Các chân trời văn hóa: Người Nhật nghĩ gì?

Dường như không có dân tộc nào như dân tộc Nhật Bản, trong tính cách họ, những yếu tố tương phản, đối lập hiện lên một cách rõ rệt, sắc nét, quyết liệt. Người Nhật có thể thưởng thức cái đẹp mong manh của hoa anh đào và cái ánh thép lạnh người của một thanh bảo kiếm.
20:32 | 08/04/2020

Một buổi sớm, dạo chơi ở một phố có vườn hoa tại Tokyo, tôi thấy một đoàn người chạy thể dục. Họ vừa chạy vừa hô lấy nhịp, tiếng hô rắn đinh, có một âm hưởng “dữ dội”. Một lát sau, đi qua khu nhà ở, tôi nghe vọng ra qua cát-xét giọng một ca sĩ êm như nhung, não nùng như kiểu bài Đêm Trung Hoa (Shina no Yoru) ở Việt Nam từng được nghe vào thế kỷ trước.

Một buổi tối, tôi uống trà một mình, xem vô tuyến trong căn phòng ở một khách sạn Tokyo. Trà để trong một gói giấy xinh, đổ nước sôi vào, nước trà màu lục nhạt trong suốt, nhấp vào có cảm giác thanh tịnh. Nhưng khi nhìn lên màn ảnh nhỏ, cảm giác ấy biến đi: Trong phim kiếm hiệp có cảnh chém đầu, máu nhỏ từng giọt từ chiếc đầu bị cắt xuống, rất lâu, khiến tôi rùng mình.

Có lần, sau cuộc họp quốc tế về văn hóa châu Á ở một khách sạn tại chân núi Fuji, chúng tôi xem các bạn Nhật vừa dự họp diễn một vở kabuki truyền thống. Truyện cổ về võ sĩ, hảo hán lục lâm, nhà buôn, kỹ nữ... Bà lão gọi chồng bằng tiếng Anh “my darling” (anh yêu). Cuối vở, bà cởi dần quần áo ra theo lối “thoát y vũ” (strip-tease), bỏ vú giả và tóc giả ra, hiện nguyên hình là ông chủ tịch hội nghị. Tất cả các diễn viên đều mặc lại âu phục hiện đại. Hiện đại tương phản với truyền thống một cách nổi bật. Những cảnh sinh hoạt trên đây, cũng như nhiều hiện tượng văn hóa nghệ thuật khác ở Nhật gây cho tôi ấn tượng mạnh mẽ về những khía cạnh tương phản, đối lập gay gắt.

Dĩ nhiên, trong bản sắc một con người cũng như của một dân tộc, những yếu tố tương phản, đối lập là chuyện bình thường.

Thí dụ, tâm tính dân tộc Pháp đầy nghịch lý và mâu thuẫn, vừa mang yếu tố nông dân (thực tế, tiết kiệm, thận trọng), vừa mang yếu tố hiệp sĩ (lý tưởng hóa, hào hiệp, ý thức cá nhân). Người Mỹ thì vừa lý tưởng hóa vừa thực dụng.

Nhưng dường như không có dân tộc nào như dân tộc Nhật Bản, trong tính cách họ, những yếu tố tương phản, đối lập hiện lên một cách rõ rệt, sắc nét, quyết liệt. Người Nhật có thể thưởng thức cái đẹp mong manh của hoa anh đào và cái ánh thép lạnh người của một thanh bảo kiếm. Vậy thì tính dữ dội “khe khắt”, sắc thái Khổng học, hay tính duyên dáng tế nhị, nghệ sĩ lãng mạn phóng túng Lão học là đậm chất văn hóa Nhật? Nhà văn Mishima đề cao truyền thống nam nhi quyết liệt, còn nhà văn Kawabata lại tìm bản chất văn hóa dân tộc trong nghệ thuật tế nhị nữ tính.

