Cập nhật tình hình dịch bệnh chưa rõ tác nhân tại CHDC Congo
Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Châu Phi (CDC Châu Phi), một dịch bệnh chưa rõ nguyên nhân đang bùng phát tại khu vực Panzi, tỉnh Kwango, Cộng hòa Dân chủ Congo (CHDC Congo). Tính đến ngày 12/12/2024, đã ghi nhận tổng cộng 527 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 32 trường hợp tử vong tại các cơ sở y tế (tỷ lệ tử vong 6%). Các triệu chứng của bệnh bao gồm: sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau cơ. Các trường hợp mắc chủ yếu là trẻ em (53% số mắc và 54,8% số tử vong là dưới 5 tuổi) và tất cả các trường hợp nặng đều có suy dinh dưỡng nghiêm trọng.
Khu vực đang xảy ra dịch là khu vực nông thôn, thuộc tỉnh vùng sâu, cách xa Thủ đô Kinshasa, vừa xảy ra tình trạng thiếu lương thực trong những tháng gần đây; điều kiện y tế thiếu thốn, tỷ lệ tiêm chủng thấp, khả năng tiếp cận chẩn đoán, quản lý ca bệnh rất hạn chế. Tổ chức Y tế thế giới cho biết tại Cộng hòa Dân chủ Congo hiện có khoảng 25.6 triệu người đang sống trong hoàn cảnh thiếu lương thực, trong đó có gần 4.5 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng. Vấn đề khan hiếm lương thực tại Kwango đang tăng cao đến mức báo động từ tháng 4 năm nay. Trẻ suy dinh dưỡng sẽ bị các biến chứng rất nặng và tử vong khi nhiễm các bệnh như sởi và các bệnh nhiễm trùng.
Theo WHO, mức độ nguy cơ tại khu vực xảy ra dịch (khu vực Panzi, tỉnh Kwango) là cao, tuy nhiên ở cấp quốc gia của CHDC Congo, nguy cơ là trung bình, do đợt bùng phát hiện tại có tính chất cục bộ trong khu vực Panzi, tỉnh Kwango. Ở cấp độ khu vực và toàn cầu, WHO đánh giá mức độ nguy cơ thấp và chỉ lưu ý việc giám sát tại biên giới với quốc gia láng giềng gần khu vực xảy ra dịch là Angola.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đang theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh, chủ động thực hiện giám sát dựa vào sự kiện cùng thông tin về dịch bệnh tại CHDC Congo và phối hợp với WHO cũng như đầu mối IHR các quốc gia để cập nhật, chia sẻ thông tin về dịch bệnh. Trường hợp có các diễn biến mới, Cục Y tế dự phòng sẽ phối hợp với WHO, USCDC và các đơn vị liên quan đánh giá nguy cơ để đề xuất các đáp ứng phù hợp, bao gồm việc tăng cường công tác kiểm dịch y tế.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất không có đường bay thẳng từ CHDC Congo. Hành khách từ CHDC Congo sẽ phải quá cảnh qua các nước thuộc khu vực Châu Âu, Trung Đông, Châu Á trước khi có thể đến Tân Sơn Nhất. Hơn nữa, 4 sân bay quốc tế của nước này (sân bay quốc tế Ndjili - TP Kinshasa, sân bay quốc tế Lubumbashi - TP Lubumbashi, sân bay quốc tế Goma – TP Goma, sân bay quốc tế Bangoka – TP Kisangani) đều không thuộc khu vực đang có dịch theo báo cáo của WHO. Về đường hàng hải thì CHDC Congo có 1 cảng biển là Cảng Boma ở TP Kinshasa. Thành phố này cũng không thuộc vùng dịch theo báo cáo của WHO và thông thường thời gian để di chuyển từ đây đến Cảng hàng hải TP. Hồ Chí Minh mất khoảng 30-40 ngày, đủ thời gian phát hiện bệnh nếu có.
Để chủ động, sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xâm nhập, Sở Y tế chỉ đạo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) theo dõi sát tình hình diễn biến dịch, liên tục liên hệ, kết nối các đơn vị để cập nhật thông tin, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng phương án đáp ứng theo từng mức độ nguy cơ của dịch.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) có bộ phận Kiểm dịch y tế quốc tế túc trực 24/7 tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng hải TP. Hồ Chí Minh để kiểm soát các nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm từ nước ngoài xâm nhập vào TP. Hồ Chí Minh. Tại Tân Sơn Nhất, các kiểm dịch viên y tế giám sát liên tục hành khách nhập cảnh qua hệ thống đo thân nhiệt từ xa và quan sát các biểu hiện bất thường về sức khỏe trong khi hành khách vẫn di chuyển bình thường, không có hạn chế nào.
Tuỳ theo tình hình dịch, HCDC sẽ kích hoạt hệ thống giám sát cảnh báo sớm tại các cơ sở khám chữa bệnh và trong cộng đồng thông qua mạng lưới cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng hiện đã bao phủ khắp 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức; tổ chức đào tạo, tập huấn cho các đội đáp ứng nhanh và các đơn vị liên quan đến hoạt động giám sát, điều tra xử lý dịch; triển khai mạng lưới thu dung, phân tuyến điều trị ngay khi phát hiện trường hợp nghi ngờ bệnh để dịch bệnh không lây lan trong cộng đồng.
Để chủ động phòng ngừa dịch bệnh, người dân không nên đến các vùng đang có dịch nếu không cần thiết. Đối với người đã từng đi qua các vùng có dịch, nếu phát hiện những triệu chứng nghi ngờ thì cần đến ngay cơ sở y tế và cung cấp cho nhân viên y tế đầy đủ thông tin về lịch trình đi lại để được chẩn đoán và điều trị kịp thời cũng như để hạn chế lây nhiễm cho cộng đồng.
Thu Hằng
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Đà Nẵng: Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia
Vừa qua, UBND TP. Đà Nẵng ban hành Kế hoạch số 248/KH-UBND triển khai Quyết định số 1169/QĐ-TTg ngày 11/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia đến nãm 2030 trên địa bàn TP. Đà Nẵng.December 16 at 9:01 am -
Cần Thơ: Tập huấn nâng cao sức khỏe người cao tuổi cho tổ tình nguyện viên
Vừa qua, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) TP. Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Y tế quận Ninh Kiều tổ chức lớp tập huấn nâng cao sức khỏe người cao tuổi cho tình nguyện viên mới của các tổ tình nguyện viên tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.December 15 at 9:01 am -
Hội thảo “Hướng dẫn nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người lao động”
Trong 2 ngày 11/12 và 12/12, Viện Dinh dưỡng đã tổ chức hội thảo “Hướng dẫn nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người lao động” tại TP. HCM, Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, cùng đại diện 3 Viện khu vực, 32 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khu vực miền Trung - Tây Nguyên và nhiều chuyên gia uy tín trong lĩnh vực dinh dưỡng.December 14 at 12:37 pm -
Gia Lai: Xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh
Những năm gần đây, ngành chăn nuôi tỉnh Gia Lai chú trọng xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh nhằm hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả kinh tế.December 14 at 10:20 am