2 lần Cục ATTP cảnh báo, thực phẩm Navigout vẫn được quảng cáo có nội dung lừa dối

Bỏ qua nhiều lần cảnh báo từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thực phẩm chức năng Navigout tiếp tục quảng cáo sai sự thật trên nhiều website với công dụng như một "thần dược".
14:02 | 17/08/2020

"Bài thảo dược giúp "xóa sổ" gout lâu năm, teo hẳn cục tophi (to phì - PV) ngay tại nhà được VTV2 và BYT (Bộ Y tế - PV) kiểm chứng" là những gì website có tên miền: https://suckhoe.yhocbonphuong.online/chua-khoi-benh-gout?utm_source=dable&utm_medium=chan_xuong_rong&utm_campaign=chan_xuong_rong&utm_content=%5B%C4%90%C3%A3%20sao%20ch%C3%A9p%5D%20X%C3%B3a%20s%E1%BB%95 đang quảng cáo rầm rộ nhiều tháng qua.

Nội dung quảng cáo phóng đại công dụng của thực phẩm chức năng.

Quảng cáo Navigout gây hiểu nhầm là thuốc “thần kỳ” chữa gout

Lấy một nhân vật không biết có thật hay không để đánh vào tâm lý: “có bệnh phải vái tứ phương” của người bị Gout

Website này dẫn chứng một người có tên Lê Văn Thọ đã chữa khỏi gout với nội dung: “Gặp chú Lê Văn Thọ - Một quân nhân đã về hưu 10 năm chia sẻ câu chuyện về điều kì diệu giúp chú không còn lo nghĩ về "thống phong" mãn tính, đi khám khắp nơi hầu như đều lắc đầu, bó tay. Cứ nghĩ là chỉ có khi phải ... cắt bỏ chân đi mới hết được thì tình cờ gặp bài thảo dược quý. Đúng là cả đời gặp đông ghé tây cũng không bằng một ngày gặp bài thảo dược này. Chú Thọ bần thần kể lại :"Ngày vui uống có chút rượu vào mà tối về cái nói đau nhức không sao chịu nổi, cũng thử đắp cao xoa bóp các kiểu mà không ăn thua, nó còn nổi cả hạt to bằng nắm tay quanh các khớp, thế mà sau 3 tháng các cục teo dần lại, tan hết ra. Tới 5 tháng sử dụng là đi lại khỏe như vâm, đi gặp bạn bè trang lứa cũng tự tin hẳn, ở cái tuổi này rồi mà ở nhà đón thì có mà ... chết dở...".

Ngoài ra, còn chụp lại hình ảnh đôi chân trước và sau khi sử dụng Navigout nhằm mục đích lôi cuốn, kích thích sự tin tưởng và khách hàng nhanh chóng đặt hàng. Đánh vào tâm lý: “có bệnh phải vái tứ phương” của người bị Gout.

Trên thực tế, gout là bệnh mạn tính, hiện tại chưa có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn mà các phương pháp chủ yếu giúp kiểm soát nồng độ axit uric máu, giảm cơn đau gút và ngăn ngừa tái phát. Tuy nhiên, ở đây Navigout được khẳng định có thể xóa sổ gout lâu năm và được VTV2 cũng Bộ Y tế kiểm chứng.

Sử dụng nghệ sĩ – diễn viên, tiến sĩ nhằm thổi phồng, lừa dối người bệnh về công dụng của sản phẩm

Tại website có đường link: http://goutvn.khopchackhoe.com/ do Cục ATTP cảnh báo đang đưa hình ảnh người đàn ông có tên Tiến sỹ Nguyễn Hồng Siêm để thổi phồng Navigout.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhiều lần cho biết, phần lớn quảng cáo thực phẩm chức năng/TPBVSK qua mạng xã hội không đúng sự thật. Để nhận diện vi phạm quảng cáo, nếu thấy bất cứ một trong những dấu hiệu sau, người tiêu dùng có quyền nghi ngờ về sai phạm quảng cáo.

