'Lão khùng' tìm mộ liệt sĩ: Niềm vui và chuyện... động trời

Trong quá trình đi tìm mộ liệt sĩ, ông Nguyễn Sỹ Hồ đã chứng kiến, trải nghiệm những cuộc đoàn tụ rất cảm động. Nhưng cũng có quá nhiều bất cập làm “ông khùng” bức xúc.
11:45 | 26/07/2021

 

Ông Sỹ Hồ (áo trắng đứng giữa) cùng thân nhân liệt sĩ đến viếng mộ do ông tìm được
Ông Sỹ Hồ (áo trắng đứng giữa) cùng thân nhân liệt sĩ đến viếng mộ do ông tìm được
Từ khi bắt đầu phát tâm đi tìm mộ liệt sĩ (LS) đến nay, ông Nguyễn Sỹ Hồ đã làm được khối lượng công việc thật khó tin. Ông đã đi hơn 1.000 nghĩa trang liệt sĩ (NTLS), chụp khoảng 800.000 ảnh mộ.

Điều đáng để tri ân ông giáo già về hưu này là nhờ “công trình” thu thập dữ liệu, nghiên cứu, thực chứng và trực tiếp giúp đỡ, đồng hành với gia đình LS... mà hơn 10.000 gia đình LS đã tìm được mộ người thân (chưa kể nhiều người tìm được nhưng không hồi âm). Trong hành trình đó, ông Sỹ Hồ cũng có những câu chuyện “độc lạ” của mình.

Vui sao nước mắt lại trào

“Con nghẹn lắm không biết nói gì hơn. Giờ tay con run quá. Con cảm ơn bác. Con cảm ơn bác!”. Đó là tâm trạng của anh Nguyễn Hùng Văn quê H.Thọ Xuân, Thanh Hóa.

Sau thời gian dài tìm mộ bố hy sinh tại chiến trường miền Nam trong vô vọng, anh đã bất ngờ thấy thông tin chính xác về mộ bố trong website “Nguoiduado.vn” do ông Nguyễn Sỹ Hồ lập ra.

“Người con của LS khóc nghẹn gọi điện cho tôi. Anh ta không ngờ khi niềm tin tìm được mộ bố gần như tắt ngấm, thì mọi thứ hiển hiện rõ ràng với thông tin người bố đang nằm tại NTLS tỉnh Kiên Giang.

Tôi đã hướng dẫn các thủ tục cần thiết, và sau đó anh đưa hài cốt bố về quê”. Trường hợp khác khiến ông Sỹ Hồ trằn trọc không ngủ được khi nhận cuộc điện thoại đẫm nước mắt của người cháu báo tin sau 51 năm gia đình mòn mỏi đợi chờ, nay đã tìm được mộ ông nội - LS Nguyễn Duy Đăng.

“Cháu khóc như trẻ con, giọng run, không nói được câu nào trong ngày đón hài cốt của ông nội về quê. Cháu nói cảm ơn tôi không dứt”, ông Sỹ Hồ kể lại.

'Lão khùng' tìm mộ liệt sĩ: Niềm vui và chuyện...động trời1

Anh Lâm khóc ngất khi tìm được mộ của bố. ẢNH: SỸ HỒ

Khi chúng tôi hỏi, còn bao nhiêu câu chuyện cảm động như thế, ông Sỹ Hồ bảo rằng: “Kể sao hết chuyện đẫm nước mắt khi các gia đình tìm được mộ LS sau nhiều năm trời đã vô vọng.

Có người đã hoàn toàn bỏ cuộc. Có những người cha, người mẹ LS không còn trên cõi đời này để kịp nhìn đứa con trở về, dù đó là nắm xương”. Rồi ông chia sẻ thêm câu chuyện đã kết nối tìm mộ chiến sĩ Lê Văn Huấn thuộc Trung đoàn 271, hy sinh tại mặt trận Quảng Đức năm 1973.

Một điều khiến ông Sỹ Hồ vô cùng xúc động khi biết cụ Lê Văn Nhân, bố của LS Huấn, đã mỏi mòn chờ tin người con trai duy nhất này tới tận 90 tuổi, rồi mất đi trong nỗi khắc khoải không tìm được mộ con.

Còn anh Lâm, người nhận lãnh lời trăn trối của ông nội phải tìm được mộ, cũng chính là giọt máu duy nhất của LS Huấn. Lúc đó, người lính trẻ Huấn về Quảng Bình thăm gia đình sau khi đã hoàn thành chiến dịch mở đường thắng lợi tại mặt trận B5, và cũng để chuẩn bị đi B dài ngày.

“Sinh ra không biết mặt bố, trong tim anh Lâm luôn đau đáu phải tìm được mộ bố. Nhưng vì hoàn cảnh kinh tế, cùng với thông tin về bố mơ hồ “hy sinh tại mặt trận phía nam”, làm anh Lâm đành cắn răng chịu đựng”, ông Sỹ Hồ chia sẻ.
Thế rồi, nhờ thông tin ông Sỹ Hồ thu thập, anh Lâm đã “gặp” được bố tại NTLS H.Bù Đăng, Bình Phước. Ông Sỹ Hồ bồi hồi nhớ lại: Mặc dù đã làm công tác tư tưởng với anh Lâm, khuyên nén đau thương, bình tĩnh, thế nhưng khi đến NTLS chúng tôi hết sức bối rối.

