'Quà' của Việt Á 'siêu nhanh', còn khoản trợ cấp y bác sĩ, mai táng phí lại 'siêu chậm'

Chỉ một "sự nhầm lẫn" được Bộ KH&CN thừa nhận đã mang lại cho Việt Á một "con ngỗng đẻ trứng vàng", sẵn sàng vung cả chục tỷ tiền "quà bôi trơn" khiến dư luận phát hoảng. Trong khi đó, kinh phí hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, trợ cấp mai táng phí người mất vì COVID-19 nhiều nơi vẫn chưa được thực hiện.
9:40 | 07/01/2022

Thời gian qua, tạp chí Sức Khỏe 24H nhận được rất nhiều thông tin phản ánh từ người dân bởi họ 'bị làm khó' khi muốn nhận 'trợ cấp mai táng' từ chính quyền. Không chỉ vậy, nhiều tình nguyên viên lao mình vào tâm dịch trong suốt thời gian dài vẫn chưa nhận được tiền trợ cấp. Khi phóng viên các báo thay họ tìm kiếm câu trả lời thỏa đáng thì chung chung chỉ là: lực lượng quá đông, chưa kịp cập nhật hết,... chờ và chờ.

Trong khi đó "vụ Việt Á": làm thế nào thành quả nghiên cứu của một đề tài khoa học cấp Nhà nước, thuộc sở hữu Nhà nước 100% lại được trao rất nhanh chóng cho một doanh nghiệp tư nhân khai thác thương mại?

Theo các chuyên gia phân tích, để xin được chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước, đơn vị chủ trì nghiên cứu (trường hợp này là Học viện Quân Y) và chủ sở hữu (Bộ Khoa học - Công nghệ) phải thực hiện không ít thủ tục, với thời gian có thể kéo dài cả tháng. Nếu đó là một đơn vị không phải chủ trì nghiên cứu, như công ty Việt Á, thì các bước xin phép, xét duyệt… càng phải thực hiện cẩn trọng hơn. Vì vậy, câu chuyện Việt Á nhanh chóng nhận được quyền sử dụng kết quả nghiên cứu để khai thác thương mại quả thật là một kỳ tích.

Khi vụ việc vỡ lở, hàng trăm câu hỏi, hàng nghìn mối ngờ vực bung ra là điều dễ hiểu. Nhất là, đằng sau công ty Việt Á vẫn còn bao bí ẩn: Những người chủ thực sự của công ty, nắm giữ 80% cổ phần, là ai? Năng lực thật sự của công ty này tới đâu, với nhà xưởng nhỏ bé và thiết bị đơn sơ như một nhà kho phế liệu? Liệu có chăng việc công ty không sản xuất mà nhập các bộ xét nghiệm về bán cho nhanh?

Không chỉ có một địa phương có quan chức nhận tiền đến hàng chục tỷ từ Việt Á. Không thể không ngờ vực có sự tiếp tay, khi một công ty tư nhân khởi nghiệp từ số vốn 80 tỷ đồng có thể "triển khai" cả một chiến dịch bán hàng kê khống giá trên gần như toàn bộ đất nước, thu lợi hàng nghìn tỷ đồng.

Với việc trao cho Việt Á quyền khai thác, thậm chí tên bộ xét nghiệm cũng được quen miệng gọi luôn là "kit test Việt Á", để rồi doanh nghiệp này kiếm tới 4.000 tỷ đồng, nhiều người đặt câu hỏi: Nhà nước được nhận lại gì?

Sau rất nhiều sự ngờ vực, Bộ KH&CN chỉ giải thích như một lời xin lỗi đó là "một sự nhầm lẫn", nhầm lẫn của Bộ KH&CN đánh bay 4.000 tỷ đồng ngân sách Nhà nước.

Vào thời điểm tháng 3-4/2020, số ca nhiễm của Việt Nam còn ít, các chiến dịch xét nghiệm diện rộng chưa tiến hành. Chúng ta hoàn toàn có đủ thời gian và tiền bạc (với số tiền 4.000 tỷ đồng) để lựa chọn các nguồn cung cấp khác nhau. Thực tế, Việt Nam đã sử dụng nhiều bộ xét nghiệm từ nhiều nhà sản xuất, nhiều nguồn cung cấp mới đủ cho các đợt xét nghiệm với hàng triệu người trên diện rộng.

