Bác sĩ người dân tộc Mông tận tâm với nghề

Là người con dân tộc Mông ở miền rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An), con đường để trở thành bác sĩ của Lỳ Bà Gì chẳng dễ dàng gì. Nhưng với những nỗ lực vượt bậc, vượt qua bao khó khăn vất vả, bác sĩ Gì đã trở thành người bác sĩ tận tâm, tận hiến vì sức khoẻ người dân.
15:10 | 13/02/2023

Bác sĩ Lỳ Bá Gì thường xuyên trao đổi, học hỏi kiến thức từ đồng nghiệp để nâng cao trình độ chuyên môn

Vượt qua khó khăn để trở thành bác sĩ

Lỳ Bá Gì, sinh ra, lớn lên ở bản Noọng Hán, xã Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), trong một gia đình làm nông, có 7 người con, gồm 4 trai và 3 gái, trong đó tôi là con thứ 6. Bản Noọng Hán nằm tách biệt, để đến được trung tâm xã, người dân phải đi bộ trên con đường mòn dài 8 km.

Lên 4 tuổi, bố Gì mất vì dịch bệnh kiết lỵ. Bố mất được 3 tháng, mẹ đi thêm bước nữa. Ngày mẹ đi mang theo em trai út vừa vài tháng tuổi, 6 anh em Gì ở cùng với chú ruột.

"5 anh, chị em của tôi không được đi học, cuộc sống gắn với nương rẫy. Ý thức rõ những thiệt thòi, hạn chế của bản thân, chú và các anh chị đã động viên, chăm lo cho tôi. Đến lớp 5, tôi rời điểm trường ở bản, mang theo gạo, mắm muối, về trung tâm xã học bán trú. Nhà bán trú là nhà tranh tre, do phụ huynh học sinh tự dựng lên để con em ở, sinh hoạt và học tập.

Nhớ lời dặn dò của chú và anh chị, bản thân tôi cũng rất cố gắng để học tập. Nên từ đó cho đến năm lớp 12, tôi thường xuyên là học sinh tiên tiến và có năm là học sinh giỏi huyện", BS Lỳ Bá Gì trải lòng.

Với ước mơ trở thành bác sĩ, chăm lo sức khỏe cho đồng bào, tốt nghiệp phổ thông trung học, Lỳ Bá Gì đăng ký thi đại học vào trường y nhưng không đỗ. Sau đó, Lỳ Bá Gì may mắn được huyện xem xét và cử đi học theo diện cử tuyển. Gì đã bày tỏ nguyện vọng và trúng tuyển vào học tại Đại học Y Thái Bình.

Sở dĩ tôi muốn theo ngành Y vì mong muốn được cứu chữa, điều trị bệnh, đem lại niềm vui, hạnh phúc cho nhiều người. Bản thân bố tôi bị mất vì dịch bệnh, tôi cũng từng bị bệnh nặng phải nằm viện 2 tháng trời. 
BS Lỳ Bá Gì chia sẻ

Ngày nhận được thông báo đi học, Lỳ Bá Gì vừa mừng, lại vừa buồn lo. Lo là bản thân không biết lấy tiền đâu ra để ăn học trong 6 năm tiếp theo. Nhưng rồi, chú và các anh lại là người cố gắng lo cho Gì theo học. Với đồng tiền ít ỏi được chú và anh chị trợ cấp, Gì đã tính toán, chi tiêu hết sức chi li và tiết kiệm, buổi sáng nhịn ăn đã thành thói quen.

Xác định ngành học rất khó, nên Lỳ Bá Gì tự nhủ phải cố gắng và nỗ lực nhiều hơn nữa. Trong 4 năm đầu, Gì ở nội trú tại ký túc xá, do có nhiều bạn bè để hỏi, cái gì không hiểu lại hỏi bạn bè, anh chị. Đây chính là điều kiện tốt để thi đua học.

Bác sĩ người dân tộc Mông tận tâm với nghề - Ảnh 2.

Bác sĩ Lỳ Bá Gì thăm khám cho người bệnh

"Gần ngày tốt nghiệp, Bộ Y tế có đoàn công tác đến khảo sát nguyện vọng công tác của các sinh viên. Các bạn thì có nhiều mong muốn, nguyện vọng. Riêng phần tôi là được đi học theo diện cử tuyển. Trước khi đi tôi có viết cam đoan về phục vụ quê hương. Vậy nên, tôi rất vững tâm, vững chí là mình sẽ về với quê hương Kỳ Sơn, về với tỉnh nhà.", Lỳ Bá Gì cho biết.

Tháng 5/2015, tôi tốt nghiệp ra trường. Lỳ Bá Gì trở về huyện Kỳ Sơn để chờ thi tuyển vào Trung tâm Y tế. Chờ hơn 1 năm nhưng thời gian này huyện lại không có chỉ tiêu để tuyển. Nên Gì đã vào tỉnh Đắc Nông nộp hồ sơ để thi. Trong quá trình đợi kỳ thi, đến năm 2016, Gì nhận được tin Trung tâm Y tế huyện Tương Dương (Nghệ An) có tuyển dụng bác sĩ.