Tính tương phản, đối lập trong nghệ thuật Nhật cũng được thể hiện trong quan niệm về cân bằng. Thật là một nghịch lý, sự cân bằng được tìm không phải qua “đối xứng” (symmetry) mà qua sự không đối xứng, nhất là sử dụng khoảng trống, (trong bức tranh là khoảng bỏ trắng = Yohaku = chữ Hán là Dư bạch). Để cho cân bằng người ta có thể không tìm đối trọng bằng cách đối lập hình khối bên phải bằng một hình khối tương tự (hay gần tương tự) bên trái, mà đối lập khoảng trống với toàn bộ cái được vẽ. Vai trò của khoảng trống ra bố cục không đối xứng, áp dụng không những cho nghệ thuật tạo hình mà cả cho các nghệ thuật khác: cách bày thức ăn trên đĩa, kích thước và hình dáng các loại bát đĩa, cách đặt chúng trên khay, nghệ thuật làm vườn, cây cảnh Bonsai, kiến trúc cổ điển (bố trí ánh sáng, bóng tối trong nội thất...).

Cái khoảng trống, cái thầm lặng bên trong được thể hiện qua một khái niệm rất Á Đông về Mu (chữ Hán: Vô), gợi lên sự hư vô, hư không, sắc sắc không không trong cuộc đời phù du trong triết học Phật - Lão. Theo giáo sư toán học người Nam Tư Vladimir Đeoiđé, văn hóa và triết học phương Tây dựa vào hiện thực đang tồn tại - điều rõ ràng; vì thế, sự không tồn tại rõ ràng bị coi là thiếu sót. Trái lại, Phương Đông lại nghiêng về hư vô với những khả năng tiềm ẩn của nó, chứ không phải với ý nghĩa phủ định. Đó là sự đối lập giữa văn minh cổ Hy Lạp và văn minh cổ Ấn Độ. Trên cơ sở ấy, chữ Mu (vô) của Nhật Bản thấm nhuần tâm hồn và văn hóa Nhật (khoảng trống trong tranh, ý nghĩa cái lặng im, cái không nói ra, sức mạnh trong mềm dẻo của võ Giudđo....)

Dù sao, các yếu tố đối lập “gay gắt” nêu ra ở đầu bài viết này vẫn cứ hòa nhập với nhau để tạo ra một nền văn hóa Nhật hào hoa, được đánh dấu bởi nét chung nhất là “duyên dáng tế nhị bên trong hơn là cái tráng lệ bên ngoài”.

Hiểu theo nghĩa rộng, nền văn hóa vật chất và tinh thần của Nhật Bản là một thành công của hơn 100 triệu người, tập trung trên những hòn đảo nghèo nàn, khuất nẻo, chỉ có 6 vạn km2 sử dụng được, đã xây dựng một cường quốc từ một nước phong kiến lạc hậu, rồi vươn lên hàng đầu thế giới sau khi đại bại - hầu như đã mất hết.

Có những thuyết căn cứ vào địa lý được coi là nhân tố quyết định. Vị trí đảo (quần đảo) xưa kia cô lập tít rìa lục địa khiến cho Nhật ít bị ngoại xâm, thuận lợi cho việc hình thành một dân tộc có tính cách thuần nhất nhưng lại ngăn cản ảnh hưởng văn hóa bên ngoài nhập vào dần dần. Khí hậu ôn đới thuận lợi cho hoạt động “văn minh hóa” con người hơn là ở các nơi quá lạnh hay quá nóng. Đồng thời, thiên nhiên khắc nghiệt (núi lửa, động đất, sóng thần, bão lụt) và sự hiếm đất cấy lúa cũng gieo vào tiềm thức cộng đồng những ấn tượng “dữ dội” về thiếu an toàn; do đó, dân quen sống giản dị, khắc khổ và đề cao tập thể từ gia đình, xóm làng đến quốc gia để tồn tại. Nhưng mặt khác, thiên nhiên hùng vĩ hoặc xinh tươi đi vào đời sống hằng ngày (nhà ở, hội hè, cắm hoa, cây cảnh, trà đạo) nuôi dưỡng thẩm mỹ (kiến trúc, hội họa) và tín ngưỡng vật linh (Đạo Sinto, Nhật Hoàng được coi là dòng dõi thần Mặt Trời).

