Chưa biết hết khả năng lây nhiễm và kháng vắc xin của biến thể Omicron

Biến thể Omicron được cho là có 32 đột biến trong protein gai, nhưng đến nay giới chuyên gia vẫn chưa biết chính xác về khả năng lây nhiễm và kháng vắc xin của biến thể này.
14:28 | 30/11/2021

Tại cuộc họp báo hôm 29/11, WHO đánh giá rủi ro toàn cầu nói chung liên quan đến biến thể Omicron hiện nay là "rất cao".

Hiện nay các chuyên gia y tế kêu gọi công chúng thận trọng và kiên nhẫn, trong lúc các nhà khoa học cố gắng tìm hiểu liệu biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn và nguy hiểm hơn các biến thể khác của virus SARS-CoV-2 hay không, và liệu các loại vắc xin hiện tại có thể phòng ngừa hiệu quả hay không.

Đến nay, các ca mắc biến thể Omicron đã được ghi nhận tại hơn chục quốc gia gồm: Úc, Áo, Bỉ, Botswana, Canada, Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Đức, Israel, Ý, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Nam Phi, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Vương quốc Anh... và đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc).

Tại Mỹ, vẫn chưa có ca mắc biến thể Omicron nào được báo cáo đến nay. Nhiều cảnh báo về mối đe dọa từ biến thể Omicron được đưa ra trong bối cảnh người Mỹ đã trở nên mệt mỏi sau gần hai năm đối phó đại dịch COVID-19 và đang quay về sau kỳ nghỉ lễ Tạ ơn - vốn chứng kiến ​​lưu lượng hành khách đi máy bay ở mức gần như ngang giai đoạn trước đại dịch.

WHO đã phân loại Omicron là "biến thể đáng lo ngại". Tại cuộc họp báo hôm 29/11, WHO đánh giá rủi ro toàn cầu nói chung liên quan đến biến thể Omicron hiện nay là "rất cao".

Theo Đài CNN (Mỹ), hiện các chuyên gia đang nỗ lực tìm câu trả lời cho 3 câu hỏi quan trọng:

- Các đột biến của Omicron có làm cho biến thể này có khả năng lây nhiễm hơn không?

- Biến thể Omicron có gây ra bệnh nặng, nguy hiểm hoặc chết người hơn so với các biến thể khác hay không?

- Biến thể Omicron có khả năng kháng vắc xin cao hơn không?

Có thể mất vài tuần để giới chuyên gia tìm ra câu trả lời cho 3 câu hỏi trên.

Bác sĩ Sanjay Gupta, nhà giải phẫu thần kinh và là phóng viên mảng y tế của CNN, cho rằng mọi người nên đi tiêm vắc xin COVID-19 hoặc tiêm mũi tăng cường, và tiếp tục tuân thủ các biện pháp y tế công cộng.

"Tôi cho rằng biện pháp đeo khẩu trang và giữ khoảng cách - mà không cần dùng đến biện pháp đóng cửa - có thể rất hiệu quả cho đến khi chúng ta hiểu được những gì đang thật sự diễn ra", bác sĩ Gupta nói.

Với nhiều điều về Omicron vẫn còn chưa rõ, quan chức nhiều nước nói rằng việc tiêm vắc xin và mũi tiêm tăng cường vẫn là biện pháp bảo vệ tốt nhất hiện có.

comment Bình luận