Các biến chứng của bệnh sởi và cách phòng tránh

Sởi là một bệnh truyền nhiễm lưu hành rộng rãi ở mọi nơi trên thế giới, nhất là trong thời kỳ trước tiêm chủng. Trên 90% số người trước lứa tuổi 20 đã bị mắc bệnh sởi, rất hiếm người không bị mắc sởi. Ước tính hàng năm khoảng 100 triệu trường hợp mắc và 6 triệu người tử vong do sởi.
7:23 | 08/12/2024

Bệnh sởi nguy hiểm nhất đối với trẻ em dưới 3 tuổi. Bệnh làm suy yếu sức đề kháng của cơ thể cho nên thường kèm theo biến chứng như phế quản phế viêm, viêm tai, tiêu chảy. Những bệnh này khi mắc cùng bệnh sởi thường có diễn biến nặng.

Biến chứng đường hô hấp

Viêm thanh quản: Ở giai đoạn sớm thường do virus sởi, gây cơn khó thở do co thắt thanh quản. Giai đoạn muộn thường do bội nhiễm (hay gặp do tụ cầu, liên cầu, phế cầu…), xuất hiện sau mọc ban. Diễn biến thường nặng: sốt cao, ho nặng tiếng, khàn tiếng, khó thở, tím tái.

Viêm phế quản: Thường do bội nhiễm, xuất hiện vào cuối thời kì mọc ban. Người bệnh có biểu hiện sốt, ho nhiều, chụp X quang có hình ảnh viêm phế quản.

Viêm phế quản - phổi: Do bội nhiễm, thường xuất hiện muộn sau mọc ban với những biểu hiện nặng như sốt cao, khó thở. Đây thường là nguyên nhân gây tử vong trong bệnh sởi, nhất là ở trẻ nhỏ.

Biến chứng thần kinh

Viêm não – màng não – tủy cấp: Là biến chứng nguy hiểm gây tử vong và di chứng cao, gặp ở 0,1 – 0,6% bệnh nhân sởi. Biến chứng này thường gặp ở trẻ trong độ tuổi đi học với biểu hiện sốt cao gây co giật, rối loạn ý thức, liệt người…

Viêm màng não: Gồm viêm màng não thanh dịch do viru sởi và biến chứng viêm màng não mủ sau viêm tai do bội nhiễm.

Viêm não chất trắng bán cấp xơ hóa: Hay gặp ở tuổi 2 – 20 tuổi, xuất hiện muộn sau vài năm. Điều này nói lên virus sởi có thể sống tiềm tàng nhiều năm trong cơ thể bệnh nhân có đáp ứng miễn dịch bất thường. Diến biến bán cấp từ vài tháng đến 1 năm. Bệnh nhân chết trong tình trạng tăng tương lực cơ và co cứng mất não.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Biến chứng đường tiêu hóa

Viêm ruột: Do bội nhiễm các loại vi khuẩn như shigella, E.coli…

Biến chứng tai – mũi – họng: Gồm viêm mũi họng bội nhiễm, Viêm tai – viêm tai xương chũm.

 Biến chứng do suy giảm miễn dịch: Dễ mắc thêm các bệnh khác như lao, bạch hầu, ho gà…

Phân biệt bệnh sởi với các bệnh khác

Bệnh Rubella (hay bệnh sởi Đức)

- Sốt nhẹ, viêm long đường hô hấp nhẹ, dấu hiệu nhiễm độc không rõ.

- Ban dát sẩn dạng sởi nhưng thường nhỏ hơn, mọc thưa hơn và mọc sớm ngay từ ngày thứ 1 – 2, mọc cùng lúc, khi bay để lại vết thâm, không có hạt Koplick.

- Hạch sau tai, chẩm sưng đau

Bệnh do virus có phát ban khác (virus Adeno, ECHO, Coxsackie,…).

Ban toàn thân không theo thứ tự, thường ngứa, có nguyên nhân do dùng thuốc, thời tiết, thức ăn…

Tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu phòng bệnh sởi

Tình hình bệnh sởi ở Việt Nam thời kỳ trước khi tiêm 1 liều vắc xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng cũng tương tự như ở các nước trên thế giới với rất nhiều người mắc bệnh. Việc gây miễn dịch phòng bệnh sởi bằng một liều vắc xin sởi sống giảm độc lực được bắt đầu trong chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam từ năm 1985 và tỷ lệ mắc bệnh sởi đã giảm xuống từ 91/100.000 dân năm 1986 xuống 2,35/100.000 năm 2006.

Với việc thực hiện chương trình tiêm phòng sởi có hiệu quả, tỷ lệ mắc bệnh sởi đã giảm 99% ở nhiều nước phát triển và chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ chưa được tiêm chủng hoặc ở trẻ lớn tuổi hơn, người lớn mới chỉ được tiêm 1 liều vắc xin.

Do đó để phòng bệnh sởi, cần đưa trẻ đi tiêm chủng đủ liều và đúng lịch.

Thanh Trà

comment Bình luận