiện nay của người bệnh có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh đúng quy định là 80-95-100% tuỳ đối tượng. Điều này có nghĩa là người bệnh cần đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh thêm tối đa 20% trong danh mục được BHYT chi trả. Nguyên tắc đồng chi trả là cần thiết để nâng cao trách nhiệm của người tham gia trong việc sử dụng dịch vụ y tế hợp lý, đồng thời đảm bảo sự bền vững của quỹ BHYT để phục vụ lợi ích lâu dài cho toàn dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Việc giảm chi tiền túi, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân, đặc biệt là đối tượng yếu thế, người bệnh hiểm nghèo là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế
Hiện nay, ngân sách nhà nước đang đảm bảo đóng BHYT cho người thuộc các nhóm đối tượng ưu tiên (người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân tộc thiểu số vùng khó khăn...), và hỗ trợ một phần mức đóng cho nhiều nhóm như người thuộc hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên...
Mới đây, trong Nghị định 188/2025, Chính phủ quyết định hỗ trợ 50% mức đóng BHYT cho học sinh, sinh viên từ 1/7, thay vì mức 30% như trước đây.
Bộ trưởng cho biết, việc giảm chi tiền túi và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cho mọi người dân, đặc biệt là đối tượng yếu thế, người bệnh hiểm nghèo, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành đang hướng tới.
Các nhiệm vụ bao gồm:
Thứ nhất: Tập trung vào việc hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến BHYT, điều chỉnh mức đóng, mức hưởng phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý, chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT để bảo toàn và phát triển nguồn quỹ.
Thứ hai: Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, ngành liên quan để huy động thêm các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh, nguồn tài trợ, viện trợ và các nguồn xã hội hóa khác nhằm hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh cho người dân.
Thứ ba: Nghiên cứu để từng bước mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT và xây dựng cơ chế hỗ trợ chi phí đồng chi trả đối với các nhóm đối tượng yếu thế (người nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn) khi mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh cần điều trị dài ngày, có chi phí lớn. Việc này được thực hiện trên cơ sở đánh giá tác động và cân đối khả năng của quỹ BHYT và các nguồn lực xã hội.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh, BHYT là chính sách an sinh xã hội do Nhà nước tổ chức, nhằm chia sẻ rủi ro tài chính giữa những người tham gia, hỗ trợ chi trả chi phí khám chữa bệnh khi người dân gặp vấn đề sức khỏe. Khi tham gia BHYT, chi phí khám chữa bệnh được Quỹ BHYT chi trả một phần hoặc toàn bộ, tùy thuộc vào đối tượng tham gia, với tỷ lệ đồng chi trả khác nhau.
Hiện nay, phạm vi quyền lợi BHYT bao gồm danh mục thuốc, thiết bị y tế và dịch vụ kỹ thuật đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro tài chính khi ốm đau, bệnh tật và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng, người dân cần tham gia BHYT đầy đủ.
Đối với các đối tượng được UBND tỉnh xác định là người nghèo, cận nghèo hoặc một số đối tượng chính sách xã hội, ngân sách nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT hoặc chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh cho một số trường hợp.
Về kiến nghị miễn viện phí, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, ngành Y tế đang nghiên cứu các giải pháp khả thi, hiệu quả để trình Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ. Để đảm bảo nguồn lực, chính sách sẽ được triển khai theo lộ trình thông qua bảo hiểm y tế, với phạm vi quyền lợi BHYT mở rộng dần theo lộ trình cho các đối tượng phù hợp. Bộ Y tế mong nhận được sự đồng thuận và tham gia tích cực của người dân vào BHYT để thực hiện hiệu quả chính sách này.
Nguyên An (tổng hợp)

- Sản phẩm vì sức khỏe
-
4 lối sống lành mạnh giúp giảm các triệu chứng tiền mãn kinh
Khi bước sang tuổi 40, cơ thể phụ nữ trải qua nhiều thay đổi sinh lý phức tạp trong giai đoạn tiền mãn kinh. Đây là thời kỳ "chuyển giao" với nhiều thách thức: thay đổi tâm trạng, tăng cân, rối loạn kinh nguyệt, mất khối cơ và giảm trao đổi chất.July 14 at 8:11 am -
Ký sinh trùng từ thú cưng, nguy cơ tiềm ẩn khiến hàng trăm trẻ mắc bệnh
Chỉ từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An phát hiện gần 900 trẻ nhiễm giun, sán chó mèo. Nhiều trẻ đến khám trong tình trạng ngứa ngáy kéo dài, tổn thương đa cơ quan nhưng nhiều phụ huynh chủ quan, cho rằng chỉ là bệnh ngoài da và tự điều trị tại nhà…July 10 at 5:09 pm -
Hà Tĩnh ghi nhận ca sốt rét ngoại lai có nguy cơ phát sinh ca bệnh thứ cấp
Mới đây, trên địa bàn thôn Song Yên, xã Thiên Cầm ghi nhận trường hợp mắc sốt rét. CDC Hà Tĩnh thành lập đoàn công tác làm việc với chính quyền xã, Trạm Y tế về các biện pháp xử lý ổ bệnh. Đây là ca bệnh ngoại lai thứ 6 trên địa bàn tỉnh tính từ đầu năm đến nay.July 10 at 5:08 pm -
Nổi ban tím tứ chi, ngừng tim sau bữa tiết canh, lòng lợn
Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa chạy đua với thời gian, ép tim cấp cứu bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn do vi khuẩn liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh, lòng lợn gần nhà.July 10 at 5:07 pm