Từ việc khách hàng tố 'không vay vẫn có nợ xấu' đến chuyện VietCredit không phải nộp đồng thuế nào cho Nhà nước

Sau những "lùm xùm" từ việc bị khách hàng tố "không vay vẫn bị nợ xấu", bất ngờ khi cả năm 2020, Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit) không phải nộp bất cứ đồng thuế thu nhập nào cho Nhà nước, mặc dù doanh nghiệp này báo lãi 32,6 tỷ đồng.
6:00 | 16/06/2021

Gần đây, câu chuyện chưa từng vay tiền ngân hàng nhưng một công dân tại tỉnh Hà Nam đã vô cùng bất ngờ khi nhận được thông tin đang có khoản nợ xấu tại Vietcredit chi nhánh Nam Định gây xôn xao dư luận.

Anh Trần Nhật Đức (ngoài cùng bên trái).

Theo câu chuyện được phản ánh trên báo chí, anh Trần Nhật Đức (thôn 7, xã Tiến Thắng, huyện Lý Nhân, Hà Nam) do có nhu cầu đầu tư kinh doanh nên đã đến Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (MSB) để làm thủ tục vay vốn. Tuy nhiên tại đây anh Đức đã vô cùng bất ngờ khi được phía ngân hàng MSB thông báo tên anh có trong hồ sơ nợ xấu tại Cổng thông tin tín dụng quốc gia (CIC).

Cụ thể, theo ngân hàng MSB cho biết, anh Đức hiện nợ số tiền 10.000.000 (mười triệu đồng) và đã chậm thanh toán 96 ngày (tính đến ngày 30/4) tại Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (Vietcredit). Anh Đức cảm thấy hoang mang trước thông tin này bởi anh chưa từng vay bất cứ khoản vay tín dụng hay thiết lập thẻ tín dụng nào tại Vietcredit cũng như các công ty tài chính khác.

Trước sự việc này anh Đức đã liên hệ phía Vietcredit thì được biết khoản vay này có từ tháng 5/2020 với số tiền 10.000.000 và đến nay đang chậm thanh toán với mức nợ xấu nhóm 3.

Thông tin về khoản nợ xấu của anh Trần Nhật Đức trên Cổng thông tin tín dụng Quốc gia (CIC).

Quá trình khiếu nại yêu cầu Vietcredit giải quyết, anh Đức có cung cấp CMND để đối chiếu thì hình ảnh trong hồ sơ vay hoàn toàn sai lệch, không đúng theo giấy tờ gốc của anh. Phía Vietcredit cũng thừa nhận anh Trần Nhật Đức không phải là người đã vay khoản tín dụng 10 triệu đồng như đã nêu trên.

Từ sự việc này, vấn đề đặt ra là một cá nhân không hề vay tiền nhưng lại có hồ sơ tại Vietcredit, vậy hồ sơ đó đã được "phù phép" như thế nào để được Vietcredit duyệt vay? Và Vietcredit có trách nhiệm như thế nào trong sự việc này? Có hay không việc áp lực tăng trưởng tín dụng khiến các nhân viên của VietCredit chủ quan hoặc cố tình vi phạm khi thẩm định hồ sơ vay vốn? Việc cho "vay bừa" mà không kiểm tra, xác minh kỹ hồ sơ có phải là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ nợ xấu ở VietCredit trong những năm gần đây?

Thực tế, không riêng anh Trần Nhật Đức trở thành nạn nhân trong các vụ làm giả hồ sơ để vay tiêu dùng. Trước đó cũng đã có nhiều người khác rơi vào tình cảnh tương tự.

Hay trên một diễn đàn mạng "XAM..." đăng tải một chủ đề có tên: "...tín dụng VietCredit ...còn hơn FeCredit. Có ai quỵt nợ ... chưa?". Tài khoản có tên "Trieuluan" chia sẻ nội dung: "Tôi có mở thẻ tín dụng VietCredit, ban đầu 10 triệu đồng với lãi xuất 4.5%/tháng (khoảng 450 ngàn đồng) nhưng VietCredit lại gửi tin nhắn thanh toán là 600 ngàn đồng/tháng (mức tối thiểu). Tôi vẫn đóng đủ. Khi VietCredit ra "chiêu trò" nâng mức thẻ của tôi lên 13 triệu đồng, kẹt quá tôi cũng rút ra để tiêu... Khi đó hạn mức tôi phải đóng là 800 ngàn đồng. Tới đây, tôi mới đau, VietCredit tự nâng hạn mức lên thêm 3,5 triệu đồng, tổng hạn mức là 16,5 triệu đồng. Tới hạn, tôi vẫn đóng lãi 800 ngàn đồng rồi mà VietCredit thông báo đóng thêm 600 ngàn đồng nữa.. Tôi hỏi thì VietCredit giải thích là thu phí hạn mức thêm 3,5 triệu đồng...".

