Nhận diện những 'chiêu bài' thực phẩm quảng cáo 'nổ' công dụng

Trong đó, nhiều trường hợp quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh, thậm chí sử dụng danh nghĩa, hình ảnh của bác sĩ, người nổi tiếng.
15:11 | 20/12/2022

Hàng trăm cơ sở cung cấp thực phẩm chức năng có hành vi sai phạm trong quảng cáo, đảm bảo chất lượng. Ảnh: angel_sinigersky.

Chia sẻ trong buổi hội thảo Phát triển Bền vững Thị trường Thực phẩm Chức năng sáng 20/12, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Thực Thực phẩm (VFA), Bộ Y tế, khẳng định trong thời gian qua, tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng không đúng sự thật, nội dung chưa được thẩm định hay thậm chí sử dụng hình ảnh y bác sĩ, người nổi tiếng diễn ra rất phức tạp, nhất là trên môi trường mạng xã hội.

Trên thực tế trong thời gian qua, theo báo cáo của TS Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, cơ quan này đã phát hiện và xử lý tổng cộng 285 trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK).

Trong đó, các vi phạm phổ biến gồm:

Quảng cáo như thuốc chữa bệnh.

Sử dụng danh nghĩa, hình ảnh bác sĩ, người nổi tiếng, cơ quan báo chí, truyền hình uy tín để quảng cáo thực phẩm như thuốc, thần dược.

Quảng cáo khi chưa được xác nhận nội dung của cơ quan có thẩm quyền.Quảng cáo không đúng nội dung được xác nhận, không đúng bản chất sản phẩm.

Quảng cáo trên mạng xã hội sử dụng ca sĩ, diễn viên, người của công chúng để quảng cáo không đúng công dụng sản phẩm.

Đáng chú ý, VFA đã cùng các vụ, cục chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc với Công ty Facebook nhằm ngăn chặn các trường hợp sai phạm.

thuc pham chuc nang gia anh 1

Mẫu quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sử dụng trái phép hình ảnh của Đài Truyền hình Quốc gia Việt Nam. Ảnh: VFA.

“Ban đầu, phía Facebook vẫn cương quyết trong việc cần xem xét lại quy định vi phạm của họ trước khi chấp nhận yêu cầu của cục. Chúng tôi đã nhấn mạnh việc vi phạm quy định, pháp luật của Việt Nam, từ đó nhận được sự chấp thuận. Nhưng thực tế, họ vẫn chưa đảm bảo hoàn toàn. Do đó, cục sẽ tiếp tục làm việc với công ty này nhằm giải quyết triệt để vấn đề”, TS Nga khẳng định.

Theo PGS Nguyễn Thanh Phong, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng hiện khá đầy đủ và chặt chẽ.

“Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan như ý thức chấp hành của doanh nghiệp, hiểu biết của người tiêu dùng, tốc độ phát triển của công nghệ… vấn đề quảng cáo sai phạm vẫn xảy ra”, vị lãnh đạo thừa nhận.

Song song với vấn đề quảng cáo, ông Nguyễn Đức Lê, Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý Thị trường, cũng nhận định tình trạng thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng hiện rất phức tạp và phổ biến.

Thực trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính, quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng cũng như uy tín của nền kinh tế Việt Nam.

Dù vậy, thực phẩm chức năng hay TPBVSK vẫn được coi là “mũi nhọn” của nền kinh tế y tế Việt Nam. Các sản phẩm này đáp ứng được xu thế của xã hội, đồng thời là sản phẩm thay thế tốt cho các thuốc tân dược, có khả năng điều trị lâu dài.

Trong bối cảnh đó, các đơn vị liên quan đã đưa ra một số đề xuất xoay quanh việc thống nhất, quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn các mặt hàng thực phẩm chức năng nhưng vẫn tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp uy tín, đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời phát triển kinh tế.

comment Bình luận