Hà Nội ghi nhận 10 tháng đầu năm có 586 nhân viên y tế nghỉ việc
Báo cáo tại phiên họp HĐND TP Hà Nội ngày 7/12, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế, cho biết trong số người nghỉ có 195 người trình độ bác sĩ trở lên, còn lại là điều dưỡng, dược sĩ, hộ sinh... Khoảng 20 người (0,04%) từ bỏ hoàn toàn ngành y tế, chuyển sang nghề khác, ví dụ bán hàng online; số còn lại làm việc cho cơ sở y tế tư nhân.
Theo bà Hà, hiện tượng nhân viên chuyển việc từ công sang tư xuất hiện nhiều năm nay. Tuy nhiên trong hai năm qua, số lượng nhân viên y tế chuyển việc từ công sang tư có xu hướng tăng. Năm 2019, có 562 người xin nghỉ, chuyển việc; năm 2020 có 574 người, năm 2021 có 614 người. "Dự báo số lượng nghỉ, chuyển việc có thể tiếp tục tăng trong năm 2023", bà Hà nói.
Nguyên nhân chủ yếu là chế độ tiền lương, thu nhập thấp (48% trường hợp). Các nguyên nhân khác, tỷ lệ thấp hơn, gồm gia đình, sức khỏe và môi trường, điều kiện làm việc khắc nghiệt... Đại dịch Covid-19 hai năm qua đã tác động lớn đến biến động nhân sự ngành y, theo bà Hà. Nhân viên y tế phải làm nhiều nhiệm vụ chưa từng có, như cách ly, xét nghiệm, hỗ trợ người bệnh tại nhà, chiến dịch tiêm chủng... Có những thời điểm họ phải tổ chức tiêm chủng tới 4h mỗi ngày, công việc rất căng thẳng, liên tục, kéo dài, không có ngày nghỉ.
"Đó là sự hy sinh quá lớn, thời gian căng thẳng quá dài, thu nhập không tốt khiến họ bỏ việc nhiều", bà Hà nói và thêm rằng các nguyên nhân quan trọng nằm ở chính sách, chế độ; nguồn thu của các bệnh viện tự chủ sụt giảm nhiều, không đủ tài chính đảm bảo thu nhập tăng thêm cho nhân viên.
Chưa kể, áp lực xã hội với ngành y tế sau các vụ vi phạm pháp luật gây tâm lý hoang mang, lo sợ. Trong khi đó, y tế tư nhân phát triển mạnh sau đại dịch, chủ động về thuốc men, vật tư tiêu hao, môi trường làm việc và thu nhập hấp dẫn, bác sĩ chỉ cần khám chữa bệnh, không cần lo đấu thầu mua sắm hay thủ tục chữa trị. Vì vậy, họ có xu hướng lựa chọn làm việc cho y tế tư nhân.
Để giữ chân nhân viên, lãnh đạo Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 02 vào tháng 6/2021, chi thêm 70% chi phụ cấp so với Nghị quyết 16 của Chính phủ. Tức là, nhân viên y tế tuyến đầu được Nghị quyết 16 hỗ trợ 70% chi phụ cấp, nay Hà Nội hỗ trợ thêm 70% nữa. Đến tháng 9, Hà Nội ban hành Nghị quyết 19, hỗ trợ toàn thể nhân viên y tế và các ngành khác như lao động thương binh xã hội làm việc tại thủ đô, mức cao nhất là 10 triệu, thấp nhất 5 triệu đồng.
Mặt khác, Sở Y tế cho phép bệnh viện công ký hợp đồng chuyên môn, hợp đồng lao động từ nguồn tự chủ để bố trí nhân sự bù đắp vị trí còn thiếu. Như vậy, từ tháng 1 đến hết tháng 6, các bệnh viện tuyển dụng mới hơn 1.700 người thay thế, trong đó có khoảng 480 bác sĩ, bước đầu giải quyết tình trạng thiếu nhân lực. Trong quý 3-4, thành phố tổ chức thi tuyển, dự kiến thêm khoảng 30.000 viên chức để bù đắp lực lượng thiếu hụt.
Đối với tình trạng thiếu nhân lực y tế trình độ cao, bà Hà cho biết đang đào tạo liên tục về chuyên môn và quản lý, quản trị. Đến nay gần 1.000 lượt cán bộ đã được đào tạo. Sở Y tế ký hợp đồng với Trường Đại học Y Hà Nội đào tạo bác sĩ nội trú, xây dựng đề án tuyển dụng năm 2023 và chính sách giữ chân nhân sự.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội. Ảnh: Media Quốc hội
Bên cạnh làn sóng nhân viên nghỉ việc, thiếu thuốc cũng là vấn đề tồn tại tại Hà Nội trong năm. Tại phiên họp, Giám đốc Sở Y tế chỉ ra 3 nguyên nhân chủ yếu gây thiếu thuốc trên địa bàn. Trong đó, thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp Quốc gia bị chậm, nhà thầu cung ứng rất hạn chế so với nhu cầu của các bệnh viện. Dược liệu, thuốc, vaccine dịch vụ đều mua sắm rất khó khăn do vướng mắc tại Thông tư 15 của Bộ Y tế. Một số loại thuốc hết hạn đăng ký nên bị tăng giá, gây khan hiếm thuốc.
