Nền báo chí Cách mạng Việt Nam là 'phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc'

97 năm đã qua, kể từ ngày Nhà báo Nguyễn Ái Quốc sáng lập, đặt nền móng cho Báo chí Cách mạng Việt Nam với tờ Thanh niên, báo chí Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh. Trong hành trình đó, tư tưởng, phong cách báo chí, những căn dặn tâm huyết về nghề, về đạo đức nghề báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn là kim chỉ nam của mỗi người làm báo, để mỗi người làm báo soi rọi, học tập và trưởng thành.
10:11 | 19/06/2022

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (tháng 9/1962).

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (tháng 9/1962).

Nhớ lại dịp phỏng vấn một nhà báo Pháp về nghề báo, nhà báo kỳ cựu đến từ quốc gia có nền báo chí phát triển bậc nhất thế giới ấy bày tỏ với tôi sự thú vị xen chút ngưỡng mộ khi Việt Nam có một ngày dành riêng để tôn vinh nghề báo và những người làm báo chân chính - điều rất hiếm nền báo chí khác có được.

Ông cũng chia sẻ sự cảm phục với Chủ tịch Hồ Chí Minh, người có nhiều gắn bó với nước Pháp, từ việc tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, thành lập một trong những tờ báo ở Pháp (Tờ Người cùng khổ - Le Paria, thuộc Hội Liên hiệp thuộc địa) từ khi còn rất trẻ, và đặc biệt là sau đó, đã sáng lập tờ Thanh niên năm 1921 (ra ngày 21/6/1921) - tờ báo tiền thân, khởi nguồn cho nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Không phải ngẫu nhiên, nhà báo Pháp kỳ cựu lại nhắc tới dấu ấn đó khi nói về báo chí Việt Nam. Hiếm có nền báo chí nào có một xuất phát điểm gắn chặt với xuất phát điểm của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của một đất nước như thế. Hiếm có một nền báo chí nào ra đời và gắn bó sâu sắc, được vị lãnh tụ vĩ đại, một Danh nhân văn hóa thế giới luôn chăm chút, chỉ đường như thế.

Xuất phát điểm đó của tờ Thanh niên, với mục tiêu truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tuyên truyền lý luận cách mạng, con đường làm cách mạng đến với nhân dân cần lao, chính là nền tảng để báo chí Việt Nam được định danh là nền “báo chí cách mạng”.

Dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Ái Quốc, Báo Thanh niên đã đề cập những vấn đề cơ bản nhất, dễ nhận ra nhất, từ đó dẫn người đọc đến những vấn đề lý luận, sau đó là những vấn đề về phương pháp tổ chức và hành động cách mạng.

Số báo đầu tiên có bài: “Vì sao chúng ta phải đoàn kết”. Liên tiếp những số báo đầu của Báo Thanh niên đều nêu vấn đề đoàn kết, đoàn kết trong cộng đồng xã hội, đoàn kết dân tộc. Qua Báo Thanh niên, Bác Hồ đã “chỉ rõ cho giai cấp công nhân và nhân dân ta con đường giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội”.

Như vậy, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã sớm lựa chọn báo chí làm vũ khí đấu tranh cách mạng, với nhiệm vụ tuyên truyền, truyền bá những tư tưởng tiến bộ tới các tầng lớp nhân dân, nhằm xóa bỏ chế độ áp bức bóc lột, giải phóng dân tộc, giải phóng con người.

Suốt cuộc đời cách mạng của mình, Người đã gắn bó với báo chí. Từ bài báo đầu tiên của Người (bài “Vấn đề bản xứ” đăng trên tờ L’Humanité ngày 2/8/1919) cho đến tác phẩm cuối cùng trước khi Người ra đi (bài “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” đăng trên Báo Nhân Dân ngày 1/6/1969), Người vẫn luôn luôn nắm vững và phát huy vai trò chính trị của báo chí. Và, thứ vũ khí này đã theo Người trong suốt cuộc đời cách mạng vĩ đại, suốt cuộc đời hy sinh tất cả vì Tổ quốc, vì nhân dân.

Từ khởi đầu mang tính nền tảng đó, nền báo chí cách mạng Việt Nam liên tục đồng hành với các cuộc đấu tranh chống xâm lược, thống nhất giang sơn, xây dựng đất nước, tới đổi mới, hội nhập ngày càng sâu rộng với bạn bè quốc tế.

Trên thế giới, suốt chiều dài lịch sử, hiếm có vị lãnh tụ nào trực tiếp sáng lập, làm chủ bút nhiều tờ báo và trực tiếp viết hàng ngàn bài báo bằng nhiều thứ tiếng như Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Và, tất cả những tờ báo đó, tất cả hàng ngàn bài báo đó, đều có một nhiệm vụ duy nhất, một sứ mệnh duy nhất, là phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc, vì nền độc lập của dân tộc, vì cuộc sống tự do, hạnh phúc cho đồng bào mình.

Người đã nhiều lần nhắc lại, nhấn mạnh sứ mệnh đó của báo chí. Tại Đại hội lần thứ II, Hội Nhà báo Việt Nam (ngày 16/4/1959), Bác đã chia sẻ với các nhà báo: “Về nội dung viết, mà các cô, các chú gọi là ‘đề tài’, thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một ‘đề tài’ là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.

Năm 1962, tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, Bác tiếp tục nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”.

Muốn phục vụ nhân dân, Người căn dặn, người làm báo phải gắn bó với nhân dân. Trong bức thư gửi lớp đào tạo báo chí ở trường Huỳnh Thúc Kháng, Bác chỉ ra rằng, muốn viết báo thì phải đến với nhân dân, nếu “cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực”.

