Đắk Lắk: Huyện Cư M’gar tập trung phòng bệnh sốt xuất huyết
Tính đến ngày 17/9, huyện Cư M’gar đã ghi nhận 831 trường hợp mắc SXH tại 17/17 xã, thị trấn với 28 ổ dịch. Trong đó, thị trấn Quảng Phú 273 trường hợp, xã Ea Kpam 99 trường hợp; thị trấn Ea Pốk 72 trường hợp, xã Ea Drơng 71 trường hợp; xã Quảng Tiến 64 trường hợp.
Theo ông Nguyễn Viết Lý - Trưởng trạm y tế xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar, các trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết ghi nhận ở địa phương có độ tuổi từ 15 trở lên chiếm hơn 74%. Nguyên nhân gia tăng số ca mắc bệnh sốt xuất huyết là do những ngày qua thời tiết mưa nhiều là môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh và lăng quăng sinh sôi và phát triển.
“Ngoài nguyên nhân dịch sốt xuất huyết có tính chất chu kỳ cứ 3 năm xảy ra một lần, thời tiết diễn biến bất thường, thì sự chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh của người dân là nguyên nhân chính dẫn đến dịch sốt xuất huyết tăng mạnh”, ông Lý cho biết thêm.
Là địa phương có số ca mắc SXH nhiều nhất ở huyện Cư M’gar, ông Trần Ngọc Tâm - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Quảng Phú cho biết, hiện nay đang vào mùa mưa, điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn sinh sôi và phát triển, cùng với sự lơ là chủ quan của một phận quần chúng nhân dân, nên bệnh SXH ở địa phương có diễn biến khá phức tạp, số ca mắc bệnh trong cộng đồng đang có chiều hướng gia tăng, nhất là tại những địa bàn có mật độ dân đông đúc. Đặc biệt, dù là địa bàn trung tâm huyện nhưng thời gian qua số ca mắc bệnh SXH ở địa phương liên tục gia tăng. Đây là con số đáng báo động, đòi hỏi người dân cần phải cảnh giác cao với dịch bệnh này.
“Để công tác phòng, chống dịch bệnh SXH đạt hiệu quả, UBND thị trấn Quảng Phú đã chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội và Ban tự quản các Tổ dân phố phải tập trung cả hệ thống chính trị cùng tham gia. Đồng thời, tiếp tục kiên trì đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về các biện pháp phòng, chống SXH; huy động đoàn viên, hội viên và nhân dân cùng tham gia dọn vệ sinh môi trường và diệt lăng quăng tại khu dân cư; tích cực triển khai các hoạt động phòng, chống SXH trong khu dân cư”, ông Tâm chia sẻ.
Bác sĩ Bùi Nam Ơn - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar cho biết, để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh SXH, trong 9 tháng năm 2024, Trung tâm y tế huyện Cư M'gar đã tiến hành 8 lần giám sát vectơ chủ động tại khu vực trọng điểm có dịch SXH lưu hành; thực hiện 2 đợt giám sát hỗ trợ giám sát hỗ trợ chuyên môn ở 17/17 xã, thị trấn. Đồng thời, tổ chức 3 đợt thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy phòng chống SXH ở các khu dân cư. Trong đó, tiến hành điều tra và xử lý 131.915 dụng cụ chứa nước có lăng quăng, bọ gậy sinh sống; phun hóa chất diệt muỗi tại các ổ dịch. Ngoài ra, toàn ngành y tế cũng đồng loạt ra quân tuyên truyền phòng chống SXH tại 170 thôn, buôn, TDP tại 17/17 xã, thị trấn với 510 lượt người dân tham dự.
Tuy nhiên, do sự biến đổi bất thường của khí hậu thuận lợi cho việc muỗi truyền bệnh SXH sinh sản và phát triển; nhận thức của người dân về cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết chưa cao. Bên cạnh đó là do công tác vệ sinh môi trường loại bỏ các vật dụng, dụng cụ chứa nước tại cộng đồng chưa được người dân, chính quyền địa phương chưa quan tâm nên dịch SXH ở huyện Cư M’gar có chiều hướng gia tăng. Nếu như so với cùng kỳ năm 2023, thì 9 tháng năm 2024, dịch SXH ở địa phương tăng 611 trường hợp.
