Bình Phước: Tăng cường công tác triển khai phòng, chống bệnh đau mắt đỏ

Từ tháng 8 năm 2023 đến nay, tình hình bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn tỉnh Bình Phước đang có dấu hiệu gia tăng, nhất là sau thời điểm nhập học.
14:29 | 13/09/2023

Từ 1/9 - 12/9 Bình Phước ghi nhận 5.859 trường hợp đau mắt đỏ. Trong đó TP Đồng Xoài 1.548 ca, Chơn Thành 1.712 ca, Đồng Phú 757 ca, Bình Long 598 ca, Bù Gia Mập 146 ca, Phước Long 731 ca, Bù Đăng 165 ca, Phú Riềng 202 ca.

Nhân viên y tế kiểm tra bệnh đau mắt đỏ tại trường học

Nhân viên y tế kiểm tra bệnh đau mắt đỏ tại trường học

Phần lớn, các ca bệnh tập trung tại trường học, chủ yếu là tiểu học, trung học, nhà trẻ, mẫu giáo. Bệnh đau mắt đỏ là bệnh có tốc độ lây lan nhanh và lây trực tiếp qua tiếp xúc hoặc gián tiếp qua các vật dụng sinh hoạt.

Nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, giảm các trường hợp có biến chứng nặng về mắt Sở Y tế Bình Phước yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung phòng, chống bệnh.

Về phía Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tăng cường công tác chỉ đạo TTYT các huyện, thị xã thành phố xây dựng triển khai công tác tuyên truyền các hoạt động phòng chống, các biện pháp vệ sinh cá nhân phòng chống bệnh đau mắt đỏ tại các cơ sở giáo dục, khu công nghiệp, nơi tập trung đông dân cư. Chủ động phối hợp với Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình tỉnh xây dựng, tiếp nhận, nhân bản tài liệu truyền thông của Bộ Y tế, chủ động truyền thông phòng, chống bệnh đau mắt đỏ trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đối với TTYT các huyện, thị xã, thành phố: Tham mưu lãnh đạo UBND huyện/thị xã/thành phố chỉ đạo các các cơ quan, ban - ngành, đoàn thể, UBND các phường, xã tăng cường phối hợp tuyên truyền về bệnh đau mắt đỏ để người dân hiểu được nguyên nhân, đường lây và các biện pháp phòng bệnh tại cộng đồng; thường xuyên phát các thông điệp, khuyến cáo cộng đồng trên phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ; tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn; tổ chức hướng dẫn triển khai các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng; phối hợp phòng giáo dục triển khai giám sát, thống kê tình hình đau mắt đỏ, hướng dẫn các biện pháp xử lý ban đầu các hoạt động phòng chống bệnh đau mắt đỏ trong nhà trường, đặc biệt chú ý đến các nhóm lớp nhà trẻ, mẫu giáo; đảm bảo công tác vệ sinh phòng học, dụng cụ học tập, đồ chơi, dụng cụ sinh hoạt cá nhân,...

Các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh được tạm nghỉ học, điều trị và cách ly tại nhà, hạn chế lây lan tại các trường học và cộng đồng; thường xuyên giám sát, báo cáo số mắc bệnh hàng tuần về trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh để có số liệu tổng hợp, đánh giá tình hình dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh và kịp thời có các giải pháp thích hợp khi số ca bệnh tăng đột biến.

Ngoài ra, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh cần tổ chức tốt việc tư vấn, điều trị cho bệnh nhân có các triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ; thông báo kịp thời cho trạm y tế, TTYT huyện/thị xã/thành phố có bệnh nhân để triển khai các biện pháp phòng bệnh; chuẩn bị đầy đủ không để thiếu thuốc, không tăng giá thuốc; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện theo đúng quy định của Bộ Y tế; cập nhật tình hình dịch, bệnh hàng ngày, báo cáo tuyến trên đúng quy định.

Đức Tường

comment Bình luận