The CrownX/Masan đặt mục tiêu phục vụ 50 triệu người tiêu dùng

Do hạn chế về quy mô và sự phân tán của thị trường bán lẻ, người tiêu dùng Việt Nam đang phải chi trả cao hơn cho nhu yếu phẩm, nhà sản xuất cũng tốn nhiều chi phí hơn cho logistic.
14:26 | 28/04/2021

Bán lẻ hiện đại tăng trưởng hai chữ số

Theo số liệu từ Vụ Thị trường trong nước, tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại ở Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực như Thái Lan (34%), Malaysia (60%) hay Singapore (90%). Tại Việt Nam, kênh thương mại truyền thống (GT) đang chiếm tỉ trọng 90% toàn ngành bán lẻ. Kênh bán hiện đại (MT) chiếm tỉ trọng 8% và chỉ mới có mặt tại thành thị. Người dân Việt Nam đa số mua sắm nhu yếu phẩm hàng ngày tại các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ (GT). Theo đại diện Sở Thương mại Hà Nội, cả nước hiện nay có hơn 8.700 chợ và 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa.

Tuy chiếm tỉ trọng áp đảo tại Việt Nam, kênh thương mại truyền thống lại có tốc độ tăng trưởng rất khiêm tốn – từ 2% đến 3%. Kênh thương mại hiện đại dù tỷ lệ bao phủ chỉ xấp xỉ 1/10 so với kênh thương mại truyền thống nhưng lại phát triển nhanh chóng ở mức hai chữ số.

Tốc độ tăng trưởng của kênh bán lẻ hiện đại được thúc đẩy bởi sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu với GDP đầu người ở mức 5.000 USD/người/năm, tỉ lệ đô thị hóa tăng nhanh dự kiến đạt mức 50% tổng dân số vào năm 2024.

Sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng sau đại dịch COVID-19 cũng là yếu tố đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này. Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng mua hàng tại nhà, giao hàng tận nơi. Ý thức cao về sức khỏe cũng khiến khách hàng lựa chọn các cửa hàng hiện đại, uy tín, bảo đảm vệ sinh, hay chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.

Bài toán của bán lẻ nhu yếu phẩm hiện đại

Do hạn chế về quy mô và sự phân tán của thị trường bán lẻ, người tiêu dùng Việt Nam đang phải chi trả cao hơn cho nhu yếu phẩm, nhà sản xuất cũng tốn nhiều chi phí hơn cho logistic. Cụ thế, chi phí cho logistic hiện nay tại Việt Nam đang chiếm 17%. Trong khi đó, con số này tại Thái Lan là 13% và Mỹ là 8%. Kết quả, người tiêu dùng hiện đang trả thêm từ 15 – 20% cho các nhu cầu thiết yếu, nhà sản xuất cũng đang chi trả cao hơn từ 15 – 20% chi phí.

Ngay cả trong lĩnh vực tài chính, nhiều bất cập cũng đã được chỉ ra khi dịch vụ tài chính chưa được phổ biến ở nông thôn. Ước tính, có hơn 60% người tiêu dùng chưa được tiếp cận với các dịch vụ tài chính cơ bản.

Dù rất phổ biến trong những năm gần đây, thương mại điện tử chưa có vai trò mạnh mẽ ở mảng nhu yếu phẩm. Đa số hàng hóa được đặt mua qua mạng không phải là hàng hóa thiết yếu, có tần suất mua sắm mỗi ngày như mỹ phẩm, quần áo thời trang, đồ điện tử… Thương mại điện tử - lĩnh vực được đặt nhiều kỳ vọng sẽ thay đổi thói quen tiêu dùng tại Việt Nam hiện mới chỉ chiếm 2% thị phần và không có chuỗi cung ứng đến được nông thôn.

Trên thế giới, tại các thị trường bán lẻ lớn như Mỹ và Trung Quốc, thương mại điện tử đang trở thành xu thế dẫn dắt thị trường bán lẻ tiêu dùng. Đà dịch chuyển mạnh mẽ lên nền tảng trực tuyến bắt kịp với sự bùng nổ của internet, kết nối di động và smartphone.

