Sử dụng bản đồ Việt Nam không có Hoàng Sa - Trường Sa để quảng cáo, Nam Dược đang kinh doanh thế nào?

Những thông tin mới đây về việc CTCP Dược phẩm Nam Dược (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) sử dụng bản đồ Việt Nam quảng cáo không có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã gây phản ứng gay gắt trong dư luận. Nhưng ít ai biết rằng công ty này vẫn ăn nên làm ra dù dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp lao đao.
8:10 | 22/04/2021

Tăng trưởng nhờ sản phẩm bị khách hàng tố "gian lận" hàm lượng

Theo Báo cáo tài chính năm 2020 của CTCP Dược phẩm Nam Dược (Công ty Nam Dược) mới được công bố, dù bị ảnh hưởng của COVID-19 nhưng doanh nghiệp này vẫn tăng trưởng ở mức cao. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 550 tỷ, lợi nhuận đạt 41 tỷ tăng hơn 40% so với năm 2019.

Năm 2020 cũng đánh dấu một năm thành công  của  Công ty Nam Dược khi đơn vị này liên tiếp mở rộng quy mô hoạt động. Theo đó, công ty này đã hoàn thành việc xây dựng chi nhanh miền Trung tại Nghệ An và chi nhánh miền Tây tại Cần Thơ.

Trong khi nhiều ngành trong nền kinh tế lao đao vì COVID-19 thì Công ty Nam Dược vẫn có sự tăng trưởng đáng ngạc nhiên. Lý giải cho những con số ấn ấn tượng này, báo cáo thường niên năm 2020 cho biết, công ty tiếp tục chiến lược phát triển bền vững. Đồng thời, nghiên cứu hoàn thiện các bộ sản phẩm có chất lượng tốt, mùi vị hấp dẫn hơn cho khách hàng.

Sử dụng bản đồ Việt Nam không có Hoàng Sa - Trường Sa để quảng cáo, Nam Dược đang kinh doanh thế nào? - Ảnh 1.

Dính nhiều lùm xùm nhưng Công ty Nam Dược vẫn ăn nên làm ra.

Trong đó, bộ sản phẩm Ích Nhi tiếp tục được công ty này chú trọng cải tiến và Siro ăn ngon, siro ho cảm Ích Nhi là những sản phẩm chủ lực của đơn vị này do đã quen thuộc với người tiêu dùng thông qua những biện pháp quảng cáo.

Tuy nhiên, mới chỉ cách đây vài tháng, chính sản phẩm này đã bị khách hàng "tố" gian lận hàm lượng các thành phần công bố. Cụ thể, theo kết quả giám định, có tới 6/9 thành phần theo công bố sản phẩm thuộc Công ty Nam Dược bị giảm đi một cách khó hiểu.

Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, đối với các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, hỗ trợ sức khỏe mà không đủ hàm lượng như công bố thì rất có thể hoàn toàn vô tác dụng. Vấn đề này càng trở nên quan trọng hơn khi đây là một sản phẩm được dùng cho trẻ em.

Điều đáng nói, dù được nhiều cơ quan báo chí phản ánh, nhưng Công ty Nam Dược chưa một lần có động thái phản hồi, lên tiếng cho việc này. Đã nhiều tháng trôi qua, khi không biết công dụng, số lượng sản phẩm Siro ăn ngon Ích Nhi được bán ra thị trường là bao nhiêu thì sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng vẫn là một dấu hỏi lớn?

Bên cạnh đó, sản phẩm Siro ho-cảm Ích nhi của Công ty Cổ phần Nam Dược cũng có dấu hiệu vi phạm quy định khi được quảng cáo là: "Sản phẩm số 1 trong dòng sản phẩm chứa tinh dầu tràm khuynh diệp", "Được tin dùng số 1 trong dòng siro ho cảm thảo dược" (Theo bình chọn của bạn đọc năm 2019 của Thời báo Kinh tế Việt Nam). Hay nội dung quảng cáo "Siro trị ho cho bé" gây hiểu nhầm như thuốc trong khi đây chỉ là một sản phẩm bảo vệ sức khỏe.

Sử dụng bản đồ Việt Nam không có Hoàng Sa - Trường Sa để quảng cáo, Nam Dược đang kinh doanh thế nào? - Ảnh 2.Sản phẩm TPBVSK Siro Ăn ngon Ích Nhi của công ty Cổ phần Nam Dược.

Sử dụng bản đồ Việt Nam không có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

Trước đó, như Báo Gia định & Xã hội đã đưa tin, nhiều website như: ichnhi.vn, benhviemxoanng.vn, emhappy.vn quảng cáo các sản phẩm của Công ty Cổ phần Nam Dược đang có dấu hiệu vi phạm khi sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện đầy đủ chủ quyền quốc gia.

Cụ thể, bản đồ Việt Nam trên các website nêu trên không có nhiều quần đảo, trong đó có 2 quần đảo lớn là Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý, lịch sử để khẳng định chủ quyền và đấu tranh bảo vệ trong nhiều năm qua.

Sử dụng bản đồ Việt Nam không có Hoàng Sa - Trường Sa để quảng cáo, Nam Dược đang kinh doanh thế nào? - Ảnh 3.

Bản đồ Việt Nam sử dụng trên trang web ichnhi.vn thể hiện các đảo lớn như đảo Phú Quốc, Côn Đảo nhưng không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Việc lưu hành các bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ chủ quyền sẽ tác động trực tiếp đến thị giác của người tiêu dùng bao gồm cả người tiêu dùng nước ngoài tại Việt Nam, gây ra nhận thức sai lầm về chủ quyền của Việt Nam.

Về vấn đề này, đại diện Công ty Nam Dược cho biết sẽ kiểm tra lại do việc này được công ty thuê một bên trung gian quản trị. Tuy nhiên, việc không sát sao trong quản lý liên quan đến vấn đề chủ quyền quốc cho cho thấy, dường như Công ty CP Nam Dược đang đi ngược lại với thông điệp của chính mình, đó là nêu cao tinh thần dân tộc như "thuốc nam của người Việt".

Link: https://giadinh.net.vn/thi-truong/su-dung-ban-do-viet-nam-khong-co-hoang-sa-truong-sa-de-quang-cao-nam-duoc-dang-kinh-doanh-the-nao-20210421135525257.htm

comment Bình luận