ADIVA: “28 ngày trẻ hóa” hay 28 ngày đánh tráo niềm tin người tiêu dùng?

Thương hiệu Adiva nhiều năm qua được biết đến như một biểu tượng làm đẹp nội tiết tố với collagen uống – sản phẩm được quảng cáo có khả năng trẻ hóa, làm trắng, cải thiện nội tiết và ngăn ngừa lão hóa.
16:27 | 26/05/2025
1

Nước uống làm đẹp Adiva Gold, dòng sản phẩm chủ lực của thương hiệu Adiva, được định vị là giải pháp đa chức năng: vừa trắng da, giảm nhăn, phục hồi da tổn thương, vừa hỗ trợ thần kinh – ngủ ngon – điều hòa nội tiết tố. Các nội dung quảng cáo xuất hiện dày đặc trên TikTok, Shopee, Facebook... kèm slogan “28 ngày phục hồi toàn diện”, “Tăng sinh collagen 65%, giảm nhăn vùng mắt 32%, tăng độ đàn hồi 10%”... kèm theo hàng loạt chỉ số ấn tượng; với các cụm từ được lặp đi lặp lại như: “được kiểm nghiệm lâm sàng tại Đức”, “nhập khẩu 100% collagen Đức”, “đạt chuẩn FDA Hoa Kỳ”, “được chuyên gia và bác sĩ da liễu khuyên dùng”...

Tuy nhiên, khi kiểm tra, rà soát thành phần, các văn bản công bố pháp lý và nội dung quảng cáo, Phóng viên nhận thấy, toàn bộ dữ liệu công khai của Adiva đều không có bất kỳ chứng từ khoa học, nghiên cứu y khoa hay giấy phép FDA nào được công bố chính thức trên website hoặc sản phẩm; từ đó làm dấy nên nghi ngờ về những dấu hiệu sai phạm của nhãn hàng như: công bố mập mờ, ghi nhãn gây hiểu lầm, gán ghép công dụng điều trị...

2

Hành vi gán công dụng điều trị cho thực phẩm chức năng là hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 20 Luật Quảng cáo, và Khoản 5 Điều 27 Luật Quảng cáo sửa đổi 2024

Cụ thể, trên bao bì sant phẩm ghi rõ: mỗi chai 30ml chứa Bioactive Collagen Peptide 2500mg, kết hợp một số thành phần như: GABA (50mg), L-Theanine (150mg), Hồng sâm (2500 µg), Coenzyme Q10 (3000 µg), Ceramide (600 µg), vitamin nhóm B, D và một số khoáng chất. Theo một số chuyên gia về y tế, hàm lượng collagen 2500mg/ngày là quá thấp để tạo ra hiệu ứng sinh học mạnh mẽ như quảng cáo, khi mà các nghiên cứu lâm sàng quốc tế chỉ ra cần tối thiểu 5000–10.000mg/ngày trong 8–12 tuần mới đạt cải thiện nếp nhăn rõ rệt.

Ngoài ra, con số như “giảm nhăn 32%”, “tăng sinh elastin 18%” xuất hiện tràn lan nhưng không có trích dẫn nguồn nghiên cứu, không đính kèm tài liệu y học.

Mặc dù sản phẩm Adiva Gold được ghi nhãn là “nước uống làm đẹp”; tuy nhiên trong mô tả lại khẳng định khả năng phục hồi tổn thương da do tia UV, cải thiện hệ thần kinh, tăng tuần hoàn máu, điều hòa nội tiết tố nữ – những chức năng vốn thuộc về thuốc hoặc thực phẩm kê đơn (?).

Theo quy định tại Điều 6 Luật Dược 2016, chỉ thuốc mới được phép mô tả tác dụng điều trị bệnh, phòng ngừa hoặc điều chỉnh chức năng sinh lý. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe như Adiva chỉ được giới hạn trong mô tả “hỗ trợ”. Do đó, các hành vi như: “trị nám từ bên trong”, “trẻ hóa tế bào da”, “ngủ sâu giấc”, “phục hồi thần kinh”, “tăng hormone nữ” nếu bị xác định là quảng cáo gian dối, có thể bị xử phạt tới 100 triệu đồng theo Điều 51 và 52 Nghị định 128/2023/NĐ-CP.

4

Được biết, thương hiệu Adiva do Công ty Cổ phần Dược phẩm Trí Tín phân phối. Dù được quảng bá “công nghệ Đức – tiêu chuẩn châu Âu – chứng nhận FDA” nhưng hồ sơ công bố sản phẩm tại Cục An toàn thực phẩm lại không ghi rõ tên nhà máy sản xuất ở Đức, không có mã số giấy phép FDA Hoa Kỳ, và chỉ ghi “sản xuất tại Việt Nam theo tiêu chuẩn Đức” (???). Có thể coi đây là cách ghi nhãn “lập lờ”, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc theo quy định tại Điều 44 Nghị định 128, có thể bị buộc thu hồi sản phẩm nếu bị xác định là vi phạm.

