Bình Định: Quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng

Vừa qua, UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 252/QĐ-UBND kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2024.
13:23 | 23/01/2024

Mục đích của kế hoạch là quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện có của tỉnh 415.724,38 ha; trong đó: Diện tích đất có rừng 345.580,6 ha (rừng tự nhiên 214.543,61 ha, rừng trồng 131.036,99 ha); đất mới trồng chưa thành rừng là 35.529,70 ha, đất chưa có rừng các loại là 34.614,08 ha. Phấn đấu nâng tỷ lệ độ che phủ rừng của tỉnh năm 2024 đạt 57,7%.

Trong năm 2024, trồng rừng tập trung phấn đấu đạt 8.500 ha (trong đó, trồng rừng gỗ lớn 2.000 ha); chăm sóc rừng trồng 19.500 ha; khoán bảo vệ rừng 130.003 ha; khoán khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 284 ha; sản lượng gỗ khai thác 1.050.000 m3; sản xuất 200 triệu cây giống lâm nghiệp.

Kế hoạch cũng nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng phá rừng, đốt rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật; lấn, chiếm đất lâm nghiệp để trồng rừng trái pháp luật; mua, bán, cất giữ, vận chuyển, chế biến, kinh doanh lâm sản; săn bắt, nuôi nhốt, giết mổ động vật hoang dã trái pháp luật. Phát hiện sớm lửa rừng, huy động lực lượng dập tắt cháy rừng khẩn trương, kịp thời và triệt để, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra cả về diện tích và số vụ.

Quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Bình Định

Quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Bình Định

Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ rừng, phát triển rừng và PCCC rừng của các cấp, các ngành và nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng và PCCC rừng. Khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác tổ chức quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và PCCC rừng năm 2023, lập lại kỷ cương trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ, phát triển rừng để bảo vệ tốt tài nguyên rừng hiện có và diện tích rừng tạo mới; tích cực tham gia trồng, khoanh nuôi tái sinh phát triển tài nguyên rừng để nâng độ che phủ rừng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và giữ gìn cân bằng sinh thái.

UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định về quản lý, bảo vệ rừng; PCCC rừng theo phương châm bốn tại chỗ “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ”. Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ các hoạt động quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, trồng rừng, khai thác, chế biến, thương mại lâm sản, dịch vụ môi trường rừng, phát triển du lịch sinh thái,... gắn với tạo sinh kế nâng cao thu nhập cho người dân vùng; huy động nguồn lực xã hội để đầu tư, bảo vệ và phát triển, khai thác và hưởng lợi từ rừng, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, giảm nghèo và bảo vệ môi trường sinh thái.

Lực lượng kiểm lâm với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao có trách nhiệm tham mưu cho chính quyền các cấp tổ chức thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng và PCCC rừng trên địa bàn quản lý theo quy định.

Các chủ rừng có trách nhiệm tổ chức lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Thường xuyên phối hợp với lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, truy quét các đối tượng có hành vi phá rừng, khai thác lâm sản; lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật và thực hiện nghiêm công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên diện tích rừng của mình.

Các ngành chức năng có liên quan có trách nhiệm phối hợp với lực lượng kiểm lâm, chủ rừng thực hiện nghiêm quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, PCCC rừng; sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ khi có yêu cầu.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có vi phạm; chính quyền địa phương các cấp phải chịu trách nhiệm trước chính quyền cấp trên trực tiếp trong công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng và PCCC rừng trên địa bàn quản lý; hằng năm, đưa nội dung chỉ tiêu bảo vệ rừng, phát triển rừng và PCCC rừng là một tiêu chí chính để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ và thi đua đối với tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ở các cấp, các ngành, các địa phương, cơ sở có liên quan.

Minh Anh

comment Bình luận