Tương tự tình trạng chảy máu nhân sự, bà Hà đánh giá vấn đề thiếu thuốc chủ yếu do vướng mắc từ cơ chế chính sách, quy định và vượt ngoài năng lực giải quyết của địa phương. Ví dụ, về thiếu vaccine dịch vụ, thiếu thuốc, hiện Sở Y tế chưa giải quyết được bất cập, đã báo cáo Bộ Y tế và được phản hồi "đang xem xét để giải quyết". Về gia hạn thuốc, Ủy ban Các vấn đề xã hội đã họp và thảo luận để trình họp Quốc hội trong năm 2023, tuy nhiên khó có thể sớm gia hạn đăng ký thuốc. Doanh nghiệp cần thời gian đặt hàng, sản xuất, có thể trễ 2-3 tháng mới kịp đặt hàng và sản xuất cho cung ứng.
Đối với vật tư y tế, Hà Nội còn vướng mua sắm hóa chất, vật tư tiêu hao theo máy mượn, đặt hoặc mua thiết bị y tế nhưng chỉ có một nhà thầu cung ứng trên toàn thế giới. Đây cũng là vướng mắc, khó khăn đã nêu trong Luật Đấu thầu.
Mặc khác, Hà Nội đang thực hiện một số dự án phát triển y tế, nâng chất lượng điều trị, như xây mới các bệnh viện Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức mỗi nơi 500 giường, bệnh viện Thanh Trì 250 giường. 7 dự án khác nâng cấp các bệnh viện đa khoa tuyến huyện gồm Mỹ Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Vân Đình, Quốc Oai.
Về dịch bệnh, Giám đốc Sở Y tế nhận định Hà Nội đã thích ứng an toàn với Covid-19, cuộc sống gần như trở lại bình thường. Tháng 9-11 là cao điểm bệnh sốt xuất huyết nhưng nay đã được kiểm soát, thời tiết trở lạnh khiến bệnh không phát triển. Bệnh do virus Adeno có xu hướng tăng. Thành phố có 5 ca nghi mắc đậu mùa khỉ và tiền sử dịch tễ, song xét nghiệm âm tính, kết luận mắc thủy đậu thông thường.

- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Ký sinh trùng từ thú cưng, nguy cơ tiềm ẩn khiến hàng trăm trẻ mắc bệnh
Chỉ từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An phát hiện gần 900 trẻ nhiễm giun, sán chó mèo. Nhiều trẻ đến khám trong tình trạng ngứa ngáy kéo dài, tổn thương đa cơ quan nhưng nhiều phụ huynh chủ quan, cho rằng chỉ là bệnh ngoài da và tự điều trị tại nhà…July 10 at 5:09 pm -
Hà Tĩnh ghi nhận ca sốt rét ngoại lai có nguy cơ phát sinh ca bệnh thứ cấp
Mới đây, trên địa bàn thôn Song Yên, xã Thiên Cầm ghi nhận trường hợp mắc sốt rét. CDC Hà Tĩnh thành lập đoàn công tác làm việc với chính quyền xã, Trạm Y tế về các biện pháp xử lý ổ bệnh. Đây là ca bệnh ngoại lai thứ 6 trên địa bàn tỉnh tính từ đầu năm đến nay.July 10 at 5:08 pm -
Nổi ban tím tứ chi, ngừng tim sau bữa tiết canh, lòng lợn
Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa chạy đua với thời gian, ép tim cấp cứu bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn do vi khuẩn liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh, lòng lợn gần nhà.July 10 at 5:07 pm -
Bật điều hòa đúng cách vừa đảm bảo sức khỏe lại tiết kiệm 30% tiền điện trong tháng hè
Trong những ngày nắng nóng, nhu cầu sử dụng điều hòa tăng cao, khiến hóa đơn tiền điện của nhiều gia đình tăng đáng kể. Tuy nhiên, với một số mẹo sử dụng điều hòa thông minh, bạn có thể tiết kiệm tới 30% tiền điện mà vẫn đảm bảo không gian sống mát mẻ, thoải mái. Dưới đây là những cách hiệu quả để tối ưu hóa việc sử dụng điều hòa trong mùa hè.July 10 at 5:07 pm