Ngoài ra, việc công bố sản phẩm với liều lượng không đạt hiệu quả như quảng cáo, không trích nguồn khoa học, và sử dụng hàng loạt chỉ số lâm sàng bịa đặt là hành vi cố ý quảng cáo sai sự thật, có thể làm căn cứ xử phạt bổ sung: đình chỉ quảng cáo, buộc cải chính và bị xem xét vi phạm nghiêm trọng về đạo đức kinh doanh.

Trong các TVC, Shopee Ads và banner khuyến mãi, một người phụ nữ mặc áo blouse trắng, tự xưng là “Bác sĩ Huyền” xuất hiện cùng cúp vàng, giấy chứng nhận, kèm khẳng định: “sản phẩm đã qua kiểm nghiệm, hiệu quả sau 28 ngày, được chuyên gia da liễu công nhận”. Tuy nhiên, không có xác nhận nào từ Bộ Y tế hoặc bất kỳ hiệp hội da liễu nào về danh tính người này. Hành vi sử dụng hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế để quảng bá thực phẩm chức năng là bị nghiêm cấm, trừ khi có văn bản chứng minh họ là chuyên gia trong lĩnh vực đó và nội dung quảng cáo đã được Cục An toàn thực phẩm phê duyệt (theo quy định Điều 12 Nghị định 128/2023/NĐ-CP). Thậm chí, nếu xác minh người quảng cáo chỉ là diễn viên hóa trang, còn có thể xem xét đến hành vi mạo danh cán bộ y tế, có thể xem xét xử phạt đến 100 triệu đồng, buộc gỡ toàn bộ nội dung quảng cáo.

Được biết, năm 2025, Adiva công bố Hoa hậu Hòa bình Việt Nam Quế Anh là đại sứ thương hiệu. Trên toàn bộ nền tảng bán hàng Shopee và mạng xã hội của Adiva, hình ảnh hoa hậu mặc váy dạ hội vàng, đầu đội vương miện, tay cầm sản phẩm quảng bá cho sản phẩm: “chỉ 38.000 đồng mỗi ngày là có thể chinh phục đỉnh cao nhan sắc”.

Việc hình ảnh hoa hậu quảng bá sản phẩm collagen, nhưng chưa có văn bản nào của cơ quan chức năng phê duyệt hiệu quả sản phẩm cũng đồng nghĩa với việc những khẳng định của cô hoa hậu này về bí quyết giữ nhan sắc của mình bằng liệu pháp làm đẹp của Adiva là chưa được kiểm chứng. Trường hợp Quế Anh không chứng minh được các phát ngôn quảng cáo của mình đã được cơ quan chức năng phê duyệt, có dấu hiệu vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều 12 Nghị định 128/2023/NĐ-CP về trách nhiệm pháp lý của người nổi tiếng trong quảng cáo thực phẩm; có thể bị xử phạt hành chính đến 100 triệu đồng và bị cấm tham gia hoạt động quảng bá cho sản phẩm sức khỏe trong một thời hạn nhất định.

Có thể thấy, chiến lược truyền thông của Adiva cũng tương tự như chiến lược của một số nhãn hàng của các đơn vị khác trên thị trường thời gian qua: Đặt tên gọi sản phẩm mỹ miều – sử dụng hình ảnh người nổi tiếng quảng cáo – nội dung quảng cáo “lập lờ” khiến người tiêu dùng không phân biệt được đâu là thuốc, đâu là thực phẩm chức năng.. với những cam kết kèm những con số thống kê tác dụng, hiệu quả vượt trội... Đằng sau đó, có thể là hàng loạt rủi ro tiềm tàng mà người tiêu dùng phải gánh chịu.

Để đảm bảo an toàn, tính mạng, sức khoẻ cho cộng đồng, Tạp chí Sức khỏe Cộng đồng đề nghị các cơ quan chức năng như Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), Bộ TT&TT khẩn trương rà soát, kiểm tra toàn bộ hồ sơ công bố, tiêu chuẩn nhập khẩu, giấy phép quảng cáo của chuỗi sản phẩm Adiva Gold; kiểm tra việc ghi nhãn có thể gây hiểu lầm và những dấu hiệu của hành vi lừa dối người tiêu dùng. 

Ngọc Thành

Từ khóa Từ khóa:
ADIVA
comment Bình luận