Tháng 9/2021, Bộ trưởng Tài chính cho biết ngân sách dự phòng để bổ sung kinh phí chống dịch, mua vaccine đã cạn kiệt. Trong nhiều thời điểm, Nhà nước phải kêu gọi người dân đóng góp cho Quỹ Vaccine, doanh nghiệp chủ động tìm kiếm và tài trợ mua vaccine. Rồi hàng triệu người dân cần được giúp đỡ, hàng nghìn doanh nghiệp hỗ trợ. Nhà nước rất cần tiền. Vậy từ việc trao quyền khai thác kết quả nghiên cứu này, Nhà nước được bao tiền? Thật đáng tiếc vì đến tận giờ phút này, con số vẫn chưa được công khai.

Hơn nữa, nguồn tiền bỏ ra để mua sản phẩm kit xét nghiệm Việt Á với giá kê khống, không đâu khác chính là ngân sách Nhà nước. Thậm chí chính Học viện Quân Y cũng bỏ ra hàng tỷ đồng để mua sản phẩm do chính mình làm chủ trì nghiên cứu. Nếu không rõ ngân sách thu được bao nhiêu từ kit test Việt Á, thì e rằng thiệt hại của Nhà nước là thiệt hại kép.

Một kết quả khảo sát công bố ngày 18/12 cho biết: Hơn 62% nhân viên y tế tham gia chống dịch được khảo sát chưa nhận được bất kỳ một khoản phụ cấp nào. Rất nhiều người dân khó khăn tại TP.HCM muốn nhận được trợ cấp mai táng cho thân nhân mất do mắc Covid-19 tại TP.HCM phải trải qua rất nhiều thủ tục cồng kềnh, thậm chí bất khả thi.

Người dân gia cảnh khó khăn hải "oằn mình" chi trả phí mai táng cho người thân mất vì Covid-19 tại TP.HCM

Tính nguyện viên chống dịch trải qua một thời gian dài chống dịch vẫn chưa nhận được tiền trợ cấp

Có đến 80,9% nhân viên y tế nói họ chỉ có thể chi trả một phần, hoặc không thể chi trả nổi chi phí sinh hoạt. 40% nhận thấy họ bị suy giảm sức khỏe thể chất. 70% cảm thấy lo lắng hoặc bị trầm cảm.

Áp lực công việc nặng nề và chế độ đãi ngộ không tương xứng khiến số nhân viên y tế nghỉ việc tăng mạnh. Tới 60% nhân viên y tế, tuy có kế hoạch tiếp tục duy trì công việc, nhưng cho biết họ không chắc chắn. Tình trạng nghỉ việc nghiêm trọng tới mức ngành y tế phải ban hành văn bản "đe" rút giấy phép hành nghề với nhân viên y tế tự ý rời bỏ nhiệm vụ.

Đãi ngộ không phải là vấn đề lớn nhất với lực lượng y tế chống dịch. Họ còn hy sinh cả tính mạng, chấp nhận rời xa gia đình con cái. Có những người lập bàn thờ từ xa khi cha mẹ qua đời. Đãi ngộ bằng tiền chỉ là cách thức đơn giản nhất để ghi nhận công lao quá lớn của họ.

Ngay cả sự đãi ngộ đơn sơ nhất ấy còn chưa được làm cho tử tế. Vì thế, hẳn phải vô cảm, vô ơn với những ân nhân của xã hội lắm người ta mới đem hàng nghìn tỷ đồng, lẽ ra có thể chi cho đãi ngộ nhân viên y tế, để phung phí vào việc mua với giá cao vô lý một sản phẩm vốn thuộc về sở hữu Nhà nước.

Còn với những kẻ khoác áo ngành y mà dấm dúi nhận những chục tỷ "hoa hồng" trong khi đồng đội đang hy sinh ngoài mặt trận, thì không có từ ngữ nào xứng đáng hơn để mô tả họ, ngoại trừ: Phản bội.

comment Bình luận