Quốc Khánh, Huỳnh Đức quảng cáo thực phẩm Sangu như thần dược

Xuất hiện trong các clip quảng cáo về thực phẩm chức năng Sangu diễn viên Quốc Khánh và cựu cầu thủ Lê Huỳnh Đức có những lời lẽ tâng bốc công dụng sản phẩm như một loại thần dược, là sảm phẩm số 1 Nhật Bản, số 1 thị trường, tác dụng 400%.
11:01 | 20/09/2021

Cựu cầu thủ Lê Huỳnh Đức trong đoạn clip quảng cáo sai sự thật về thực phẩm chức năng Sangu xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội. (Ảnh: Cắt từ clip).

Thực phẩm chức năng Sangu hóa thần dược qua lời quảng cáo của Quốc Khánh, Huỳnh Đức

Thời gian qua, câu chuyện nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm sai công dụng đang bị lên án mạnh mẽ. Đã có hàng loạt nghệ sĩ bị xử phạt, nhiều người phải lên tiếng xin lỗi như: Diễn viên Hồng Vân, MC Quyền Linh… Thậm chí, mới đây Bộ VHTT&DL cũng đề ra dự thảo về Bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ trong đó cấm việc quảng cáo sai công dụng sản phẩm. Đài Truyền hình Việt Nam VTV cũng nhiều lần phát sóng, lên án hành vi này.

Thế nhưng bất chấp dư luận, thời gian gần đây mạng xã hội vẫn xuất hiện nhan nhản các clip nghệ sĩ quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm, thực phẩm chức năng như thần dược, điển hình như các clip diễn viên hài Quốc Khánh và cựu cầu thủ bóng đá Lê Huỳnh Đức quảng cáo cho loại thực phẩm chức năng có tên là Sangu.

Theo tìm hiểu của PV, thực phẩm chức năng Sangu được Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế cấp giấy tiếp nhận công bố sản phẩm hôm 18/2/2021 cho Công ty TNHH Dược phẩm Quốc tế BUSNO Việt Nam.

Những quảng cáo sai sự thật, nổ công dụng hiệu quả gấp 400 lần và khi kích vào người dùng sẽ nhận được tin nhắn bán sản phẩm như thế này.

Là thực phẩm chức năng đương nhiên Sangu cũng như các loại thực phẩm chức năng khác chỉ có công dụng hỗ trợ, tăng cường sức khỏe.

Cụ thể, sản phẩm này được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số: 485/2021/XNQC-ATTP, ngày 26/02/2021. Theo đó, sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Sangu có công dụng: Hỗ trợ giảm Acid Uric máu; Hỗ trợ giảm triệu chứng sưng, đau khớp do gout.

Thế nhưng trên mạng xã hội và trong nhiều website, youtuber thực phẩm chức năng Sangu được quảng cáo như một loại thần dược có công dụng điều trị dứt điểm bệnh Gout. Thậm chí sản phẩm còn tự phong là số 1 Nhật Bản, hiệu quả gấp 400 lần sản phẩm thông thường.

Trong clip quảng cáo trên mạng, cựu cầu thủ Lê Huỳnh Đức mượn câu chuyện về một trận đấu giao hữu, kể về việc một cầu thủ khác chạy khỏe, linh hoạt do sử dụng sản phẩm Sangu. Sau đó, Huỳnh Đức còn mập mờ nói rằng đây là sản phẩm của Nhật Bản.

Đây là sản phẩm chất lượng số 1 Nhật Bản hiện nay, đang được các cầu thủ sử dụng rất nhiều, Huỳnh Đức cũng từng sang Nhật thi đấu, sản phẩm của Nhật thì không phải lo lắng gì cả....”, trích lời Huỳnh Đức quảng cáo trong clip.

Cũng quảng cáo về thực phẩm chức năng Sangu, diễn viên hài Quốc Khánh thì nói rằng: “Sau dịp làm Táo Quân cuối năm thì giờ tôi mới rảnh để chia sẻ với các bạn về sản phẩm này…”.

Diễn viên hài Quốc Khánh trong đoạn clip quảng cáo về thực phẩm chức năng Sangu lan truyền rộng rãi trên mạng. Trong clip diễn viên này còn nói thực phẩm chức năng được bác sĩ kê đơn cho người bệnh. (Ảnh: Cắt từ clip).

Cũng mượn câu chuyện từ một người bạn mắc bệnh Gout nhưng nhờ uống Sangu nên đã giảm, Quốc Khánh nói: “Sangu sản phẩm số 1 cho người bị Gout…Những tinh túy nhất của dược liệu được bào chế tinh luyện do đó có hiệu quả gấp 400 lần so với các viên uống khác”.

Thậm chí, cuối đoạn quảng cáo diễn viên này còn bịa đặt nói rằng, sản phẩm đã được bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân uống rồi (Bộ Y tế nghiêm cấm việc bác sĩ kê đơn thực phẩm chức năng cho bệnh nhân – PV). Đồng thời nói rằng dù chưa bị gout nhưng vẫn uống để ngăn không bị.

Rõ ràng xem những clip quảng cáo của Huỳnh Đức và Quốc Khánh người xem rất dễ lầm tưởng Sangu là sản phẩm của Nhật Bản, có công dụng điều trị bệnh gout chứ không phải thực phẩm chức năng theo cách hiểu thông thường và theo quy định của Bộ Y tế.

Chiêu trò quảng cáo thực phẩm chức năng?

