Vì sao Bộ Y tế không 'quản' giá test xét nghiệm Covid-19?

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: Đơn vị sản xuất/nhập khẩu, thông tin tóm tắt hiệu năng sản phẩm, khả năng cung ứng và giá bán do đơn vị sản xuất, cung ứng tự công bố và chịu trách nhiệm.
22:05 | 28/09/2021

Chiều tối 28/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, giá test xét nghiệm Covid-19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bộ Y tế cũng đang xây dựng dự thảo thông tư đề nghị đưa test xét nghiệm Covid-19 vào mặt hàng bình ổn giá.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, giá test xét nghiệm Covid-19 (test xét nghiệm virus SARS-CoV-2) phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Cụ thể: Nếu test có tiêu chuẩn của WHO thì giá cao so với tiêu chuẩn của nhà sản xuất; Nếu test có xuất xứ ở các quốc gia Âu- Mỹ thì thường đắt hơn nơi khác;

giai đoạn cao điểm dịch gia tăng, nhà cung ứng ít thì đương nhiên giá sẽ cao hơn so với thời điểm dịch bệnh giảm, ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối, nhập khẩu và đơn vị trong nước sản xuất được test xét nghiệm và bán phi lợi nhuận.

Do đó, Bộ Y tế cũng đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị y tế công lập thực hiện xét nghiệm điều chỉnh giá xét nghiệm Covid-19 theo từng giai đoạn.

Bộ Y tế lý giải giá test xét nghiệm Covid-19 khác nhau - Ảnh 1.

Lấy mẫu xét nghiệm test nhanh tại TP.HCM. Ảnh HCDC

Cụ thể, trước ngày 1/7/2021, căn cứ thông tư 13, 14, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ đưa ra hướng dẫn về giá xét nghiệm test nhanh là 238.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm, test Real-time PCR là 734.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm.

Từ ngày 1/7/2021, đối với test nhanh, do nhiều công ty nhập test và trong nước cũng đã sản xuất được test xét nghiệm nên dải giá test rất khác nhau, Bộ Y tế đã có yêu cầu thực hiện thực thanh thực chi: thanh toán theo kết quả đấu thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật đấu thầu.

"Hiện nay, Bộ Y tế đã hoàn thiện các loại định mức xét nghiệm và đã dự thảo Thông tư về mức giá xét nghiệm xin ý kiến các Bộ, đơn vị để ban hành. Đồng thời, Bộ Y tế đang tổng hợp ý kiến để đề nghị đưa test xét nghiệm Covid-19 vào mặt hàng bình ổn giá do chưa được quy định trong luật", Thứ trưởng Thuấn cho viết.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, tính đến nay, Bộ Y tế đã cấp phép cho 97 test xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó 35 test xét nghiệm Real-time PCR, 39 test xét nghiệm kháng nguyên (33 test nhanh và 6 test chạy cùng máy xét nghiệm), 23 test xét nghiệm kháng thể (4 test nhanh và 19 test chạy máy).

Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế đã tổng hợp và thường xuyên cập nhật hằng tuần và thực hiện công bố danh sách sinh phẩm/trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm SARS-CoV-2 đã được cấp số đăng ký lưu hành, cấp giấy phép nhập khẩu kèm theo thông tin về:

"Đơn vị sản xuất/nhập khẩu, thông tin tóm tắt hiệu năng sản phẩm, khả năng cung ứng và giá bán do đơn vị sản xuất, cung ứng tự công bố và chịu trách nhiệm", Thứ trưởng Thuấn cho biết.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng cho biết, cho đến nay, Bộ Y tế chủ yếu là xây dựng hướng dẫn chuyên môn, cấp phép cho các loại xét nghiệm, đồng thời tham gia công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm chuẩn và chủ yếu các vật tư, sinh phẩm y tế, test kit xét nghiệm nhanh, test Real- time PCR qua các nguồn tài trợ, viện trợ hợp pháp.

Bộ Y tế chưa mua sắm mặt hàng này, việc đấu thầu, thực hiện mua sinh phẩm, test kit chủ yếu do các địa phương thực hiện.

Trước đó, Bộ Y tế đã có công văn số 6547/BYT-TB-CT gửi các đơn vị sản xuất, nhập khẩu và cung ứng trang thiết bị y tế đề nghị: Nghiêm cấm việc tăng giá tùy tiện hoặc đầu cơ, tích trữ; Nghiêm túc thực hiện việc cập nhật, rà soát, công khai minh bạch về giá trang thiết bị y tế.

Trường hợp bất khả kháng có biến động về giá (nếu có) do ảnh hưởng của dịch bệnh, đề nghị các đơn vị chủ động, cập nhật và chịu trách nhiệm về giá (ghi chú rõ lý do việc điều chỉnh giá) để các cơ sở y tế, bệnh viện, địa phương có cơ sở tham khảo, tổ chức triển khai việc mua sắm theo quy định.

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương ngày 26/9, ông Đặng Hồng Anh, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, cho biết trong công tác phòng chống dịch, ngoài công sức còn tốn kém rất nhiều chi phí, trong đó có chi phí xét nghiệm nhanh.

Vì vậy, ông Hồng Anh đề xuất, cũng giống như vắc xin, Bộ Y tế chủ trì cùng các địa phương đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất bộ test xét nghiệm nhanh để mua số lượng lớn đến 100 triệu bộ với chi phí gốc.

“Theo tôi được biết giá mua tại nước ngoài về chỉ khoảng 1,5 USD/test (khoảng 35.000 đồng - PV). Nếu mua được giá gốc với số lượng lớn thì có thể tiết kiệm được cho ngân sách hàng nghìn tỉ đồng”, ông Hồng Anh nói.

Cũng theo ông Hồng Anh, hiện nay các các tỉnh thành đang đấu thầu giá 60.000 - 70.000 đồng/bộ thì dẫn đến rất lãng phí tiền của và đề nghị Thủ tướng Chính phủ lưu ý việc này.

Chia sẻ với báo chí ngay sau cuộc họp, ông Đặng Hồng Anh cho biết thêm, giá 1,5 USD/test ông nói là giá mua tại nước ngoài, nếu tính chi phí về đến Việt Nam (kể cả tiền kho bãi và các chi phí khác) mỗi test giá cũng chỉ khoảng 50.000 đồng.

 

comment Bình luận