Họ lấy danh nghĩa bài thuốc Đông y, lang y nhưng thực chất đó là thực phẩm để quảng cáo chữa khỏi bệnh nọ bệnh kia là quảng cáo sai sự thật. Dùng thư, lời cảm ơn, phát biểu của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm chức năng.

Quảng cáo thực phẩm chức năng nhưng lại khẳng định chữa dứt điểm bệnh nọ, bệnh kia, quảng cáo "đẩy lùi" bệnh tật...

Ngoài ra, còn sử dụng hình ảnh của NSND, diễn viên để thổi phồng, lừa dối người bệnh về công dụng của sản phẩm. Cụ thể là NSND Chí Trung và Diễn viên Hoàng Khái

Trong CLIP quảng cáo, NSND Chí Trung khẳng định: “Trước bị Gout thì không biết đâu là mặt trời đâu là mặt trăng, nhưng kể từ khi có Navigout thì tôi đã nhìn rõ mặt trăng và mặt trời. Uống tuần đầu tiên thấy đỡ hẳn, tôi uống 2 tháng tiếp theo…”

Các nhà khoa học đã chứng minh, đối với một thực phẩm chức năng, dù dành cho người tiểu đường hay người bệnh xương khớp hay người bệnh gout,… thì cũng chỉ có tác dụng cung cấp các chất dinh dưỡng như các vitamin có trong hoa quả, rau củ,… phù hợp cho cơ thể người bệnh và tăng cường các chức năng của cơ thể con người, giúp giảm cholesterol, giảm HA, chống táo bón, cải thiện hệ tiêu hóa… chứ không có tác dụng “xóa sổ” bất kỳ một loại bệnh nào, nhất là bệnh nan y như gout, tiểu đường.

2 lần Cục ATTP lên tiếng cảnh báo

Cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2020, Cục đã liên tiếp cảnh báo thực phẩm này đang quảng cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến kinh tế và sức khỏe người tiêu dùng trên nhiều website.

Được biết, Thực phẩm chức năng Navigout thuộc công ty TNHH thương mại IAC có địa chỉ tại số nhà 31, ngõ 186, đường Khương Trung, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Tp. Hà Nội. Được thành lập vào cuối tháng 7/2017 do ông Dương Sĩ Quân làm đại diện pháp luật.

Cụ thể, Cục nêu rõ các website sau: http://goutvn.khopchackhoe.com/, http://benhgut.biquyetsongkhoe.asia/1?gclid=EAIaIQobChMI0baDytDz6AIVCVZgCh3YWAQ1EAAYBCAAEgLUpPD_BwE, https://dongy.thaythuocgiadinh.online/navigout?gclid=EAIaIQobChMI_oK1lNDz6AIVD9iWCh2bHAUOEAAYASAAEgKSt_D_BwE.

Đồng thời khẳng định đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm nêu trên.

Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có một thông tin phản hồi, công bố nào được đưa ra mà Navigout vẫn ngang nhiên quảng cáo khống tại đây.

Liệu chế tài như hiện tại có đủ sức răn đe đối với Navigout khi còn rất nhiều những website quảng cáo sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng tương tự?

Cũng theo ông Phong: “Việc lừa dối quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, là những hành vi bất chấp luân thường đạo lý. Vì tin vào quảng cáo thực phẩm chức năng có thể chữa được bệnh nên người bệnh không đến bệnh viện, không chữa trị theo phác đồ Bộ Y tế hướng dẫn. Khi dùng thực phẩm chức năng không khỏi, người bệnh quay lại bệnh viện thì đã quá muộn, bệnh đã ở giai đoạn muộn, can thiệp cũng không còn hiệu quả cao”.

Liên quan đến những sản phẩm vi phạm quảng cáo xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội gần đây. Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các báo, đài, trên môi trường mạng.

Bộ Y tế đề nghị nhận được sự phối hợp của Bộ Công an chỉ đạo xử lý các vụ việc vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có dấu hiệu hình sự, quảng cáo gian dối thực phẩm chức năng xâm phạm lợi ích người tiêu dùng theo Điều 197, Bộ luật Hình sự năm 2015.

comment Bình luận