Khó ngăn chặn sự lây nhiễm siêu biến thể Omicron, nhưng có thể làm nó chậm lại

Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có thông báo cảnh báo chính thức tới các nước Châu Á về khả năng né miễn dịch cũng như lây lan nhanh gấp nhiều lần của siêu biến thể Covid-19 mới có tên Omicron, Israel đóng cửa với cả thế giới để ngăn chặn sau khi ghi nhận 1 ca nhiễm biến thể này.
12:34 | 29/11/2021

Ngày 27/11, theo Reuters cho biết Israel sẽ ra lệnh cấm nhập cảnh với mọi khách nước ngoài, để ngăn biến thể Omicron. Đây là nước đầu tiên đóng cửa biên giới hoàn toàn vì biến thể mới này. Cụ thể:

Thủ tướng Naftali Bennett tuyên bố lệnh cấm sẽ có thời hạn 14 ngày, dự kiến bắt đầu từ ngày 29/11 (bắt đầu từ hôm nay). Quan chức Israel hy vọng trong thời gian này sẽ có thêm thông tin về biến thể Omicron cũng như về việc điều chỉnh vaccine chống lại biến thể này. Israel sẽ chỉ cho phép công dân nước mình nhập cảnh, và dù có hay chưa được tiêm vaccine thì cũng sẽ phải cách ly. Ở thời điểm hiện tại, Israel ghi nhận 1 ca nhiễm biến thể Omicron, với 7 ca nghi nhiễm mà 3 trong số này đã được tiêm đủ vaccine.

Bức tranh toàn cảnh về năng lực của các đột biến trong biến thể Omicron

Sức ảnh hưởng của siêu biến thể Omicron quá lớn, Israel đóng cửa với cả thế giới để ngăn chặn

Việc siêu biến thể Omicron xuất hiện làm dấy lên lo ngại toàn cầu bởi khả năng né vaccine, dẫn đến làn sóng cấm hoặc hạn chế đi lại và bán tháo trên thị trường khi các nhà đầu tư sợ rằng Omicron có thể ngăn chặn sự phục hồi toàn cầu sau đại dịch kéo dài gần hai năm.

Siêu biến thể này được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi hôm 24/11. Tuy nhiên lại được tìm thấy ở Bỉ, Botswana, Đức, Hong Kong (Trung Quốc), Israel, Italia, Czech và Vương quốc Anh, có nghĩa là biến thể đã lan rộng nhanh chóng.

Rất nhiều bằng chứng ban đầu cho thấy biến thể Omicron rất dễ lây lan, có thể nhiều hơn biến thể Delta. Với hơn 30 đột biến trên protein gai, Omicron có thể dễ lây hơn và có nhiều cơ chế hơn để tránh miễn dịch đã được tạo ra bởi vaccine hoặc lây nhiễm trước đó.

Theo phân tích của Tiến sĩ Angelique Coetzee trên đài BBC, người đứng đầu Hiệp hội Y tế Nam Phi, cho đến nay, các trường hợp biến thể này chủ yếu xuất hiện ở những người trẻ tuổi, khiến họ kiệt sức và đau nhức cơ thể. "Chúng tôi không nói về những bệnh nhân có thể đến thẳng bệnh viện và nhập viện”.

Ngày 26/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố những hạn chế đi lại mới đối với 8 quốc gia Châu Phi gồm: Lesotho, Nam Phi, Eswatini, Namibia, Zimbabwe, Mozambique, Malawi và Botswana, có hiệu lực từ ngày 29/11. Lệnh cấm đi lại có thể giúp chính phủ có thời gian tìm hiểu thêm về biến thể cũng như bảo vệ người dân tốt hơn.

Các quốc gia như Anh, Singapore, Pháp và Đức cũng đang hạn chế việc đi lại từ các quốc gia ở miền nam Châu Phi trong nỗ lực ngăn chặn biến thể mới, bất chấp những lời chỉ trích từ chính phủ Nam Phi. Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 27/11 đã công bố các bước mới để ngăn chặn biến thể.

Sẽ không thể ngăn chặn sự lây nhiễm siêu biến thể Omicron, nhưng có thể làm chậm nó không?

Mặc dù vẫn còn nhiều điều chưa biết về biến thể Omicron, nhưng các chuyên gia đồng ý rằng đó là một sự phát triển đáng lo ngại trong đại dịch COVID-19.

Tiến sĩ Ashish Jha - hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Brown, nói với PBS: "Chúng tôi đã thấy các biến thể xuất hiện và mất đi, và cứ sau hai tháng, chúng tôi lại nghe về một biến thể. Điều này là đáng lo ngại. Nhưng biến thể mới thì khác. Nó có rất nhiều đặc điểm khiến tôi và nhiều người trong chúng tôi lo ngại”.

Biến thể Delta, dòng virus chiếm ưu thế hiện nay, cho thấy khả năng lây truyền cao và khả năng kháng các kháng thể. Nhưng cũng như với Delta, chìa khóa để hạn chế sự lây lan của Omicron phụ thuộc vào hành vi của con người và mức độ sẵn sàng của mọi người trong việc thực hiện các phản ứng về sức khỏe cộng đồng đã được chứng minh.

Ngăn chặn sự lây lan cũng đồng nghĩa với việc ngăn chặn khả năng xuất hiện các đột biến có hại đối với virus. Các đột biến chắc chắn sẽ xảy ra, và nhiều trong số chúng vô hại đối với con người. Tuy nhiên, virus càng có nhiều cơ hội lây lan, thì càng có nhiều cơ hội đột biến thành một biến thể lây lan nhanh hơn, kháng lại các kháng thể và phương pháp điều trị.

Tuy nhiên, các công cụ hiện có vẫn sẽ có hiệu quả trong việc ngăn chặn Omicron - xét nghiệm PCR để phát hiện biến thể. Theo WHO và Francis Collins - giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ, "không có dữ liệu tại thời điểm hiện tại cho thấy các loại vaccine hiện tại không có tác dụng với Omicron".

Ngoài ra, đeo khẩu trang và giãn cách xã hội đều là những chiến lược đã được chứng minh để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, cũng như tiêm vaccine COVID-19 và tiêm nhắc lại.


comment Bình luận