Bệnh viện 200 tỷ ở Bạc Liêu 'trùm mền' chuẩn bị đưa vào hoạt động

Ông Phan Thanh Duy - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - cho biết Tỉnh ủy Bạc Liêu đã chỉ đạo từ ngày 22/12 sẽ đưa vào hoạt động Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Bạc Liêu sau một thời gian dài chưa thể đưa vào hoạt động.
10:39 | 07/12/2022

Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Bạc Liêu sẽ đi vào hoạt động từ ngày 22/12/2022 sau hơn 1 năm xây xong nhưng chưa thể hoạt động

Theo ông Duy, hiện nay bệnh viện này còn vướng mắc gói trang thiết bị, trong đó có nhiều thiết bị đã được bàn giao nhưng chưa đảm bảo các điều kiện kỹ thuật. Giám đốc bệnh viện cũng đã nghỉ hưu và UBND tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy phân công phó giám đốc Sở Y tế phụ trách bệnh viện.

UBND tỉnh Bạc Liêu sẽ làm việc lại với nhà thầu, thiết bị nào đảm bảo đủ điều kiện sẽ bàn giao và thiết bị nào chưa đảm bảo thì đề nghị nhà thầu phải cung cấp các trang thiết bị đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.

Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Bạc Liêu do Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu làm chủ đầu tư, với kinh phí trên 200 tỉ đồng.

Bệnh viện gồm 3 khu, quy mô 1 trệt, 2 lầu với 100 giường bệnh; 3 xe cứu thương trị giá hơn 5 tỉ đồng, tổng cộng 143 cán bộ nhân viên, y, bác sĩ, điều dưỡng, nhưng hơn 1 năm qua họ chỉ đi tập huấn, đi học, thực tập, thao tác bảo trì thiết bị y tế vì bệnh viện xây xong nhưng chưa thể đi vào hoạt động…

Trước đó, tại dự án này, Sức Khỏe 24H đã có bài phản ánh việc "Ông lớn’ XNK Khoáng Sản (MINEXPORT) bán hàng trăm thiết bị y tế cho Bạc Liêu, giá có bị đẩy lên cao?". Cụ thể:

Theo Quyết định số 2416/QĐ-SYT ngày 13/8/2020 dó Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu Trần Hoài Đảo ký về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 11: Mua sắm và lắp đặt trang thiết bị thuộc Dự án Mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Chuyên khoa Lao.

Theo đó, nhà thầu duy nhất tham dự đấu thầu qua mạng và được lựa chọn trúng thầu là Công ty CP Xuất nhập khẩu khoáng sản (Minexport). Giá trúng thầu là 101,013 tỷ đồng (giảm được 862 triệu đồng, tỷ lệ tiết kiệm dưới 1%). Thời gian thực hiện hợp đồng là 180 ngày, loại hợp đồng trọn gói.

Có tất cả 154 mặt hàng, trong đó có các mặt hàng có giá trị lớn như xe ô tô cứu thương, hệ thống CT Scanner 16 lát cắt, máy xét nghiệm sinh hóa, máy X-Quang, máy siêu âm…

Theo tìm hiểu của phóng viên Sức Khỏe 24H, trong số 154 mặt hàng trang thiết bị y tế mà Sở Y tế Bạc Liêu mua của Công ty CP Xuất nhập khẩu khoáng sản (Minexport) thì một số mặt hàng (có giá trị lớn) đều có giá trúng thầu cao hơn so với giá niêm yết của các doanh nghiệp khác tại Bộ Y tế.

‘Ông lớn’ XNK Khoáng Sản (MINEXPORT) bán hàng trăm thiết bị y tế cho Bạc Liêu, giá có bị đẩy lên cao? - ảnh 2Quyết định phê duyệt do ông Trần Hoài Đảo, Phó giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu ký.

Cụ thể, máy xét nghiệm sinh hóa tự động có model: Dimension EXL 200, Hãng sản xuất: Siemens – Mỹ, có giá trúng thầu là 6.166.000.000 đồng. Tuy nhiên, khảo sát tại bảng giá niêm yết của Bộ Y tế thì sản phẩm này (trùng model, hãng sản xuất, xuất xứ) có giá chỉ là 5.400.000 đồng (bao gồm VAT, , tài liệu và dịch vụ sau bán hàng).

