Vì sao không nên sử dụng phương pháp huyết tương điều trị COVID-19?

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng bằng chứng hiện tại cho thấy phương pháp huyết tương không cải thiện khả năng sống sót, không làm giảm nhu cầu thở máy của bệnh nhân. Hơn thế, phương pháp này rất mất thời gian và tốn kém trong quản lý.
10:03 | 07/12/2021
WHO khuyến cáo không sử dụng phương pháp huyết tương điều trị COVID-19 - Ảnh 1.

Ngày 6/12, Tổ chức Y tế thế giới ra khuyến cáo không sử dụng phương pháp huyết tương (dùng huyết tương lấy từ máu của bệnh nhân đã nhiễm COVID-19 và hồi phục) cho người bị bệnh COVID-19 thể nhẹ hoặc trung bình.

WHO cho biết các khuyến nghị mới nhất của họ dựa trên bằng chứng từ 16 thử nghiệm về phương pháp huyết tương liên quan đến 16.236 bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 ở các mức độ không nặng, nặng và nguy kịch.

Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy phương pháp có lợi ích hạn chế trong điều trị.

Trên tạp chí y khoa Anh, WHO cho rằng "bằng chứng hiện tại cho thấy nó không cải thiện khả năng sống sót cũng như không làm giảm nhu cầu thở máy của bệnh nhân. Hơn thế, phương pháp này rất tốn thời gian và gây tốn kém trong quản lý".

Cơ quan này cũng khẳng định, với những bệnh nhân bị bệnh nặng và nguy kịch, việc điều trị bằng phương pháp huyết tương chỉ nên thực hiện trong khuôn khổ thử nghiệm lâm sàng.

Huyết tương là một chất dịch có màu vàng nhạt và là một trong những thành phần quan trọng nhất của máu. Huyết tương chiếm tới 55 - 65% tổng lượng máu trong cơ thể.

Huyết tương của người khỏi bệnh là chất dịch lấy từ máu của người đã nhiễm COVID-19 và khỏi bệnh có chứa các kháng thể do cơ thể sản xuất sau khi bị nhiễm bệnh.

Đây là một trong những phương pháp điều trị tiềm năng được nghiên cứu sớm trong đại dịch COVID-19.

comment Bình luận