Nhiều lần bị Cục ATTP cảnh báo vi phạm khi quảng cáo Oncolysin và Cốm Subạc, Dược phẩm Á Âu vô can?

Nhiều lần bị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo, nhưng Dược phẩm Á Âu không hề có bất kỳ động thái nào bảo vệ người tiêu dùng trước những website quảng cáo lừa dối về chính sản phẩm chức năng mình cung ứng ra thị trường.
13:28 | 16/08/2020

Đầu tháng 8/2020, Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế thông tin cảnh báo về việc sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Oncolysin đang được quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) ra thông báo khuyến cáo người tiêu dùng cẩn trọng với thông tin quảng cáo Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Oncolysin trên 2 website. Tại đây, sản phẩm TPBVSK Oncolysin được quảng cáo với công dụng không đúng sự thật, đây là thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng quảng cáo như thuốc chữa bệnh.

Tại thời điểm hiện nay, trên các đường dẫn vào bài viết Cục đã cảnh báo vẫn còn các thông tin quảng cáo sai sự thật. Trên các bài viết này, sản phẩm TPBVSK Oncolysin được giới thiệu nhiều công dụng như tiêu diệt u bướu đã hình thành; Ngăn chặn sinh tế bào u bướu mới; Tăng hiệu quả và giảm các tác dụng phụ thuốc Tây y; Giúp kéo dài tuổi thọ…

Xác nhận quảng cáo của Cục An toàn thực phẩm cấp cho Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu.

Đáng nói, TPBVSK Oncolysin do hai đơn vị chịu trách nhiệm chính là Công ty TNHH Dược Phẩm Á Âu, và Công ty TNHH Tư vấn Y dược Quốc tế. Trong đó, Công ty TNHH Tư vấn Y dược Quốc tế (địa chỉ: Số 9 Lô A Tổ 100 Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, thành Phố Hà Nội) là đơn vị công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm. Công ty TNHH Dược Phẩm Á Âu là đơn vị tiếp thị sản phẩm.

Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên  website nêu trên để quyết định mua, sử dụng sản phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.

Trước đó, vào tháng 5/2020, Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, qua công tác hậu kiểm việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên internet và môi trường mạng, Cục An toàn thực phẩm phát hiện trên các đường website/facebook: https://benhvirus.com/bai-viet/phuong-phap-dieu-tri/tang-cuong-he-mien-dich-chia-khoa-vang-giup-phong-tranh-virus-corona.html; https://www.facebook.com/subac.AE/post/1003061130026016 đang quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cốm Subạc vi phạm, nội dung quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; quảng cáo không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định.

Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo vi phạm nêu trên do Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu (địa chỉ: Số 171 Chùa Láng, P.Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội) đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo tại Cục An toàn thực phẩm.

Cốm SU Bạc do Dược phẩm Á Âu phân phối.

Quá trình hậu kiểm, Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu không thừa nhận các website nêu trên của Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu, Công ty không chịu trách nhiệm về việc quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cốm su bạc  trên các trang mạng nêu trên.

Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy xác nhận quảng cáo Cốm Subạc cho Dược phẩm Á Âu.

Cục An toàn thực phẩm khẳng định nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cốm su bạc đang được quảng cáo vi phạm trên các website nêu trên không đúng với nội dung đã được Cục An toàn thực phẩm xác nhận.

Để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, tránh sử dụng sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật về công dụng sản phẩm, trong thời gian Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý vụ việc, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cốm Subạc quảng cáo trên trang website/internet nêu trên.

Cục An toàn thực phẩm cung cấp thông tin về nội dung quảng cáo sản phẩm đã được Cục An toàn thực phẩm xác nhận tại các đường link dưới đây để người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm an toàn.

Được biết, Tập đoàn dược phẩm Á Âu (gọi tắt là Tập đoàn Á Âu) được thành lập năm 2005 do ông Nguyễn Xuân Hoàng là người đại diện pháp luật và ông Nguyễn Văn Luận là Tổng giám đốc.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng - Chủ tịch HĐQT Dược phẩm Á Âu.

Ông Nguyễn Văn Luận - TGĐ Dược phẩm Á Âu.

Các chuyên gia khằng định, những kiểu quảng cáo "lừa dối" như trên rất dễ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, nếu là bệnh nhân đang có u bướu trong người, thiếu hiểu biết sẽ dễ bị những lời quảng cáo như trên lôi cuốn, từ chối điều trị tại bệnh viện. Thực tế, đã có không ít những trường hợp chỉ vì tin lời quảng cáo vô căn cứ có thể điều trị bệnh ung thư, u bướu... mà không chịu đến bệnh viện dẫn đến tử vong, hối hận không kịp.

Thực phẩm chức năng/TPBVSK trước khi quảng cáo phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định nội dung và chỉ được quảng cáo những nội dung đã được thẩm định.

Nhiều đơn vị luôn quảng cáo nói quá công dụng của thực phẩm chức năng, TPBVSK trong khi đây là sản phẩm chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm triệu chứng, không có tác dụng điều trị, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Vì thế, thực phẩm chức năng, TPBVSK nên tuyệt đối không được ghi là thuốc, có tác dụng điều trị bệnh, thay đổi chức năng bộ phận cơ thể người.

Quảng cáo quá mức khiến người tiêu dùng tin theo, lúc họ mắc bệnh thay vì đến bệnh viện, họ lại tin vào quảng cáo dùng sản phẩm đó để chữa bệnh. Hậu quả bệnh bệnh sẽ nặng hơn, gây khó khăn cho việc điều trị bệnh, thậm chí với một số bệnh như ung thư sẽ mất đi “cơ hội vàng”, khi bệnh đã bước sang giai đoạn muộn”- PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong cảnh báo.

comment Bình luận