TP HCM nỗ lực ngăn chặn biến thể Omicron

Hiện biến thể Omicron chưa được ghi nhận trên địa bàn TP HCM, song thành phố đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn biến thể này
15:38 | 07/12/2021

Sáng 6/12, UBND TP HCM có thông báo về cấp độ dịch trên địa bàn thành phố theo Nghị quyết 128. Theo đó, dịch tại TP HCM vẫn đạt cấp độ 2 là "vùng vàng" - nguy cơ trung bình. Đáng chú ý, TP HCM có 3 quận, huyện tăng cấp độ dịch so với tuần trước.

TP HCM chưa ghi nhận biến thể Omicron

Cụ thể, có 8/22 địa phương đạt cấp 1 là "vùng xanh" - nguy cơ thấp, gồm các quận 1, 6, 7, 8, Tân Bình, Tân Phú, huyện Bình Chánh, Củ Chi. 13/22 địa phương ở cấp 2 là các quận 3, 5, 10, 11, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, TP Thủ Đức, huyện Cần Giờ, Hóc Môn, Nhà Bè. Riêng quận 4 là địa phương duy nhất ở cấp độ 3 là vùng cam - nguy cơ cao.

Chiều cùng ngày, tại cuộc họp báo định kỳ về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), cho biết hiện tại biến thể Omicron chưa được ghi nhận trên địa bàn thành phố.

Theo ông Tâm, thành phố đã có nhiều giải pháp ngăn chặn biến thể này. Cụ thể, giải pháp hàng đầu là ngăn chặn từ biên giới và xuất nhập cảnh. "Hiện TP HCM có 2 nơi nhập cảnh có kiểm soát gồm sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Sài Gòn. Tại đây, người nhập cảnh sẽ được kiểm soát chặt. Với người nhập cảnh, nếu đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin và kết quả xét nghiệm âm tính thì sẽ thực hiện cách ly tập trung 7 ngày và cách ly thêm tại nhà 7 ngày. Đối với người nhập cảnh bằng đường hàng hải, phải cách ly trên tàu 7 ngày, nếu di chuyển lên bờ thì quy trình cách ly giống với người nhập cảnh tại sân bay" - ông Tâm nói.

TP HCM nỗ lực ngăn chặn biến thể Omicron - Ảnh 1.

Sáng 6-12, học sinh lớp 12 trên địa bàn TP Hà Nội đi học trở lại Ảnh: NGÔ NHUNG

Ông Tâm cho biết khó khăn lớn nhất của TP HCM trong kiểm soát biến thể này là các trường hợp người nhập cảnh "chui" bằng đường bộ, qua các tỉnh giáp biên giới để vào thành phố. Về vấn đề này, ngành y tế sẽ tích cực phối hợp với công an địa phương để rà soát, cách ly và tiến hành giải trình tự gien nếu phát hiện người nhập cảnh "chui" dương tính.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM, cho biết Sở Y tế phối hợp với Bộ Tư lệnh và UBND TP HCM để xây dựng thế trận nhận diện từ xa Covid-19, ngăn chặn biến thể Omicron tại thành phố.

"Thành phố thành lập một khu riêng để chăm sóc, điều trị khi phát hiện người mắc biến thể Omicron, không lưu bệnh chung với bệnh nhân Covid-19 trước đó. Dự kiến, Bệnh viện dã chiến số 12 (TP Thủ Đức, TP HCM) sẽ là nơi điều trị F0 nhiễm biến thể Omicron trên địa bàn thành phố. Nơi này tương đối biệt lập, ít người dân, để có thể phân loại từng nhóm nguy cơ" - bà Mai thông tin.

Bảo đảm an toàn cho học sinh

Cũng tại buổi họp báo, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, cho biết theo kế hoạch, ngày 13-12, học sinh (HS) sẽ quay lại học trực tiếp, tuy nhiên 70% phụ huynh không đồng ý cho HS lớp 1 đến trường. Nguyên nhân do phụ huynh lo lắng khi tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp.

Theo ông Dũng, để phụ huynh yên tâm khi con em mình đến trường, Sở GD-ĐT đã phối hợp ngành y tế bảo đảm các kế hoạch an toàn cụ thể cho từng nhóm đối tượng HS. "Các trường học, địa phương cần phải tuyên truyền hơn nữa với phụ huynh về cơ sở vật chất bảo đảm an toàn để phụ huynh yên tâm. Làm sao để sự lo lắng của phụ huynh biến thành động lực, hỗ trợ ngành GD-ĐT khi HS đi học trở lại" - ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Dũng cũng cho biết Sở GD-ĐT đã chuẩn bị phương án đi học, kế hoạch học tập trở lại cụ thể sau khi có kế hoạch của UBND TP HCM cho phép một số cấp lớp đến trường với từng cấp học, bậc học cụ thể.

Tại TP Hà Nội, ngày 6-12, HS lớp 12 của các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên của 30 quận - huyện, thị xã thuộc thành phố chính thức trở lại trường học sau thời gian học trực tuyến. Tổng hợp thông tin từ các đoàn kiểm tra cho thấy buổi học đầu tiên của HS lớp 12 diễn ra suôn sẻ. Các trường học duy trì nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, từ lúc đón HS vào học đến khi các em rời trường. Theo báo cáo nhanh, tình hình sức khỏe của cán bộ, giáo viên, nhân viên và HS của các đơn vị, trường học đều ổn định, chưa ghi nhận trường hợp nào có biểu hiện bất thường về sức khỏe liên quan đến dịch Covid-19.

Cùng ngày, TP Đà Nẵng chính thức tổ chức cho 3 khối lớp 1, 8 và 9 đến trường học trực tiếp buổi đầu tiên sau thời gian nghỉ do dịch Covid-19. Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, trong ngày học đầu tiên, khối lớp 1 chỉ có gần 65% HS đến trường.

Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, cho biết tỉ lệ HS lớp 1 đến trường thấp một phần do tâm lý phụ huynh, một phần có nhiều trường học nằm trong khu vực "vùng cam" chưa được tổ chức học trực tiếp. Đối với khối 8 và 9 thì tỉ lệ HS đến trường đạt 96%.

Hiện TP Đà Nẵng đã tổ chức học trực tiếp đối với toàn bộ khối lớp thuộc bậc THPT và 3 khối lớp nói trên. Các khối còn lại thuộc bậc tiểu học và THCS vẫn đang tổ chức học trực tuyến. Riêng đối với các trường học nằm ở địa bàn phường "vùng cam" thì tiếp tục học trực tuyến.

Bộ Y tế cho biết ngày 6-12, nước ta ghi nhận 14.591 ca mắc Covid-19 tại 59 tỉnh, thành; trong đó có 8.227 ca ở cộng đồng. Trong ngày, có 1.130 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số bệnh nhân khỏi bệnh lên 1.010.407 ca.

39 cán bộ quân y hỗ trợ Cần Thơ chống dịch

Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ ngày 6-12 đã tổ chức đón 24 cán bộ, học viên của Bệnh viện Quân y 354 (Tổng cục Hậu cần - Bộ Quốc phòng) hỗ trợ bệnh viện trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Trong đợt chi viện cho Cần Thơ lần này, đội ngũ quân y được tăng cường cho thành phố gồm 39 người có kinh nghiệm trong công tác phòng chống và điều trị Covid-19. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ gồm 24 nhân sự; các y - bác sĩ còn lại được chi viện cho Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Đa khoa Thốt Nốt.

C.Linh

HẢI YẾN - LAN ANH - BÍCH VÂN/NLĐ

comment Bình luận