Cảnh giác với rắn độc trong mùa mưa

Mùa mưa hằng năm không chỉ là thời điểm sinh sôi của các loài cây cỏ mà còn là mùa cao điểm sinh sản và phát triển của nhiều loài rắn độc. Biến đổi khí hậu làm thay đổi môi trường sống tự nhiên của rắn, buộc chúng phải di chuyển đến gần khu dân cư, dẫn đến gia tăng đáng kể các trường hợp bị rắn cắn.
14:00 | 26/12/2024

Gần đây, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Cụ thể, trường hợp đầu tiên là ông L.T.B (58 tuổi, ngụ tại Long An) bị rắn cắn khi dọn cây ngoài vườn. Ông cảm thấy đau nhói ở bàn tay trái và phát hiện vết thương nhỏ rỉ máu. Người nhà đã kịp thời đưa ông đến bệnh viện. Khi nhập viện, ông B. có triệu chứng đau nhức dữ dội, sưng và bầm tím quanh vùng bị cắn.

Dọn cây ngoài vườn, ông B. bị rắn căn vào tay (Ảnh: BVCC)

Dọn cây ngoài vườn, ông B. bị rắn căn vào tay (Ảnh: BVCC)

Trường hợp thứ hai là ông P.V.C (58 tuổi, ngụ tại Long An), bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào gót chân khi dọn dẹp bãi đất. Sau khi bị cắn, ông choáng váng, gót chân sưng nhanh chóng, môi và lưỡi tê. Gia đình nhanh chóng đưa ông C. đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An.

Tại bệnh viện, cả hai bệnh nhân được xử lý vết thương ngay lập tức, tiêm huyết thanh kháng nọc rắn, huyết thanh kháng độc tố uốn ván, sử dụng kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, và theo dõi sát sao các dấu hiệu sinh tồn.

Nhờ sự phối hợp nhanh chóng của đội ngũ y bác sĩ, tình trạng sưng đau của hai bệnh nhân được kiểm soát, ngăn chặn sự lan rộng của nọc độc. Sau vài ngày điều trị, cả hai ông đã hồi phục và được xuất viện.

ThS.BS Nguyễn Công Vân, Trưởng khoa Nội Tim Mạch Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An, chia sẻ rằng rắn lục đuôi đỏ có nọc độc mạnh, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như rối loạn đông máu, xuất huyết nặng, và thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Bác sĩ thăm khám lại cho bệnh nhân C. (Ảnh: BVCC)

Bác sĩ thăm khám lại cho bệnh nhân C. (Ảnh: BVCC)

Điều trị bằng huyết thanh kháng nọc rắn là phương pháp hiệu quả nhất, đặc biệt trong 4 giờ đầu sau khi bị cắn. Vì vậy, khi bị rắn cắn, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất và tuyệt đối không áp dụng các biện pháp dân gian như đắp thuốc hay rạch vết cắn.

“Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An là một trong số ít cơ sở y tế tại khu vực có sẵn huyết thanh kháng nọc rắn và đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm. Với quy trình cấp cứu chuyên nghiệp, bệnh viện đã cứu sống hàng ngàn bệnh nhân bị rắn độc cắn mỗi năm, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng”, BS Công Vân cho biết thêm.

Cao Ánh

comment Bình luận