Không có gì quý bằng được cống hiến sức mình trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngay trên chính mảnh đất quê hương của mình, Lỳ Bá Gì vội vã về nộp hồ sơ và được nhận vào làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Tương Dương.

Nhiều trăn trở

Trao đổi với với phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống, bác sĩ Lỳ Bá Gì: Trong quá trình công tác, tôi nhận thấy đơn vị mình vẫn đang còn thiếu những máy móc chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm cận lâm sàng. Nếu như đơn vị có thêm những máy móc hiện đại thì chắc chắn rằng công tác khám, chữa bệnh sẽ  tốt hơn nữa.

Một trăn trở khác, đó là người dân ở khu vực miền núi cao vẫn chưa có nhận thức đầy đủ của việc chăm sóc sức khỏe. Nhiều bệnh nhân khi gặp triệu chứng bệnh nhẹ vẫn thường chủ quan, đến khi bệnh diễn tiến nặng mới đưa đến cơ sở y tế thì lúc này đã quá muộn hoặc khiến cho việc cứu chữa, điều trị gặp khó khăn hơn rất nhiều.

Bác sĩ người dân tộc Mông tận tâm với nghề - Ảnh 3.

Để hoàn thiện mình, bác sĩ Lỳ Bá Gì rất ham học hỏi kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm từ các đồng nghiệp

Bên cạnh đó, vẫn có những người dân khi mắc bệnh không đến cơ sở y tế mà lại nhờ cậy vào những thầy mo, nhất là những bệnh nhân người dân tộc Mông. Bản thân tôi, ngoài việc khám, điều trị, mình cũng phát huy vai trò "là một bác sĩ người Mông" để tích cực tuyên truyền cho người dân được hiểu rõ về bệnh tật, không mê tín dị đoan mà khi ốm, đau phải đến cơ sở y tế ngay.

Trăn trở nữa là đời sống kinh tế người dân ở khu vực miền núi còn nhiều vất vả. Nhiều ông bố, bà mẹ đã gửi con ở lại cho ông bà chăm sóc khi còn ít tháng tuổi để rời quê đi mưu sinh. Chính vì vậy, nhiều đứa trẻ không được chăm sóc đầy đủ, nhất là về dinh dưỡng. Cai sữa sớm, thiếu dinh dưỡng khiến kháng thể trẻ kém và trẻ bị suy dinh dưỡng, còi cọc. Nhiều trẻ bị rụng tóc sau gáy, 7-8 tháng rồi nhưng chỉ 5-6 kg. Đây cũng là một vấn đề rất đáng lo, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và chất lượng giống nòi sau này.

Tận tâm, tận hiến vì sức khỏe nhân dân

Với khát vọng cháy bỏng trở thành 1 bác sĩ giỏi, cứu sống được nhiều người bệnh, vậy nên, Lỳ Bá Gì xác định phải học thêm những kinh nghiệm khám, chữa bệnh từ các đồng nghiệp ở tuyến tỉnh, tuyến trung ương.

Được sự quan tâm hỗ trợ rất nhiều từ ban giám đốc, cũng như các đồng nghiệp ở trung tâm y tế, Ban giám đốc đã quan tâm, tạo điều kiện cử bác sĩ Lỳ Bá Gì đi học thêm hồi sức cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai, bồi dưỡng thêm kiến thức hành nghề.

Tại đây, được các bác sĩ thâm niên, các đồng nghiệp ở khoa, trung tâm rất nhiệt tình chỉ bảo, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm. Mỗi tuần tôi có 3 buổi trực, ngoài 3 buổi trực này thì ngày nào tôi cũng đến trung tâm để theo các bác sĩ có chuyên môn tốt để trực cùng và học hỏi thêm.

Bác sĩ người dân tộc Mông tận tâm với nghề - Ảnh 4.

Bản thân người bác sĩ tốt ngoài chuyên môn tốt cần có đạo đức tốt; cần coi người bệnh như người thân, người nhà để điều trị

Là một bác sĩ, Lỳ Bá Gì thấu hiểu người làm việc trong ngành Y rất vất vả, thu nhập chưa phải là cao. Đã có lúc, có bộ phận chưa đánh giá đầy đủ về ngành Y… nhưng Lỳ Bá Gì cho rằng, đó không phải là một vấn đề quá lớn. "Điều quan trọng ở đây là mình đã yêu ngành Y thì mình cần tận tâm, tận hiến hơn nữa vì sức khỏe nhân dân. Mình cần phải làm tốt hơn công việc của mình để mọi người có cách nhìn nhận đúng và sát hơn công việc ngành Y.

Về thu nhập thì tôi nghĩ dần dần đời sống sẽ tốt hơn khi chính bản thân mình tốt hơn. Bản thân người bác sĩ tốt ngoài chuyên môn tốt cần có đạo đức tốt; cần coi người bệnh như người thân, người nhà để điều trị. Sự tận tâm, tận lực chính là một thước đo với người công tác ngành Y".

theo Khánh Tâm - Thanh Sơn/SKĐS

https://suckhoedoisong.vn/bac-si-nguoi-dan-toc-mong-tan-tam-voi-nghe-169230212121833935.htm

comment Bình luận