Đà Nẵng: Tập huấn hướng dẫn sàng lọc, tư vấn can thiệp, theo dõi quản lý, điều trị và tư vấn tái nghiện do lạm dụng rượu, bia

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Đà Nẵng tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn sàng lọc, tư vấn can thiệp, theo dõi quản lý, điều trị và tư vấn tái nghiện do lạm dụng rượu, bia cho cán bộ chuyên trách bệnh không lây nhiễm tại trung tâm y tế quận, huyện và các trạm y tế xã, phường năm 2024.
14:50 | 02/07/2024

Lớp tập huấn được tổ chức với sự tham gia của các cán bộ chuyên trách bệnh không lây nhiễm tại trung tâm y tế quận, huyện và các trạm y tế xã, phường trên địa bàn thành phố, do các giảng viên đến từ các khoa phòng chuyên môn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật giảng dạy.

Tham dự tập huấn, các cán bộ chuyên trách đã được nghe phổ biến các nội dung về Luật, Nghị định liên quan đến phòng chống tác hại rượu, bia; hướng dẫn truyền thông giáo dục sức khỏe dự phòng phòng chống tác hại rượu, bia; Hướng dẫn sàng lọc và can thiệp giảm tác hại cho người có nguy cơ sức khỏe do uống rượu, bia tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu và tại cộng đồng, theo dõi quản lý, điều trị và tư vấn tái nghiện do lạm dụng rượu, bia.

Trên cơ sở các nội dung được tập huấn, khi về cơ sở các học viên sẽ áp dụng vào trong hoạt động quản lý các bệnh không lây nhiễm, truyền thông nhận thức đối với người dân về phòng, chống tác hại của rượu bia. Dần đưa Luật phòng chống tác hại rượu bia gần với đời sống của người dân.

Quang cảnh lớp tập huấn

Quang cảnh lớp tập huấn

Theo tổ chức phi chính phủ HealthBridge tại Việt Nam cho thấy, mỗi năm cả nước ta tiêu thụ khoảng 3 tỷ lít bia, 200 triệu lít rượu. Đáng lưu ý khi có đến 70% đàn ông Việt Nam uống rượu, bia và cứ trong 4 người thì có 1 người sử dụng rượu, bia ở mức độ có hại. Bất kể từ dịp gì, từ các buổi liên hoan cho đến các đám hiếu, hỷ và thậm chí trong cả các bữa cơm hàng ngày người ta vẫn uống bia rượu như một nhu cầu tất yếu. Và nhiều người vẫn nghĩ, mỗi tuần uống 2-3 lần, mỗi lần dăm bảy chén là bình thường, có gì mà nguy hại. Chính sự coi nhẹ này một phần lý giải vì sao tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến rượu bia ở nước ta lại ngày càng gia tăng.

Ngoài những tác hại dễ nhận thấy sau khi uống như: đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi, chất cồn trong rượu bia còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, gây ra nhiều tác hại cho cơ thể mà chúng ta không ngờ tới.

Đáng lưu ý nhất là rượu bia gây hại mạnh nhất lên gan, có thể dẫn tới các bệnh lý nghiêm trọng về gan, khiến gan không chuyển hóa được chất độc, làm các độc tố tồn ứ trong cơ thể, gây độc cho các cơ quan. Việc này tạo thành vòng lặp lại khiến cơ thể suy yếu nhanh chóng và rất dễ mắc các bệnh lý về gan sau như xơ gan do rượu hoặc ung thư gan.

Ngoài các bệnh lý về gan, những người uống nhiều rượu bia còn phải đối mặt với hàng hoạt các vấn đề về sức khỏe như bệnh lý tim mạch, gút, viêm loét dạ dày - tá tràng, tiểu đường, cao huyết áp...gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội.

Ngày 14/6/2019, Quốc Hội đã chính thức thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia gồm 7 chương, 36 điều, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020. Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là đạo luật mang ý nghĩa xã hội và tính nhân văn cao, với mục tiêu là định hướng hành vi, thay đổi thói quen có hại về việc lạm dụng rượu, bia, góp phần quan trọng bảo vệ sức khoẻ, nâng cao thể chất, tinh thần, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân.

Cùng với đó, những hoạt động tăng cường kèm theo như cấm sử dụng đồ uống có cồn khi tham gia giao thông, đánh thuế vào bia, rượu, truyền thông rộng rãi nâng cao nhận thức về tác hại khi sử dụng rượu bia đối với người dân cũng góp phần đưa Luật phòng chống tác hại rượu bia gần hơn với cuộc sống của người dân.

Hồng Hoa

comment Bình luận