Đắk Nông: Tầm soát ung thư cổ tử cung bằng công nghệ AI giúp phát hiện sớm các tổn thương bất thường

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung bằng thiết bị có ứng dụng trí tuệ nhân tạo (công nghệ AI). Hoạt động này được triển khai dịch vụ tại đơn vị vào các ngày hành chính trong tuần. Riêng trong tháng 10 vừa qua, trung tâm đã tổ chức khám miễn phí cho hàng trăm phụ nữ trên địa bàn TP. Gia Nghĩa.
11:33 | 13/11/2024

Vừa qua, Khoa Sức khỏe sinh sản Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã tổ chức khám sản phụ khoa và tầm soát ung thư cổ tử cung miễn phí cho chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản trên địa bàn TP. Gia Nghĩa. Chương trình khám miễn phí đã thu hút hàng trăm chị em đến khám, tư vấn, qua đó, các y, bác sĩ đã ghi nhận một số trường hợp cổ tử cung có dấu hiệu bất thường và hướng dẫn người bệnh lên bệnh viện tuyến trên để khám chuyên sâu. Lần khám này có sự khác biệt so với trước đây, đó là việc tầm soát ung thư cổ tử cung đã được các y, bác sĩ thực hiện bằng thiết bị có ứng dụng công nghệ AI.

Được biết, công nghệ AI được đơn vị sử dụng để tầm soát ung thư cổ tử cung mang tên CerviCare AI. Đây là kỹ thuật mới được thực hiện nhờ hệ thống TeleCervicography. CerviCare AI là một tập dữ liệu lớn với hơn 100.000 hình ảnh cổ tử cung, gồm hình ảnh bình thường và hình ảnh bất thường. Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng của cơ quan kiểm nghiệm thuốc và thực phẩm Hàn Quốc (KFDA), CerviCare AI có thể phát hiện chính xác các dấu hiệu ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm với độ chính xác lên đến 98%. Ngoài ra, CerviCare AI cũng cho thấy hiệu quả trong việc nhận diện các biểu hiện bất thường khác trên cổ tử cung với độ chính xác là 95%.

Điểm nổi bật của ứng dụng này là khả năng phân tích hình ảnh trong vòng 5 giây, đem lại tiềm năng lớn trong việc chẩn đoán sớm và nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh. Với việc áp dụng CerviCare AI, các cơ sở y tế có thể giảm bớt gánh nặng công việc và tập trung nguồn lực vào việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. Công nghệ này không chỉ mang lại lợi ích cho bệnh nhân mà còn cho toàn bộ hệ thống y tế, bằng cách nâng cao hiệu quả quá trình sàng lọc ung thư cổ tử cung, giúp giảm chi phí và thời gian đi lại thăm khám.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

BS.CKI Phạm Thị Thu Huyền – Trưởng Khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết: “Ung thư cổ tử cung diễn tiến âm thầm và khó nhận biết giai đoạn đầu. Khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng thì bệnh đã ở vào giai đoạn muộn. Để phát hiện sớm thì nên tầm soát sức khỏe định kỳ. Phụ nữ sau 21 tuổi nên tầm soát ung thư cổ tử cung và tầm soát 3 năm hoặc 5 năm 1 lần. Nếu phát hiện sớm thì việc điều trị cũng sẽ kịp thời, hiệu quả hơn”.

Cũng theo bác sĩ Huyền, ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh có thể dự phòng được, trong đó công tác dự phòng cấp 1 là tiêm ngừa vắc xin HPV. Nghiên cứu cho thấy, Việt Nam hoàn toàn có thể thanh toán ung thư cổ tử cung trong 30 năm tới nếu việc tiêm chủng vắc xin HPV được triển khai cho 90% trẻ em gái vị thành niên kết hợp với sàng lọc và điều trị ung thư cổ tử cung đầy đủ.

“Hiện nay, vắc xin HPV được chỉ định tiêm trong độ tuổi từ 9 tuổi đến 45 tuổi và được khuyến cáo tiêm tốt nhất ở độ tuổi từ 9 đến 14 tuổi. Trẻ em ở độ tuổi này chỉ cần tiêm 2 mũi giúp hiệu quả miễn dịch cao và tiết kiệm chi phí so với tuổi lớn hơn cần phải tiêm 3 mũi” - bác sĩ Huyền nhấn mạnh.

Hồ Long

comment Bình luận