Máy X-quang di động, có model FDR Nano (DR-XD 1000), hãng sản xuất: Fujifil Corporation (Nhật Bản) có giá trúng thầu là 4.866.000.000 đồng. Tuy nhiên, khảo sát tại bảng giá niêm yết của Bộ Y tế thì sản phẩm này (trùng model, hãng sản xuất, xuất xứ) có giá chỉ là 4.000.000.000 đồng (bao gồm VAT, tài liệu và dịch vụ sau bán hàng).

Máy siêu âm màu 4D, model: LIGIQ P7, Hãng sản xuất: GE, Hàn Quốc (Nhà máy GE tại Hàn Quốc) có giá bán là 2.700.550.000 đồng. Tuy nhiên, cũng dòng máy này (cùng model, hãng sản xuất, xuất xứ…) trên cổng thông tin của Bộ Y tế chỉ có giá bán 2.350.000.000 đồng (đối với loại doppler màu 4D kèm 02 đầu dò) và 2.600.000.000 đồng (đối với loại doppler màu 4D kèm 04 đầu dò).

Máy X-Quang 500mA, model: Multix Impact, hãng sản xuất: Siemens, xuất xứ Trung Quốc có giá trúng thầu là 5.523.000.000 đồng. Tuy nhiên, cũng dòng máy này (cùng model, hãng sản xuất, xuất xứ…) trên cổng thông tin của Bộ Y tế chỉ có giá 4.900.000.000 đồng (bao gồm thuế VAT, tài liệu và các dịch vụ sau bán hàng);

Hệ thống CT Scanner 16 lát cắt, model: TSX-035A (Aquilion Lightning), hãng sản xuất: Canon Medical, xuất xứ Nhật Bản có giá  trúng thầu là 16.180.000.000 đồng. Tuy nhiên, loại máy trùng với thông tin này (Hệ thống CT Scanner 16 lát cắt, hãng sản xuất: Canon Medical Systems Corporation, nước sản xuất: Nhật Bản…) trên cổng thông tin của Bộ Y tế đang công khai giá là 12.500.000.000 đồng (bao gồm VAT, tài liệu hướng dẫn và các dịch vụ sau bán hàng).

Điều khó hiểu nữa là vào ngày 31/12/2020 vừa qua, Công ty Khoáng Sản (Minexport) bán Hệ thống CT-Scanner 128 lát cắt/vòng quay, chủng loại: SOMATOM go.Top, Hãng sản xuất máy chính: Siemens Healthcare GmbH, xuất xứ máy chính từ CHLB Đức cho Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam Cu Ba Đồng Hới với giá chỉ có 19.124.000.000 đồng. Không hiểu sao, Sở Y tế Bạc Liêu lại phải mua CT-Scanner 16 lát cắt (cấu hình, tính năng thấp hơn 128 rất nhiều) có giá tới gần 16,2 tỷ đồng (?!).

Còn nếu chỉ so sánh giá Hệ thống CT Scanner 16 lát cắt xuất xứ từ Đức (Siemens Healthcare CmbH) mà Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng mua chỉ có giá 8.200.000.000 đồng; Bệnh viện Tai mũi họng TP.Cần Thơ cũng mua hệ thống CT Scanner 16 lát cắt có giá 5.860.000.000 đồng; Bệnh viện Nhân dân 115 cũng mua Hệ thống CT Scanner 16 lát cắt (sản xuất bởi GE Healthcare – Mỹ, xuất xứ Nhật Bản) chỉ có giá 11.849.495.000 đồng; Bệnh viện Đa khoa Lệ Thủy (Quảng Bình) cũng mua máy CT Scanner 16 lát cắt (sản xuất bởi hãng GE- Mỹ, xuất xứ Ấn Độ) có giá 6,1 tỷ đồng

Công ty CP Xuất nhập khẩu khoáng sản (Minexport) thành lập từ năm 2006, có địa chỉ đăng ký tại số 28, phố Bà Triệu, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Người đại diện pháp luật của Minexport hiện nay là bà ĐẶNG THU TRANG.

Sức Khỏe 24H sẽ tiếp tục thông tin!

comment Bình luận