Qua tìm hiểu của PV, trên mạng xã hội cũng lan truyền rất nhiều hình ảnh, clip về một buổi ký kết chuyển giao công nghệ giữa Nhật Bản và Việt Nam với sự tham gia của một số người nước ngoài và các chuyên gia xuất hiện trong các quảng cáo về thực phẩm chức năng Sangu.

Gắn mác công nghệ Nhật Bản cũng là chiêu trò “lòe mắt người tiêu dùng” mà một số sản phẩm thực phẩm chức năng trên thị trường vẫn làm và đã bị báo chí phản ánh suốt thời gian qua.

Nhiều người giới thiệu là khách hàng đã sử dụng sản phẩm của công ty BUSNO Việt Nam giới thiệu sản phẩm Sangu như thuốc chữa bệnh tại nhiều website quảng cáo về sản phẩm dù điều này bị nghiêm cấm.

Trả lời báo chí về tình trạng thực phẩm chức năng gắn mác công nghệ nước ngoài, đại diện Cục An toàn thực phẩm cho biết: Tại Việt Nam, các sản phẩm thực phẩm chức năng sử dụng công nghệ nước ngoài khá ít, thông thường chỉ có loại nào nhập khẩu. Còn phần lớn sản xuất tại các nhà máy ở trong nước.

Trong trường hợp có công nghệ thật, các đơn vị phải gửi bằng chứng tới Cục phê duyệt, cấp phép. Chẳng hạn, sản phẩm có công nghệ chuyển giao từ công ty của Nhật, đơn vị phải gửi hợp đồng chuyển giao, tên công nghệ sản xuất, đơn vị chuyển giao cụ thể… Những nội dung được cấp phép quảng cáo đều ghi trên nhãn sản phẩm.

Đối chiếu với sản phẩm thực phẩm chức năng Sangu, sản phẩm này tự phong số 1 Nhật Bản và có công dụng gấp 400 lần, không rõ sản phẩm này dựa trên chứng cứ khoa học nào?

Trao đổi với PV, một số luật sư khẳng định, việc quảng cáo sản phẩm là số 1 hay có công dụng 400 lần như Sangu là vi phạm luật quảng cáo.


Hình ảnh lễ ký kết công nghệ Nhật Bản được sử dụng quảng cáo về thực phẩm chức năng Sangu.

Được biết, tháng 5/2021 vừa qua, Cục ATTP đã cảnh báo hàng loạt website quảng cáo sai công dụng của thực phẩm chức năng Sangu.

Trong cảnh báo Cục nêu rõ: “Trong thời gian vừa qua trên các website và trang mạng xã hội có nội dung quảng cáo sản phẩm Sangu không đúng bản chất, quảng cáo gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh (điều trị tận gốc …; tinh chất tiêu gút số 1 Nhật Bản…;) lừa dối người tiêu dùng, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.

Cục An toàn thực phẩm sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng xác định chủ thể vi phạm, xử lý theo quy định hiện hành. Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên các website nêu trên để quyết định mua, sử dụng sản phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế".

Thực phẩm chức năng Sangu được Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế cấp giấy tiếp nhận công bố sản phẩm hôm 18/2/2021 cho Công ty TNHH Dược phẩm Quốc tế BUSNO Việt Nam.

Thế nhưng bấp chấp các cảnh báo trên, gần đây các quảng cáo về Sangu tiếp tục xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội với các clip quảng cáo sai sự thật của Huỳnh Đức và Quốc Khánh.

Dần lộ diện ông trùm công nghệ đứng sau?

Theo tìm hiểu được biết, thực phẩm chức năng Sangu được  Công ty TNHH Dược Phẩm Quốc Tế Busno Việt Nam, (Địa chỉ: Tầng 1, Tòa OTC3B Khu đô thị Handiresco, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội, Việt Nam) công bố và chịu trách nhiệm.

Theo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Dược Phẩm Quốc Tế Busno Việt Nam là ông Lê Duy Chiến. Tuy nhiên, đứng sau thực sự lại là một ông trùm khác khá kín tiếng trên thị trường TPCN.

Công ty TNHH Dược Phẩm Quốc Tế Busno Việt Nam cũng thường xuyên thay đổi địa điểm khiến nhiều người khó tìm.

Giấy xác nhận nội dung quảng cáo của Thực phẩm bảo vệ sức khỏe SANGU do Cục An toàn thực phẩm cấp nêu rõ công dụng sản phẩm, khác xa với những quảng cáo trên mạng.

Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cũng cho biết, theo Nghị định 15, các nghệ sĩ, ca sĩ được phép làm đại diện thương hiệu, hình ảnh cho các sản phẩm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu các nghệ sĩ, ca sĩ này mà quảng cáo với tư cách như một người bệnh là vi phạm pháp luật.

Chẳng hạn, các nghệ sĩ nói, tôi từng bị bệnh này, bệnh kia và đã dùng sản phẩm này, sau đó thấy tốt, thấy khỏe là không đúng. Thời gian qua, nhiều nghệ sĩ vi phạm quy định này, Cục đã gửi văn bản đến Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch đề nghị phổ biến cho giới nghệ sĩ không tham gia quảng cáo cho các sản phẩm thực phẩm chức năng như một người bệnh”.

Nhằm hạn chế việc người tiêu dùng mua phải các sản phẩm kém chất lượng, hiểu sai công dụng sản phẩm, lãnh đạo Cục khuyến nghị (người tiêu dùng) nên tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm, yêu cầu có các hóa đơn, chứng từ trước khi mua hàng.

Bài 2: Lật tẩy ông trùm đứng sau loạt thực phẩm trức năng quảng cáo trị về Gout

comment Bình luận