Tại Việt Nam, theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), năm 2020, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng khoảng 15%, đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD và sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc trong năm 2021 và giai đoạn đến năm 2025. Đây là cơ hội rất lớn cho các chuỗi bán lẻ của Việt Nam mở rộng kinh doanh trên môi trường online.

Nền tảng bán lẻ nhu yếu phẩm “tất cả trong một”

Tại Đại hội cổ đông thường niên diễn ra vào tháng 4/2021, ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc Công ty The CrownX – nền tảng hợp nhất mảng bán lẻ tiêu dùng của Masan -  đã trình bày tầm nhìn 2021 – 2025 của công ty này. Ông Thắng cho biết: "The CrownX sẽ là nơi hệ thống bán lẻ (VCM), FMCG (MCH), thịt có thương hiệu (MML) và dịch vụ tài chính (Techcombank) liên kết và hợp lực để tạo thành một nền tảng kinh doanh thông suốt. Vì vậy, The CrownX được coi là chương đầu tiên trong hành trình “Point of Life” mà Masan đang xây dựng".

Điểm đặc biệt là nền tảng này không chỉ có các điểm bán hiện hữu (offline) mà còn tích hợp với điểm bán trực tuyến (online). Ban lãnh đạo của Masan Group nhấn mạnh, chiến lược của The CrownX sẽ là offline-to-online chứ không phải ngược lại. Nghĩa là trước khi nghĩ tới môi trường online, The CrownX phải trở thành nhà phân phối nhu yếu phẩm offline số 1 Việt Nam.

Khác với những nhà bán lẻ khác, Masan đặt trọng tâm vào lĩnh vực nhu yếu phẩm, xem đây là nền tảng cốt lõi để gia tăng khả năng tiếp cận khách hàng. Từ nhu yếu phẩm, “ông lớn” trong ngành bán lẻ - tiêu dùng có thể mở rộng ra phục vụ các nhu cầu thiết yếu khác như tài chính, giáo dục, xã hội, giải trí và chăm sóc sức khỏe… Đây là những nhu cầu thiết yếu chiếm đến 50% chi tiêu tiêu dùng.

Cung cấp dịch vụ tài chính cũng là một phần trong nền tảng tích hợp này. Và đối tác của Masan không ai khác chính là Techcombank. Tận dụng độ thâm nhập của mạng lưới bán lẻ hiện đại, Masan đặt mục tiêu chuyển đổi ít nhất 1.500 cửa hàng trở thành các điểm cung cấp dịch vụ tài chính, phủ sóng từ thành thị đến nông thôn. Bản thân Techcombank cũng có xấp xỉ 5 triệu người dùng, nếu liên kết với các nền tảng khác từ offline sang online như thương mại điện tử, The CrownX hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tiếp cận 30 – 50 triệu khách hàng.

Theo Masan, khi tích hợp phục vụ các nhu cầu thiết yếu trên cùng một nền tảng, đồng thời nâng cao hiệu suất của chuỗi cung ứng, người tiêu dùng có thể mua sắm nhu yếu phẩm với giá rẻ hơn từ 15% - 20% so với hiện tại, nhà sản xuất tiết kiệm từ 15% - 20% chi phí.

Năm 2021, VinCommerce đã vạch ra kế hoạch cụ thể nhằm tiếp tục củng cố nền tảng bán lẻ nhu yếu phẩm hiện đại và mang lại tăng trưởng lợi nhuận bền vững: cải thiện biên lợi nhuận thương mại lên mức 2,0% thông qua ký kết hợp đồng với các nhà cung cấp chiến lược và tìm nguồn hàng tươi sống trực tiếp, triển khai mô hình cửa hàng kiểu mẫu trên quy mô toàn quốc trước Quý 2-2021 và nâng cấp mô hình chuỗi cung ứng châm hàng tự động như đã chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Masan vào ngày 1-4-2021.

comment Bình luận