Mạo danh bác sĩ bệnh viện lớn làm thai phụ tử vong, PKĐK Thăng Long bị tạm đình chỉ hoạt động

Bị một người giới thiệu là “bác sĩ Hồng, trưởng khoa tại Bệnh viện Hùng Vương” để móc nối, lôi kéo vào điều trị bệnh tại phòng khám tư nhân (còn được gọi là phòng khám Trung Quốc).
16:00 | 08/01/2022

Chia sẻ với báo chí, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đang phối hợp với Công an TP.HCM, Công an quận 10 vào cuộc điều tra nguyên nhân tử vong của sản phụ Đ.N.O. (40 tuổi) sau một thời gian thăm khám điều trị tại hai phòng khám Hồng Phong (quận 5) và phòng khám Thăng Long (quận 10).

Ngưng tim, cơ thể tím tái, sùi bọt mép khi đang chờ khám?

Ông Nguyễn Thế Hữu (chồng nạn nhân) và giấy xác nhận nằm viện của vợ

Ông Nguyễn Thế Hữu (chồng nạn nhân) cho biết khoảng nửa tháng trước, vợ ông cảm thấy đau tức phần bụng dưới, có ghé Phòng khám đa khoa Hồng Phong thăm khám và được một phụ nữ trực tiếp thăm khám đeo bảng tên và tự giới thiệu mình là "bác sĩ trưởng khoa của Bệnh viện Hùng Vương, tên Hồng".

Sau đó vợ ông được "bác sĩ Hồng" thông báo có mụn trong cổ tử cung, nếu không điều trị có thể vỡ gây ung thư. Ngoài ra bà còn được chẩn đoán "có thai 24 tuần bị biến dạng ngoài tử cung do uống thuốc điều trị COVID-19" (trước đó cả gia đình bà ông Hữu mắc COVID-19).

"Theo lời bác sĩ Hồng, nếu điều trị tại Bệnh viện Hùng Vương hoặc Từ Dũ, chi phí có thể 150-200 triệu đồng, nhưng điều trị tại phòng khám chỉ tốn 80 triệu đồng. Thấy vậy, vợ tôi đồng ý điều trị mụn và cho sinh non như lời của bác sĩ" - ông Hữu kể.

Sau khoảng 10 ngày đến phòng khám Hồng Phong, mỗi lần đóng 2 triệu đồng, chân của nạn nhân phù nề, khi lo lắng hỏi "bác sĩ Hồng" thì được giải thích do tác dụng của thuốc. Lúc này, nạn nhân được "bác sĩ Hồng" hẹn qua Bệnh viện Hùng Vương để bà trực tiếp khám vì có đầy đủ trang thiết bị y khoa.

Đúng lịch hẹn, ngày 21/12 vợ ông đến Bệnh viện Hùng Vương bốc số thứ tự và gặp được bà Hồng chờ trong bệnh viện. Tuy vậy, "bác sĩ Hồng" viện cớ kẹt lịch, rồi tiếp tục giới thiệu nạn nhân đến Phòng khám đa khoa Thăng Long (quận 10). Phòng khám này yêu cầu bệnh nhân phải đóng tạm ứng 40 triệu đồng. Bà được cho thuốc về uống, hẹn ngày hôm sau lên điều trị.

"Tôi để vợ ở lại khám, ra về có việc. Chưa được vài tiếng, phòng khám này gọi điện thông báo vợ tôi bị té xỉu trong lúc ngồi chờ khám, được chuyển đến Bệnh viện 115 cấp cứu trong tình trạng ngưng tim, cơ thể tím tái, co giật, sùi bọt mép" - ông Hữu nói.

Tạm đình chỉ hoạt động phòng khám Thăng Long để điều tra

Phòng khám đa khoa Thăng Long (quận 10), nơi được "bác sĩ Hồng" giới thiệu để bà O. khám bệnh, sau đó tử vong

Bác sĩ Trần Văn Sóng - phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 - cho biết trường hợp bà O. (nạn nhân) được nhân viên của Phòng khám đa khoa Thăng Long đưa vào bệnh viện cấp cứu chiều 22/12 trong tình trạng hôn mê sâu, tím tái, tổn thương thận.

Bệnh viện tiến hành đặt ống nội khí quản, cấp cứu ngưng tuần hoàn hô hấp, đồng thời phối hợp với Bệnh viện Từ Dũ mổ lấy thai lưu 24 tuần nhằm tiếp tục hồi sức tích cực cứu thai phụ.

"Tuy vậy, sau nhiều ngày hồi sức, tình trạng bệnh nhân không chuyển biến khi hôn mê sâu, đồng tử giãn, tụt huyết áp và tử vong sau 8 ngày điều trị" - bác sĩ Sóng nói.

Sau khi xảy ra vụ việc, gia đình bệnh nhân làm đơn tố cáo gửi Thanh tra Sở Y tế TP.HCM và Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM. Điện thoại của bệnh nhân, trong đó có các cuộc gọi, tin nhắn qua lại giữa bệnh nhân và "bác sĩ Hồng" được các cơ quan niêm phong phục vụ công tác điều tra.

Ngày 8/1, đại diện Thanh tra Sở Y tế TP.HCM khẳng định vụ việc này rất phức tạp, hiện đơn vị đã tạm đình chỉ hoạt động của Phòng khám đa khoa Thăng Long để phục vụ công tác điều tra. Ngoài Công an quận 10, Thanh tra Sở Y tế TP, được biết các đơn vị khác gồm Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03) và Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA08) cũng đang cùng vào cuộc.

Trong khi đó, đại diện Phòng khám đa khoa Thăng Long khẳng định hiện phòng khám đang tạm ngưng hoạt động để phục vụ điều tra sau khi xảy ra sự cố nêu trên. Về mối liên hệ với "bác sĩ Hồng" của phòng khám, đại diện này cho biết chưa nắm rõ và sẽ kiểm tra.

 

Bệnh viện Hùng Vương nói gì?

PGS.TS Hoàng Thị Diễm Tuyết - giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - khẳng định đơn vị không có một bác sĩ trưởng khoa nào tên Hồng và phía Thanh tra Sở Y tế TP.HCM và công an chưa liên hệ bệnh viện để xác minh thông tin liên quan đến "bác sĩ Hồng".

"Theo đúng quy trình, bác sĩ muốn làm ngoài bắt buộc phải có giấy xác nhận của lãnh đạo bệnh viện. Tôi khẳng định phía bệnh viện chắc chắn không có bác sĩ nào tên Hồng làm trưởng khoa và làm việc cho các phòng khám nêu trên. Có thể người này mạo danh bệnh viện để lôi kéo người bệnh" - bác sĩ Tuyết khẳng định.

 

comment Bình luận