Một tài khoản khác có tên "tanny0712" thì phàn nàn: "Thẻ của tôi hạn mức 85 triệu đồng từ năm trước, rồi cũng có 1 lần VietCredit tự nâng hạn mức của tôi lên 100 triệu đồng và tự tính phí thêm 5 triệu, tôi phải gọi lại tổng đài chửi 1 trận rồi nó lại trả về hạn mức cũ. Từ đấy đến nay thì chưa có vấn đề gì vì có việc cần rút ra xong trả đúng hạn thì chưa vấn đề gì. Chỉ ghét mỗi cái là app rất lởm, xong cách thanh toán gốc và lãi thay đổi liên tục. Lại còn có trò chốt thanh toán đến 3h chiều, sau 3h chiều đẩy sang ngày mới thành ra mất thêm 1 ngày lãi :3 Ức chế mà nhiều lúc kẹt vẫn phải rút thôi..."

Theo tìm hiểu, Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit) có trụ sở tại tầng số 17, tòa nhà Mipec Tower (số 22 Tây Sơn, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Hà Nội) được thành lập vào ngày 2/6/2008. Hiện nay, ông Nguyễn Đức Phương điều hành, quản trị.

Theo BCTC kết thúc năm 2020 (mới nhất được VietCredit công bố) ghi nhận: VietCredit đang có tổng tài sản là 5.135 tỷ đồng trong đó nợ phải trả là 4.382 tỷ đồng mà vốn chủ sở hữu chỉ vỏn vẹn 754 tỷ đồng.

Trong cấu trúc tài sản của VietCredit ghi nhận có 3.024 tỷ đồng cho vay khách hàng với trích lập dự phòng rủi ro là 103 tỷ đồng tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ. Công ty có đầu tư chứng khoán với 1.177 tỷ đồng, tuy nhiên báo cao kết quả kinh doanh lại cho thấy từ cuối năm 2019 - cuối năm 2020, hoạt động kinh doanh - đầu tư chứng khoán đều nhận được giá trị âm.

Lợi nhuận thuần năm 2020 đạt 969 tỷ đồng, trong đó lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 96 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh tín dụng đạt 406 tỷ đồng nhưng công ty phải trích lập đến gần 374 tỷ đồng nên lợi nhuận trước thuế còn 32.6 tỷ đồng. Cổ tức trả cho cổ đông chỉ có 14.7 triệu đồng.

Không có mô tả.

Đặc biệt, ngoài bảng cân đối kết toán của VietCredit có ghi nhận nghĩa vụ nợ tiềm ẩn của công ty này ở mức 1.724 tỷ đồng trong đó 1.318,5 tỷ đồng là cam kết cho vay không hủy ngang và 53,4 tỷ đồng bảo lãnh khác, 352 tỷ đồng các cam kết khác. Đối với khoản nợ tiềm ẩn trên, rủi ro VietCredit đang phải chịu mỗi năm một tăng khi mục Các khoản dự phòng rủi ro cho các tài sản có nội bảng khác từ năm 2019 - 2020 tăng gấp 6 lần từ 2,8 tỷ đồng lên 17,3 tỷ đồng.

Xét về mặt lợi nhuận, thì khi trích lập dự phòng rủi ro càng lớn thì lợi nhuận của ngân hàng càng giảm và đồng nghĩa với việc được khấu trừ khỏi thu nhập hiện hành trước khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Có lẽ vậy, BCTC của VietCredit cuối năm 2019 và cuối năm 2020 không ghi nhận bất cứ một khoản thực hiện nghĩa vụ thuế nào đối với Nhà nước. Cũng có thể, ngành nghề mà VietCredit kinh doanh thuộc diện được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Không có mô tả.BCTC VietCredit không ghi nhận bất cứ một khoản thực hiện nghĩa vụ thuế nào đối với Nhà nước.

Báo cáo tài chính năm 2020 của VietCredit không nêu rõ việc "bức tranh", tình hình sức khỏe của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, tại báo cáo cuối năm 2019 cho thấy, VietCredit tăng trưởng tín dụng một cách "chóng mặt", nếu năm 2018  cho vay khách hàng là 458,6 tỷ đồng thì cuối năm 2019 đã lên con số 1.860 tỷ đồng (gấp hơn 4 lần).

Do chỉ trong thời gian ngắn tăng trưởng tín dụng lên tới 4 lần, nên con số nợ xấu của VietCredit chưa thể nói lên điều gì. Đến ngày 31/12/2020, VietCredit tiếp tục cho vay tăng thêm 1,1 ngàn tỷ đồng (lên tới con số 2.920 tỷ đồng). Mặc dù cho vay lớn như vậy, nhưng VietCredit chỉ để hơn 103 tỷ đồng làm dự phòng rủi ro.

Một vấn đề đáng chú ý là "Nợ phải trả" của VietCredit cũng tăng lên gần 2 ngàn tỷ đồng chỉ trong vòng 1 năm ( từ 2.519 tỷ đồng/cuối năm 2019 lên con số 4.381 tỷ đồng/cuối năm 2020).

Tăng trưởng tín dụng nóng, nhiều vụ việc "nhầm lẫn" khách hàng, công tác thẩm định hồ sơ còn nhiều sai sót, chủ quan... liệu rằng, tỷ lệ nợ xấu (đặc biệt nợ có khả năng mất vốn) tăng cao của VietCredit sẽ được giải quyết như thế nào? Vốn của các cổ đông góp vào VietCredit liệu có được lãnh đạo tổ chức này đảm bảo an toàn và sinh lời?


comment Bình luận