Bảo vệ môi trường sống vì sức khỏe của cộng đồng

Môi trường sống có những tác động mạnh mẽ tới sức khỏe qua từng giây từng phút mà chúng ta khó có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Bảo vệ môi trường sống trong lành là cách bảo vệ sức khỏe tốt nhất cho chính mình và cộng đồng xung quanh.
10:46 | 09/02/2024

Thực trạng đáng báo động của môi trường hiện nay

Chúng ta luôn nghĩ có thể chủ động bảo vệ sức khỏe bằng lối sống khoa học, thói quen lành mạnh, chế độ ăn uống và nghỉ ngơi cân bằng, vận động thể chất thường xuyên, phòng bệnh bằng vaccine,… mà ít để ý đến môi trường sống, nhưng môi trường sống vẫn đang âm thầm góp phần quan trọng và cần thiết cho sức khỏe.

Theo số liệu của của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có 13 triệu người tử vong liên quan đến vấn đề môi trường. Tại nhiều quốc gia trên toàn cầu, trung bình cứ 100 người chết thì có hơn 10 người thiệt mạng vì các yếu tố môi trường, tiêu biểu như nguồn nước thiếu vệ sinh hay không khí ô nhiễm. Với sự phát triển của xã hội hiện nay đã tạo thêm những yếu tố làm ô nhiễm môi trường như yếu tố về nghề nghiệp, phóng xạ tia cực tím, tiếng ồn, sử dụng nhiều hóa chất trong nông nghiệp, những thay đổi về khí hậu và hệ sinh thái,… Số người mắc bệnh ung thư, bệnh nghề nghiệp, ảnh hưởng đến thần kinh và chức năng của tuyến nội tiết, con cái bị dị tật bẩm sinh ngày một tăng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ung thư ngày càng tăng chính là do môi trường sống ngày càng xuống cấp.

Xưởng tái chế rác thải thành hạt nhựa gây ô nhiễm mô trường ở xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP. HCM

Xưởng tái chế rác thải thành hạt nhựa gây ô nhiễm mô trường ở xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP. HCM

Đơn cử, ô nhiễm không khí khiến hơn 6 triệu người tử vong mỗi năm. Các chất ô nhiễm trong không khí từ bếp nấu, nhà máy nhiệt điện than, xe cộ, công nghiệp, cháy rừng và bão bụi đã gây ra một phần đáng kể các ca tử vong trên toàn cầu do đột quỵ và các bệnh hô hấp. Ô nhiễm không khí cũng đã được chứng minh là làm trầm trọng thêm các ca tử vong do COVID – 19. 

Ô nhiễm không khí cũng là nguyên nhân chính gây tử vong và bệnh tật trên toàn cầu, đặc biệt là sự nguy hiểm của bụi mịn PM 2.5 vào phổi, qua đường dẫn khí sẽ đi sâu vào từng túi phổ gây viêm nhiễm đường hô hấp. Khoảng 4,2 triệu ca tử vong sớm trên toàn cầu có liên quan đến ô nhiễm không khí, chủ yếu là do bệnh tim, đột quỵ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi và nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính ở trẻ em.

Ở trẻ em và người lớn, cả tiếp xúc ngắn hạn và dài hạn với ô nhiễm không khí xung quanh có thể dẫn đến giảm chức năng phổi, nhiễm trùng đường hô hấp và hen suyễn nặng hơn. Ngoài ra, cũng có thể gặp các triệu chứng như kích ứng mắt, da, mũi và cổ họng; ho, khạc đàm, tức ngực, khó thở. Những triệu chứng này sẽ biến mất khi chất lượng không khí được cải thiện. Đối với những người có sẵn bệnh về phổi như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể làm tăng các triệu chứng của bệnh như khó thở nhiều hơn kèm theo tức nặng ngực, ho nhiều, thở khò khè. Các nghiên cứu cho thấy vào những thời điểm thời tiết khắc nghiệt hoặc ô nhiễm không khí tăng cao, tần suất nhập viện do các căn nguyên về hô hấp và tim mạch cũng tăng nhiều hơn.

Ô nhiễm trong không khí từ cháy rừng và bão bụi đã gây đột quỵ và các bệnh hô hấp

Ô nhiễm trong không khí từ cháy rừng và bão bụi đã gây đột quỵ và các bệnh hô hấp

Tại Việt Nam, tình trạng môi trường ô nhiễm đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, đe dọa đến sức khoẻ con người và lan rộng trong nhiều khía cạnh sinh hoạt đời sống, từ nguồn nước, khói bụi, không khí, rác thải, nhiên liệu xăng dầu,…

Bảo vệ môi trường sống cũng chính là bảo vệ sức khỏe

Khi các hiện tượng biến đổi khí hậu, thời tiết trở lên khắc nghiệt và xuất hiện thường xuyên, hơn cả một lời cảnh báo và kêu gọi chúng ta cần phải hành động ngay trước những nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe lâu dài trên toàn cầu.

Mỗi người dân là một tế bào trong xã hội, để tế bào được phát triển một cách khỏe mạnh và vững vàng cần rất nhiều sự chung tay góp sức của mỗi người dân bằng những hành động thiết thực và cụ thể như:

Đối với khu vực đô thị, khu tập trung đông dân cư có thể thực hiện các biện pháp khơi thông cống rãnh, tránh để tình trạng nước, chất thải ứ đọng rất dễ phát sinh tình trạng ô nhiễm môi trường. Đối với khu vực nông thôn, chú ý vệ sinh khu vực xung quanh nhà, phát quang bụi rậm, dọn dẹp các vật dụng làm ứ đọng nước, vệ sinh các dụng cụ chứa nước,.. để hạn chế nguy cơ phát sinh các dịch bệnh.

Đông đảo du khách đi thuyền tận hưởng không khí mát mẻ, làng nước trong xanh tại Khu du lịch Tràng An, Ninh Bình

Đông đảo du khách đi thuyền tận hưởng không khí mát mẻ, làng nước trong xanh tại Khu du lịch Tràng An, Ninh Bình

Cộng đồng tăng cường công tác thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt phát sinh, nhất là các chất thải như xác động vật chết. Những nơi có điều kiện thu gom, vận chuyển về bãi rác xử lý, người dân cần tích cực phối hợp thu gom, lưu chứa chất thải đúng theo quy định.

Đối với các khu vực chưa thể thu gom, vận chuyển cần chú ý thu gom, tự xử lý bằng các biện pháp như chôn lấp hợp vệ sinh (đào hố, chôn từng lớp rác, phủ lớp đất,...) tránh việc xả rác trực tiếp xuống kênh, rạch hoặc môi trường xung quanh vì rất dễ gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường và kéo theo các dịch bệnh làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.

Ngoài ra, cần chú ý thường xuyên vệ sinh cá nhân, sử dụng các nguồn nước hợp vệ sinh, tránh sử dụng các nguồn nước ô nhiễm, nhất là ở khu vực nông thôn đang là mùa xuống giống, nước từ đồng ruộng kéo theo nhiều chất ô nhiễm, có nguy cơ gây ô nhiễm cao.

Chúng ta cần không khí sạch để hít thở, nguồn nước sạch để duy trì sự sống, bảo vệ sức khỏe. Do đó, có rất nhiều việc mà mỗi người có thể làm, dù chỉ là những thay đổi tưởng chừng rất nhỏ nhưng cũng có thể tạo ra những sự chuyển biến tích cực tới môi trường sống, đảm bảo tất cả mọi người đều được sống trong môi trường trong lành và khỏe mạnh để sống, làm việc và vui chơi.

Hồ Ninh

comment Bình luận