Người dân Nhật Bản luôn giữ vững “tinh thần Nhật Bản”, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, hoạn nạn. Hình ảnh không bao giờ mất ở Nhật Bản - đó là những dòng người xếp hàng ngay ngắn, trật tự để nhận đồ cứu trợ.

Địa lý tác động đến lịch sử Nhật Bản khiến cho lịch sử này mang tính chất “đóng và mở”. Do vị trí là đảo xa, khác với nước Anh là đảo quá gần lục địa, ở Nhật có những thời ảnh hưởng từ phương Tây ào ạt vào. Phía Tây xưa kia là Trung Quốc (lúc đầu qua Triều Tiên), sau là phương Tây qua Mỹ - Âu; rồi có những thời đóng cửa 300 năm đối với Trung Quốc, trên 200 năm đối với châu Âu... để tiêu hóa cái ngoại lai và tạo ra cái độc đáo của bản sắc.

Có thuyết tìm trong hệ tư tưởng cổ truyền bí quyết thành công và chiếc chìa khóa văn hóa Nhật. Ngoài những yếu tố Thần Đạo, là một tín ngưỡng bản địa làm gốc cho tình thiết tha với thiên nhiên, với người chết, Nhật hoàng, gia tộc làng xã và quốc gia, những hệ tư tưởng lớn Phật - Khổng - Lão đều gốc từ Trung Quốc và kết nối với Thần Đạo để phục vụ những lý tưởng trên. Nền văn hóa Phật giáo từ thế kỷ 6 mở đầu thời kỳ lịch sử sau khi dân tộc Nhật hình thành. Kiến trúc, tranh vẽ, tượng, lối sống cho đến nay vẫn chịu ảnh hưởng Phật giáo sâu sắc. Đặc biệt, Thiền tông chủ yếu tham thiền nhập định để chứng ngộ phật tính; nó tự khẳng định vào thế kỷ 14-16, nó là một yếu tố quan trọng của văn hóa đẳng cấp “võ sĩ”, tu luyện bản thân, khép mình vào kỷ luật, nhập vào thiên nhiên, lấy nghệ thuật tự nguyện (vườn Thiền, trà Đạo). Tông phái tịnh độ niệm Phật A-di-đà phổ biến trong nhân dân hơn. Nói chung, đạo Phật bảo thủ cũng như Khổng học. Mang dấu ấn Tống Nho và đặc biệt Chu Hi, Khổng học Nhật Bản cực đoan hóa chữ “trung” và quan niệm “nghĩa” (giri) rất khe khắt, nó trở thành nền tảng của xã hội phong kiến và hậu thuẫn cho lý tưởng võ sĩ đạo (Bushido). Có thuyết cho là Nhật thành công trong việc tiêu hóa và tự vượt lên được sau Thế chiến II là do biết chuyển hóa các cơ sở truyền thống, tư tưởng - tôn giáo, đặc biệt là Khổng học (tinh thần cộng đồng khái niệm “hòa” thuận trong tôn ti trật tự trời - đất - người và trong xã hội con người). Hiện đại hóa thời Minh Trị (1868) được thực hiện với một nền kinh tế chỉ huy rất chặt chẽ, trên cơ sở truyền thống phong kiến.

Sau hơn 1 thế kỷ, nhất là từ khi ra khỏi tình trạng thua trận bi đát, Nhật Bản có một nền văn hóa ngày càng mang sắc thái công nghiệp - kỹ thuật, sắc thái “xã hội tiêu thụ” phương Tây và sắc thái “quốc tế hóa”. Trong một cộng đồng quốc tế mà cách mạng công nghiệp lần thứ 3 ở giai đoạn “viễn thông tin học” mang lại những nét sống tương tự cho mọi dân tộc, vượt qua “quốc tế hóa”, chuyển sang toàn cầu hóa. Liệu tính độc đáo của văn hóa Nhật sẽ đi vào chặng đường mới như thế nào? Đó là câu hỏi mà thế kỷ 21 sẽ trả lời.

comment Bình luận