Với tư cách là một công dân thì nghĩa vụ công dân không chỉ đòi hỏi nhà báo phải tuân thủ hiến pháp và pháp luật trong hoạt động nghề nghiệp, mà còn phải luôn luôn tâm niệm mục tiêu phục vụ ai, viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào để không làm tổn hại đến lợi ích của nhân dân, của đất nước. Đồng thời, nhà báo phải nêu cao trách nhiệm xã hội; phải biết biểu dương cái tốt, cái mới tiến bộ và tích cực đấu tranh chống cái xấu, cái sai, cái lạc hậu…

96 năm đã qua kể từ ngày Nhà báo Nguyễn Ái Quốc sáng lập, đặt nền móng cho Báo chí Cách mạng Việt Nam với tờ Thanh niên, báo chí Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh. Trong hành trình đó, tư tưởng, phong cách báo chí, những căn dặn tâm huyết về nghề, về đạo đức nghề báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn là kim chỉ nam của mỗi người làm báo, để mỗi người làm báo soi rọi, học tập và trưởng thành.

Các thế hệ người làm báo Việt Nam có quyền tự hào về những lớp người đã cống hiến, hy sinh trong đấu tranh giành độc lập dân tộc; đã lăn lộn, tìm tòi trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước. Và, ngay trong những ngày tháng này, khi đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp, cùng các lực lượng tuyến đầu như đội ngũ y, bác sĩ, lực lượng công an, quân đội, chính quyền các cấp, đội ngũ phóng viên báo chí chính là hình ảnh quen thuộc trên trận tuyến phòng, chống dịch nóng bỏng, “như chống giặc”.

Đó không gì khác, chính là “phụng sự nhân dân”, đến với nhân dân, với cuộc sống phập phồng hơi thở, với những nỗi lo lắng, buồn vui, nụ cười, nước mắt của nhân dân mà Bác Hồ căn dặn người làm báo. Đó không gì khác, chính là báo chí chân chính đang thực hiện sứ mệnh thiêng liêng, to lớn của mình - của một nền báo chí cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện, đó là phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc.

 

12 chữ phê bình của Bác

Bài nói chuyện của Bác Hồ tại Đại hội III ngắn gọn nhưng vừa khái quát được chức năng, nhiệm vụ, vai trò và sứ mệnh của báo chí cách mạng vừa cụ thể về công việc, “bếp núc” của người làm báo.

Bác lấy “tư cách một đồng chí có ít nhiều kinh nghiệm về báo chí” nói về vấn đề phê bình và tự phê bình.

Đầu tiên về vai trò của phê bình, Bác nói: “Phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và rất sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm”.

Tiếp đến, bác nói về phương pháp phê bình của báo chí là “phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, phụ trách, nói có sách, mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng, “trị bệnh cứu người”. Chớ phê bình lung tung không chịu trách nhiệm”.

Mở rộng ra, Bác nói về đối tượng tiếp nhận phê bình: “Những người (bất kỳ ở địa vị nào) và những cơ quan được phê bình phải có thái độ thật thà, khiêm tốn…không được “phớt” lời phê bình, không “trù” người phê bình”.

Bác dùng cụm từ “được phê bình” chứ không phải “bị phê bình” cho thấy quan điểm và tính nhân văn trong quá trình nhận sai và sửa sai.

Chính vì thế, Bác đã “xung phong” phê bình các báo. Bác đặt ra mấy vấn đề :

“Bài báo thường quá dài, dây cà ra dây muống, không hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng.

Thường nói một chiều, đôi khi thổi phồng các thành tích mà ít hoặc không nói đúng mức các khó khăn, khuyết điểm của ta.

Đưa tin hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng

Thiếu cân đối, tin nên dài thì viết ngắn, nên ngắn lại viết dài, nên để sau thì để trước, nên trước lại để sau.

Lộ bí mật.

Có khi quá lố bịch.

Khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều và nhiều khi dùng không chuẩn…”

Đó là những vấn đề quá đúng và quá trúng không chỉ với báo chí thời điểm đó mà cho đến nay vẫn là những bài học cơ bản của báo chí.

Đây chính là phê bình trên tinh thần xây dựng, giúp báo chí “sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm”. Việc phê bình báo chí được Bác khéo léo đưa ra như một ví dụ chính xác về phê bình và người tiếp nhận cảm thấy “được phê bình” chứ không phải “bị phê bình”.

Không chỉ phê bình, với báo chí, Bác còn gợi mở cách để sửa chữa sai lầm, khuyết điểm. Cũng trong bài nói chuyện ấy, bác đưa ra kinh nghiệm của mình:

“Mỗi khi viết một bài báo thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc. Khi viết xong thì nhờ anh em xem và sửa giùm”.

Chỉ mấy câu ngắn gọn của Bác có giá trị hơn rất nhiều giáo trình. Đó là khi viết báo phải xác định ngay đối tượng, mục đích sau đó mới đến cách thể hiện và cuối cùng là lời dạy về sự khiêm tốn, cần chịu khó học hỏi trong nghề báo, của người làm báo.

12 chữ “phê bình” của Bác trong một bài nói chuyện 60 năm về trước có giá trị và sức sống lâu bền. Cho dù báo chí, công nghệ có phát triển đến đâu thì những lời dạy của Bác vẫn là những bài học quý giá.

 

comment Bình luận