Cũng theo giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar Bùi Nam Ơn, nhờ đẩy mạnh công tác điều tra, khoanh vùng và dập dịch nên đến nay toàn huyện Cư M’gar đã có 25/28 ổ dịch SXH đã kết thúc, 3 ổ dịch đang được theo dõi, điều tra, khoanh vùng. Tuy nhiên, từ nay đến tháng 10, dự báo tình hình dịch sốt xuất huyết sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng về số ca, số lượng ổ dịch và số người mắc mới. Do vậy, nhằm kịp thời ngăn chặn, dập tắt các ổ dịch, tránh để lây lan trên diện rộng, Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục duy trì, triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Trong đó, tập trung vào các địa phương trọng điểm, có số ca mắc bệnh cao và nguy cơ bùng phát dịch. Trước mắt, tiếp tục, theo dõi và xử lý triệt để 3 ổ dịch đang hoạt động tại tổ dân phố 6 thị trấn Quảng Phú; tổ dân phố Toàn Thắng thị trấn Ea Pốk và thôn Tân Lập xã Ea Kpam. Duy trì điểm điều tra, giám sát véc tơ chủ động tại 3 xã Ea Kiết, Ea H'đing và Cuôr Đăng để đánh giá chỉ số véc tơ, cảnh báo nguy cơ và đề ra các giải pháp can thiệp kịp thời.
Bên cạnh đó, ngành y tế huyện cũng phối hợp tốt với các xã, thị trấn tổ chức cho cán bộ, công chức, các đội xung kích thôn, buôn đến từng hộ gia đình cùng phát quang bụi rậm, vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh. Thực hiện tốt giải pháp tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, tự giác phòng chống dịch bệnh, mắc màn khi đi ngủ. Hướng dẫn người dân tích cực tổ chức diệt lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi tại gia đình bằng các biện pháp truyền thống, xử lý các dụng cụ chứa nước, lật úp các dụng cụ như lốp xe, mảnh vỡ chai lọ chứa nước… không cho lăng quăng, bọ gậy phát triển. Tập trung xử lý triệt để các ổ dịch nhỏ bằng biện pháp diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi. Tăng cường các biện pháp giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để khoanh vùng, xử lý ổ dịch, cách ly, điều trị kịp thời, hạn chế tỷ lệ mắc và tử vong do SXH. Đồng thời, khuyến cáo người dân nếu thấy có biểu hiện sốt cao li bì, đau mỏi, người bệnh cần tới cơ sở y tế để được phát hiện và điều trị sớm tránh biến chứng nguy hiểm.
Có thể nói, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh truyền nhiễm nói chung và SXH nói riêng, cùng với các giải pháp quyết liệt của ngành y tế thì yếu tố quan trọng nhất hiện nay vẫn là ý thức chủ động, tự giác phòng bệnh của mỗi người dân, thực hiện tốt việc giữ gìn vệ sinh môi trường khu vực sinh sống .
Bảo Trọng
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Bài tập giúp giảm chứng đau nửa đầu
Theo một nghiên cứu được công bố bởi Statpearls, chứng đau nửa đầu gây ra cơn đau dữ dội, nhói ở một bên đầu và có thể dẫn đến các triệu chứng như buồn nôn, chóng mặt, nôn mửa, nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh và rối loạn thị giác. Cơn đau đầu thường kéo dài từ khoảng vài giờ, một số trường hợp có thể kéo dài tới vài ngày.November 23 at 5:29 pm -
Cà Mau: Tập huấn tư vấn cai nghiện thuốc lá tại cộng đồng
Nhằm thực hiện tốt các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Trần Văn Thời tổ chức lớp tập huấn tư vấn cai thuốc lá cho 40 học viên là cộng tác viên, y tế khóm/ấp tại cộng đồng.November 22 at 4:25 pm -
Đà Nẵng: Tập huấn nâng cao kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe cho y tế thôn bản
Từ ngày 19/11 đến 21/11, tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Đà Nẵng tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe cho đội ngũ nhân viên y tế thôn bản của 11 xã trên địa bàn huyện Hoà Vang.November 22 at 4:25 pm -
Gia Lai phát động tháng hành động vì bình đẳng giới
Vừa qua, tại TP. Pleiku, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Gia Lai phát động “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” năm 2024.November 21 at 8:52 am