Cà Mau: Ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ký ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
15:53 | 08/01/2024

Mục tiêu chung của kế hoạch hướng đến là giảm tối đa tỉ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm so với trung bình năm; khống chế kịp thời, hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh bùng phát để góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.

UBND tỉnh Cà Mau ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024 (ảnh minh họa)

UBND tỉnh Cà Mau ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024 (ảnh minh họa)

Cụ thể, tăng cường công tác chỉ đạo phòng, chống dịch, củng cố Ban Chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe Nhân dân; Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch các cấp; tăng cường trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên. 100% giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, truy vết và đáp ứng nhanh, xử lí triệt để các ổ dịch nhằm giảm số ca mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, ngăn chặn kịp thời bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm xâm nhập vào địa phương.

Duy trì thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh. Đảm bảo tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi đạt từ 95% trở lên quy mô cấp xã, phường, thị trấn, tiêm chủng dịch vụ, tiêm chủng chống dịch.

Bảo đảm công tác phân tuyến điều trị giảm quá tải bệnh viện tuyến cuối; thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, biến chứng. Tăng cường công tác truyền thông tại trường học, bệnh viện và cộng đồng, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh. 100% cán bộ làm công tác thống kê báo cáo bệnh truyền nhiễm được tập huấn về giám sát, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm. 100% nhân viên y tế làm việc tại các khoa khám bệnh, khoa nội, truyền nhiễm được tập huấn về kiểm soát nhiễm khuẩn, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị.

Tăng cường mô hình giám sát sự kiện (EBS) dựa vào cộng đồng, các phần mềm quản lý y tế tại các tuyến. Tăng cường hiệu quả phối hợp các ngành liên quan triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kiểm tra, giám sát các hoạt động tại địa phương. Đảm bảo kinh phí, thuốc, vật tư, hóa chất, nguồn lực sẵn sàng đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch tại các cấp.

Nguyệt Thanh

comment Bình luận