Bệnh viện Quân y 175 cứu bệnh nhân U90 bị mất da toàn bộ mu bàn chân

Vừa qua, Khoa Bỏng Vi phẫu tạo hình, Bệnh viện Quân y 175 (TP. HCM) tiếp nhận bệnh nhân H.H.T, 84 tuổi, bị khuyết da rộng gần như toàn bộ mu chân (P), cụt hoàn toàn ngón cái chân (P), lộ gân duỗi các ngón chân (P) do tai nạn lao động.
15:55 | 29/01/2024

Được biết đây là trường hợp tổn thương phức tạp, đòi hỏi phải có phương án che phủ khuyết hổng phần mềm và phục hồi chức năng sớm cho bệnh nhân. Sau khi chụp CTA (Chụp cắt lớp vi tính mạch máu), phát hiện bệnh nhân có tình trạng xơ vữa, hẹp mạch máu ở chi dưới, làm giảm lưu lượng máu đến vùng tổn thương. Khiến cho các phương án chuyển vạt da có cuống mạch từ cẳng chân trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, bệnh nhân tuổi cao, nhiều bệnh nền, ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng phục hồi.

Xác định đây là trường hợp khó, tuy nhiên với mong muốn giúp bệnh nhân sớm hồi phục vết thương cũng như đảm bảo chức năng vận động sớm, đội ngũ bác sĩ của Khoa Bỏng – Vi phẫu tạo hình đã quyết định áp dụng kỹ thuật vi phẫu tạo hình để che phủ khuyết hổng.

Empty

Phẫu thuật được thực hiện bởi 2 ekip do Thiếu tá, BS.CKI Thân Văn Hùng – phụ trách Phó chủ nhiệm Khoa Bỏng – Vi phẫu tạo hình, Bệnh viện Quân y 175 chịu trách nhiệm chính. Theo đó, một ekip sẽ bóc tách vạt da đùi trước ngoài (ALT) có cuống mạch máu rời, một ekip chuẩn bị nguồn mạch máu nhận ở mu bàn chân phải, sau đó sẽ khâu nối vạt da vào mạch nhận dưới kính hiển vi phẫu thuật. Quá trình phẫu thuật gặp nhiều khó khăn do bệnh nhân lớn tuổi, các bó cơ bị teo nhỏ khó xác định mốc mạch máu, cũng như khó khâu nối do thành mạch máu xơ vữa.

Sau gần 6 giờ, ca phẫu thuật hoàn thành, vạt da hồng hào che phủ hoàn toàn vết thương. Theo dõi liên tục sau 7 ngày, bệnh nhân ổn định, vạt da sống tốt, vết mổ khô sạch, bệnh nhân có thể vận động và đi lại nhẹ nhàng. Điều này chứng tỏ sự thành công của ca phẫu thuật phức tạp sử dụng kỹ thuật vi phẫu tạo hình.

Vi phẫu thuật là kỹ thuật cao nhất trên bậc thang tạo hình điều trị khuyết hổng mô mềm, sử dụng kính hiển vi và các dụng cụ chuyên biệt để khôi phục các cấu trúc nhỏ và siêu nhỏ như mạch máu, thần kinh có đường kính dưới 1 mm đến vài mm. Kỹ thuật này đã trở thành một phương pháp điều trị hiệu quả cho những tổn thương phức tạp, không chỉ giúp bệnh nhân khôi phục những khuyết hổng phần mềm, mà còn giúp họ phục hồi chức năng và thẩm mỹ, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ngọc Nguyễn

comment Bình luận