Từ khi chủng Delta xuất hiện, nhiều bệnh nhân COVID-19 bị 'thiếu oxy thầm lặng'

Nhiều người bệnh COVID-19 đang ở mức có chỉ số SpO2 ổn định nhưng bất ngờ bị tình trạng thiếu oxy thầm lặng... Theo các bác sĩ, số lượng người gặp tình huống này đã gia tăng từ khi chủng Delta xuất hiện tại Việt Nam.
10:23 | 11/01/2022

Mới đây, một ca bệnh nam giới 60 tuổi ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, có bệnh nền (gout) và chưa tiêm vắc xin. Bệnh nhân đang có chỉ số SpO2 (nồng độ oxy máu) ở mức 97 - 98%, nhưng tối cùng ngày bỗng nhiên SpO2 tụt nhanh và bệnh nhân tử vong sáng ngày hôm sau.

Theo các bác sĩ, đây là ca bệnh điển hình của triệu chứng "thiếu oxy thầm lặng", một tình huống rất nguy hiểm ở người bệnh COVID-19, số lượng người gặp tình huống này đã gia tăng từ khi chủng Delta xuất hiện. Tình trạng này đặc biệt dễ gặp ở người có bệnh nền, chưa tiêm vắc xin...

Theo bác sĩ Hoàng, những ngày gần đây mỗi ngày anh nhận đến 100 - 150 cuộc gọi từ người F0 và gia đình, phần lớn họ đều trong tình huống lo lắng, không biết gọi đi đâu, gọi ai khi các "hotline" đều ở trạng thái "cháy máy".

"Chỉ cần trao đổi mỗi người khoảng 2 phút là họ đã có thể yên tâm, vì nhiều người trong số này cũng không có triệu chứng gì đáng kể, cũng có người có triệu chứng như ho, sốt, hoặc ra nhà thuốc mua rất nhiều thuốc về nhưng không biết nên dùng loại gì là tốt nhất...

Có một tỉ lệ nhỏ là người già, người có bệnh nền, chưa tiêm vắc xin thì họ cho biết SpO2 xuống thấp trong khi xét nghiệm đã âm tính hoặc 2 vạch mờ - tức là còn dương tính nhưng chỉ số virus còn thấp" - bác sĩ Hoàng cho biết.

Những bệnh nhân SpO2 thấp khi xét nghiệm âm tính hoặc 2 vạch mờ chính là trường hợp "thiếu oxy thầm lặng". Bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn, cùng nhóm bác sĩ Hoàng, cho biết khoảng 30% người nhập viện ở tình trạng "thiếu oxy thầm lặng - happy hypoxia", vẫn cười nói nhưng đột ngột trở nặng.

Theo bác sĩ Tuấn, các báo cáo về ca bệnh happy hypoxia gia tăng khi chủng Delta xuất hiện. Nguyên nhân là do tình trạng "bão cytokine", virus không còn nhưng cytokine vẫn tiến triển, bệnh nhân không khó chịu nữa, không ho, sốt nữa nên có khi chủ quan và tình trạng đột ngột trở nặng.

Bác sĩ Tuấn cho biết thêm gần 20% bệnh nhân nhập viện cảm thấy không hề khó thở khi biểu hiện CT scan bất thường, cần bổ sung oxy. Tình trạng thiếu oxy thầm lặng gặp ở bệnh nhân COVID-19, xẹp phổi và một số bệnh lý khác.

Khi đo SpO2 tại nhà, bác sĩ khuyến cáo có thể đo cho người bình thường trước khi đo cho người F0 để theo dõi. Bác sĩ khuyến cáo khi khó thở bệnh nhân có thể nằm sấp, giúp phân bổ máu cho những vùng phía sau và điều này quan trọng trong điều trị COVID-19.

Ngoài ra, những vùng phổi phía sau lưng vốn ít được thông khí hơn, khi nằm sấp những vùng phế nang sẽ được phân bổ oxy, giảm tình trạng nơi nhiều oxy mà ít máu đến, nơi ít oxy mà máu lại đến nhiều (cân bằng thông khí - tưới máu).

Vì thế, F0 thường xuyên đo SpO2 là một trong những yêu cầu cần thiết. Nhiều người mua thuốc, mua nhiều loại, nhưng khi hỏi có thiết bị đo SpO2 không thì lại không có hoặc chưa để ý đến. Các F0 có bệnh nền (tim mạch, gout, tăng huyết áp...), chưa tiêm vắc xin hoặc chưa đủ mũi càng phải chú ý hơn đến tình huống này.

Ngoài ra, cần chú ý đến thời gian ngày thứ 7 - 10 kể từ khi phát hiện bệnh, đây cũng là thời điểm tình trạng happy hypoxia có thể xuất hiện. Nếu SpO2 dưới 95% đã là chỉ dấu nguy hiểm, dưới 90% thì cận kề nguy hiểm. Từ thời điểm này, người bệnh cần được hỗ trợ thở oxy sớm và chuyển nhanh nhất đến cơ sở điều trị.

comment Bình luận