Dấu hiệu nhận biết và biện pháp phòng bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu chưa có miễn dịch với bệnh bạch hầu do chưa được tiêm vắc xin đầy đủ.
Ở Việt Nam, thời kỳ chưa thực hiện tiêm vắc xin bạch hầu trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) thì bệnh bạch hầu thường xảy ra và gây dịch ở hầu hết các tỉnh, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố có mật độ dân cư cao. Bệnh xuất hiện nhiều vào các tháng 8, 9, 10 trong năm.
Những năm sau đó, do thực hiện tốt việc tiêm vắc xin bạch hầu nên tỷ lệ mắc bệnh bạch hầu ở Việt Nam đã giảm dần từ 3,95/100.000 dân năm 1985 xuống 0,14/100.000 dân năm 2000 và đến năm 2014, tỷ lệ này còn dưới 0,01/100.000 dân.
Vi khuẩn bạch hầu thường cư trú và làm tổn thương đường hô hấp trên (mũi, họng, thanh quản) tạo giả mạc dai dính, khó bóc tách và sinh ra ngoại độc tố gây nhiễm độc toàn thân (tim, thận, thần kinh), gây tử vong do tắc đường thở và viêm cơ tim. Tỷ lệ tử vong khoảng 5 - 10% và cao hơn ở trẻ nhỏ. Vi khuẩn bạch hầu sống lâu ở giả mạc và họng của bệnh nhân. Trong điều kiện thiếu ánh sáng vi khuẩn sống tới 6 tháng và tồn tại lâu trên các đồ chơi của trẻ bị bạch hầu, áo choàng của nhân viên y tế,…
Các thể bệnh bạch hầu hay gặp gồm bạch hầu họng (70%), bạch hầu thanh quản (20 - 30%), bạch hầu mũi (4%), bạch hầu mắt (3 - 8%), bạch hầu da,...
Bệnh bạch hầu lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc gián tiếp với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Vi khuẩn bạch hầu cũng có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da.
Dấu hiệu nhận biết bệnh bạch hầu
Người mắc bệnh bạch hầu thường xuất hiện những triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, họng đỏ, nuốt đau, ho, khàn tiếng, mệt, da hơi xanh, chán ăn. Sau 2 - 3 ngày, xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể có dấu hiệu khó thở, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ. Nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời người bệnh có thể hồi phục bình thường.
Bệnh có thể gây ra các biến chứng như tắc nghẽn đường hô hấp do giả mạc từ hầu họng lan xuống; viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim; liệt do tổn thương các dây thần kinh vận động và có thể tử vong.
Biện pháp phòng bệnh bạch hầu
Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh. Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
Đầu tiên, cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu. Hiện nay trong Chương trình TCMR, tất cả trẻ em sẽ được tiêm đủ 3 mũi vắc xin phối hợp 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - viêm phổi, màng não do vi khuẩn Hib (Haemophilus influenzae type b) lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi. Tiêm nhắc lại vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Việc trì hoãn tiêm chủng vì bất cứ lý do gì sẽ khiến cho trẻ có nguy cơ mắc bệnh.
Ngoài chương trình TCMR, vắc xin dịch vụ cũng có các loại có thành phần bạch hầu như vắc xin 6 trong 1 Hexaxim (Pháp) hoặc Infanrix Hexa (Bỉ) phòng 6 bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – bại liệt – Hib – viêm gan B; vắc xin 5 trong 1 Pentaxim (Pháp) phòng 5 bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – Hib – bại liệt; vắc xin 4 trong 1 Tetraxim (Pháp) phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – bại liệt; vắc xin Adacel (Pháp), Boostrix (Bỉ) phòng 3 bệnh bạch hầu – uốn ván – ho gà; vắc xin Td (Việt Nam) phòng 2 bệnh uốn ván – bạch hầu.
Thứ hai, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Thứ ba, đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
Thứ tư, khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Cuối cùng, người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
BS Hồ Thị Hồng
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Gia Lai phát động tháng hành động vì bình đẳng giới
Vừa qua, tại TP. Pleiku, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Gia Lai phát động “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” năm 2024.November 21 at 8:52 am -
400 triệu đồng gây quỹ hỗ trợ sinh viên tại giải golf Trường Đại học Luật TP.HCM
Ngày 19/11, giải golf mở rộng lần I năm 2024 của Trường Đại học Luật TP.HCM diễn ra nhằm chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Sự kiện quy tụ 144 golfer, bao gồm các cựu giảng viên, cựu sinh viên và doanh nhân từ nhiều lĩnh vực khác nhau.November 20 at 1:03 pm -
Ninh Thuận: Phát động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2024
Sáng 18/11, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức lễ phát động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2024, ông Trịnh Minh Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì lễ phát động.November 19 at 4:05 pm -
Bình Thuận: Phát động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Sáng 18/11, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Thuận tổ chức lễ phát động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.November 19 at 8:38 am