Giữa trời nắng trưa, mặt sân bê tông ở nghĩa trang nóng như lò lửa, vậy mà anh Lâm nằm dài trên mộ bố, khóc và thở ngắt quãng. Khó khăn lắm chúng tôi mới đưa anh vào chỗ có bóng cây để anh hồi sức. Thế mới biết nỗi đau của người con LS chưa một lần nhìn thấy mặt bố mình.

“Trong hành trình của mình, tôi đã chứng kiến hàng trăm cuộc “hội ngộ” từ hai thế giới, lần nào cũng làm tôi xúc động nghẹn ngào. Cuộc “hội ngộ” giữa bố con anh Lâm cứ luôn hiện hữu trong tôi, giục bước chân mình phải nhanh hơn nữa”, ông Sỹ Hồ trải lòng.

'Lão khùng' tìm mộ liệt sĩ: Niềm vui và chuyện...động trời2

Anh Nguyễn Hùng Văn (bìa phải) tìm được mộ bố nhờ sự giúp đỡ của ông Sỹ Hồ

Bất cập và chuyện... “động trời”

“Mộ LS nằm ở nghĩa trang mà đơn vị quản lý mộ bảo không có. Thông tin bị tam sao thất bản. Người còn sống nhưng được công nhận LS... Hàng loạt sự cố kiểu như vậy làm tôi phát khùng”, ông Sỹ Hồ bày tỏ.

Năm 2018, ông chụp ảnh tại một NTLS ở một tỉnh miền Trung và sau đó có người tìm mộ LS Nhân với những thông tin trùng khớp ảnh chụp. Ông Sỹ Hồ hướng dẫn gia đình LS đến phòng LĐ-TB-XH một địa phương tỉnh đó để tra cứu hồ sơ lưu trữ. Thật kỳ lạ, LS Nhân không có trong hồ sơ của phòng LĐ-TB-XH này.

“Tôi quyết tới nghĩa trang để kiểm chứng lần nữa và rõ ràng mộ LS Nhân còn nằm ở đó. Thế nên không khùng mới lạ”, ông Sỹ Hồ bức xúc.

Một cộng tác viên của ông Nguyễn Sỹ Hồ chia sẻ thêm: “Có rất nhiều LS có mộ trong nghĩa trang nhưng không có tên trong hồ sơ lưu tại Sở LĐ-TB-XH. Lại có nhiều trường hợp có tên lưu trong hồ sơ nhưng không có mộ trong NTLS. Như một NTLS tại miền Nam, hồ sơ lưu có 17.000 mộ nhưng chụp tại nghĩa trang được hơn 20.000 ảnh mộ”.

Ông Sỹ Hồ ví dụ về chuyện sai từ khâu hồ sơ. Thông tin LS Nguyễn Văn Sấn ghi nơi hy sinh ở thành Gia Định, nơi an táng ban đầu lại Buôn Ma Thuột. Dựa vào đó gia đình lên Đắk Lắk tìm mộ. Trong khi đó, những ngày cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh, E2-F10 đã thọc sâu vào Sài Gòn, anh Sấn đã chiến đấu và hy sinh vào sáng 30.4.1975, mộ hiện nằm trong NTLS xã Tân Xuân, H.Hóc Môn, TP.HCM.

“Động trời” hơn khi cựu chiến binh còn sống sờ sờ vẫn có mộ trong nghĩa trang. Ông Sỹ Hồ kể: “Một buổi sáng tôi nghe điện thoại từ Vĩnh Phúc: “Bố cháu còn sống đây sao mộ bố cháu lại nằm tại NTLS do bác chụp đăng lên mạng?”.

Tôi liên lạc với bố cháu thì được biết, người lính này từng tham gia trận đánh ác liệt ở Long Thành (Đồng Nai), toàn đại đội không còn ai, số bị thương bị địch bắt hết đưa ra giam ở Phú Quốc. Năm 1975, người lính này quay về làm việc tại Ủy ban Quân quản Cần Thơ. Năm 1976 anh ra quân về làm nông”.

Chuyện khác, ông Sỹ Hồ nhận được cuộc gọi từ Nam Định chất vấn: “Tôi là Sơn còn sống đây mà anh lại báo tin mộ tôi nằm tại Cái Bè, Tiền Giang là sao?”.

Sau một hồi trao đổi thì ông Sơn giải thích: “Tối hôm đó, tôi với một đồng đội cùng bị thương nặng. Tôi bị chấn thương sọ não. Hai năm sau khi điều trị tôi phục hồi trí nhớ và được phục viên. Vậy hài cốt dưới “mộ của tôi” chắc là của đồng đội cùng bị thương với tôi”.

Nhờ hỗ trợ tìm kiếm mộ liệt sĩ
Muốn nhờ ông Nguyễn Sỹ Hồ tìm mộ LS hoặc tra cứu thông tin mộ LS có thể: Gửi email: [email protected]
Vào website: www.nguoiduado.vn
Facebook: www.facebook.com/hohatinh
Điện thoại: 0988847715 - 0941540799
Muốn nhờ Hội Hỗ trợ gia đình LS Việt Nam liên lạc: Địa chỉ số 25, ngõ 1, đường Nguyễn Thị Định, P.Trung Hòa, Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội. Điện thoại: Ông Nguyễn Đình Thường - Tổng thư ký hội: 0913528325.
comment Bình luận