Thiếu thuốc hiếm để giải độc cứu bệnh nhân, Bộ Y tế giải quyết thế nào?

Nguồn dự trữ thuốc giải độc Botulinum - một loại thuốc hiếm - đã hết nên tính mạng của các bệnh nhân đang "ngàn cân treo sợi tóc".
15:37 | 22/05/2023

Thuốc BAT giải độc botulinum- một loại thuốc hiếm, có giá nhập khẩu lên đến 8.000 USD/lọ. Nguồn ảnh: Bệnh viện Nhi đồng 2

Không mua được thuốc hiếm giải độc thì phải nhờ hỗ trợ từ WHO

Những ngày qua, TP.Hồ Chí Minh liên tiếp xuất hiện chùm ca bệnh liên quan đến ngộ độc Botulinum. Đây là chất kịch độc, phải có thuốc BAT để giải độc nhưng đây lại là loại thuốc rất hiếm, nguồn dự trữ thuốc này đã hết nên tính mạng các bệnh nhân nhiễm loại kịch độc này đang rất mong manh.

Theo TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Trưởng đơn vị Hồi sức Chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), ngộ độc Botulinum là do một loại vi khuẩn Botulinum gây ra, vi khuẩn này sống trong yếm khí, có nghĩa là môi trường không có không khí, nồng độ oxy rất thấp thì con vi khuẩn này mới hoạt động được.

Hiện nay, thuốc duy nhất trung hòa độc tố botulinum là thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT). Tuy nhiên, đây là loại thuốc rất hiếm và đắt đỏ, chỉ có một hãng dược ở Canada sản xuất và có giá lên đến 8000 USD/lọ.

Về vấn đề này, đại diện Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cho biết, thuốc giải độc tố Botulinum là loại thuốc rất hiếm. Do mỗi năm cả nước chỉ có vài ca bệnh nên các bệnh viện thường không dự trù đủ. Tuy nhiên nguồn cung thuốc giải độc tố Botulinum vẫn có, các bệnh viện sẽ liên hệ để đặt hàng.

Theo đó, Cục Quản lý Dược đã nhận được thông tin về việc Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) đang tạm hết thuốc giải độc tố Botulinum.

Ngay sau đó, Cục đã liên hệ với nhà nhập khẩu là Công ty CPC1 và được biết Bệnh viện Chợ Rẫy đã trao đổi với công ty về việc đặt hàng.

"Phía nhà nhập khẩu cũng đã liên hệ với nhà cung cứng phía nước ngoài để làm các thủ tục nhập khẩu"- đại diện Cục Quản lý Dược nói.

Đại diện Cục Quản lý Dược cũng cho biết thêm: Cục cũng đã liên hệ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong tình huống không mua được thuốc sẽ nhờ hỗ trợ từ WHO.

Tình trạng thiếu một số thuốc, sinh phẩm thuộc danh mục thuốc hiếm là tình trạng diễn ra không phải lần đầu và không chỉ diễn ra tại một bệnh viện.

Các bác sĩ trực tiếp cứu chữa người bệnh chỉ biết thở dài, lắc đầu vì tình trạng này đã nhiều lần xảy ra mà chưa có giải pháp để xử lý.

Vấn đề này khiến cho người bệnh lao đao, chỉ biết nằm chờ thuốc, thậm chí đã có những trường hợp không thể chờ vì tình trạng quá nặng. Không ít chuyên gia đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề này.

Cần cơ chế đặc thù về tài chính để giải quyết vấn đề thiếu thuốc hiếm

Liên quan đến tình trạng thiếu thuốc hiếm đã nhiều lần diễn ra, trả lời báo chí, ông Lê Việt Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược - cho biết hiện nay, việc mua sắm thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm vẫn được thực hiện bởi các cơ sở khám chữa bệnh, theo quy định về mua sắm, đấu thầu thuốc.

Về cơ bản, nguồn cung tổng thể với các thuốc hiếm là không thiếu, chỉ thiếu ở một số cơ sở y tế do còn tồn tại các khó khăn trong công tác dự trù, xác định nhu cầu do phụ thuộc vào tình hình bệnh tật phát sinh của từng năm và trong công tác thực hiện mua sắm (thời gian thực hiện mua sắm kéo dài dẫn đến thiếu tính kịp thời trong mua sắm).

Có những loại thuốc hiếm nhiều năm không sử dụng đến, không dự trù mua sắm dẫn đến khi có phát sinh bệnh tật mới mua sắm thì không kịp.

Ngoài ra, thực tế ghi nhận một số thuốc hiếm được cơ sở y tế mua về không sử dụng hết do không có đủ bệnh nhân, phải hủy bỏ khi thuốc hết hạn.

Các giải pháp trong thời gian tới để đảm bảo thuốc hiếm, ông Dũng cho biết, Bộ Y tế đang triển khai xây dựng Danh mục thuốc thiếu, có nguy cơ thiếu hàng năm để có kế hoạch chủ động đảm bảo nguồn cung với các thuốc này.

Đồng thời, Bộ Y tế đã chủ động báo cáo, đề xuất và đã được Chính phủ đồng ý tại Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4.3.2023 là giao Bộ Y tế nghiên cứu, xây dựng cơ chế bảo đảm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hiện tại, Bộ Y tế đang triển khai thực hiện nội dung trên, trong đó dự kiến đề xuất một số cơ chế sau:

Thứ nhất, có cơ chế đặc thù về tài chính như: Bố trí, phân bổ nguồn ngân sách nhà nước để các cơ sở khám chữa bệnh chủ động dự trù các mặt hàng thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung.

Thứ hai, có giải pháp, cơ chế để các cơ sở khám chữa bệnh có thể mua sắm, dự trữ một số thuốc chống độc, ngộ độc, chấp nhận hủy bỏ khi không có bệnh nhân dẫn đến thuốc hết hạn.

Thứ ba, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước triển khai sản xuất mặt hàng thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước.

comment Bình luận