Hoãn đám cưới mùa dịch: Khách mời nhẹ nhõm, cô dâu chú rể lao đao sợ mất tiền cọc

Rất nhiều cặp đôi phải hoãn đám cưới không chỉ 1 mà đến 2 lần vì tình hình dịch bệnh. Vậy họ đã xử lý như thế nào khi nhà hàng đã đặt, khách cũng đã mời?
16:57 | 01/08/2020

Dịch bệnh tái phát đã kéo theo biết bao nỗi lo lắng cho người dân. Không chỉ là công việc làm ăn, kinh doanh mà ngay cả những cặp đôi dự định tổ chức đám cưới cũng lâm vào tình huống khó xử trăm đường. Biết rằng phải tuân thủ theo quy định của nhà nước về việc không được tụ tập đông người, tạm hoãn các hoạt động tiệc tùng, cưới hỏi để đảm bảo an toàn cho người dân. Nhưng khi thiệp mời đã phát, nhà hàng đã đặt cọc và các công tác cho tiệc cưới đã được chuẩn bị sẵn sàng thì việc hoãn đám cưới là điều vô cùng khó khăn cho các cặp đôi. Vậy họ phải xử lý việc này như thế nào cho ổn thỏa?

Các gia đình phải xử lý như thế nào khi ngày cưới rơi vào mùa dịch? Ảnh FB

Gia đình chị K.N ở một quận ngoại ô thành phố hơn ai hết rất hiểu cảm giác hoãn cưới khi chị cũng phải dời lại ngày vui của mình vì dịch bệnh. Gia đình chị nhanh chóng tổ chức cưới lại vào một ngày gần cuối tháng 7. Bên họ nhà gái vừa tổ chức xong thì bắt đầu bệnh dịch xuất hiện ở TP.HCM. Nhà trai ở Đà Nẵng chưa chiêu đãi khách mời ngày vui đã phải dời lại lần 2 theo chỉ thị của nhà nước. Hôm nay đáng lẽ là ngày chị theo chồng về Đà Nẵng để ra mắt họ hàng, bạn bè nhà trai nhưng đành gác lại kế hoạch.

Nói về sự việc này, chị K.N cho biết vợ chồng chị không thấy buồn hay lo lắng mà ngược lại còn thấy bản thân đã có trách nhiệm với gia đình, bạn bè khi bỏ qua lợi ích cá nhân, tuân thủ đúng quy định của nhà nước. Nếu cố chấp tổ chức tiệc, vợ chồng chị sẽ gây lo lắng, khó xử cho người thân và khách mời khi đến dự. Song song đó, đi trái lại chỉ thị của nhà nước cũng khiến vợ chồng chị cảm thấy không thoải mái.

Ảnh thiệp cưới bị hoãn của nhân vật K.N; Ảnh minh họa phải: baophapluat.vn

Chị chia sẻ: “Trước đó hai bên gia đình đã làm lễ ra mắt theo đúng phong tục rồi, nhà mình cũng đã tổ chức tiệc xong chỉ còn nhà trai thôi. Nhưng trước tình hình dịch tái phát, mình nghĩ không cần phải quan trọng hóa chuyện làm tiệc mời bạn bè hay không.Quan trọng là vợ chồng mình đã đăng ký kết hôn, ra mắt dòng họ 2 bên và chính thức trở thành vợ chồng hợp pháp là được rồi. Nhà hàng đã chủ động trả lại tiền cọc đầy đủ. Bây giờ chỉ lo bảo vệ bản thân trước tình hình dịch đang phức tạp thôi”.

Không chỉ ở thành phố lớn như TP.HCM, những gia đình ở tỉnh tuy chưa có ca nhiễm nào nhưng họ vẫn chủ động hoãn lại đám cưới chờ hết dịch. Trong cuộc điện thoại về hỏi thăm gia đình, chị T.D cho biết: “Mẹ mình kể nhà hàng xóm chuẩn bị 5 ngày nữa sẽ làm đám cưới cho con trai. Nhưng tình hình dịch này khiến họ không khỏi lo lắng, đành phải hoãn cưới lại. Họ đang liên lạc với bên cung cấp thực phẩm, nước uống để thương lượng về việc nhận lại tiền cọc. Nếu bên đó không trả 100%, họ sẽ chấp nhận mất nửa cọc vì bệnh dịch là điều không ai muốn, làm khó nhau cũng chẳng được gì.”

Chính quyền ở Đắk Lắk và gia đình đã dùng giải pháp để mỗi nhà khiêng một bàn tiệc về và tiếp khách giúp gia chủ.

Để tránh tụ tập đông người, mỗi nhà khiêng 1 bàn tiệc về để ăn uống và tiếp khách giùm gia chủ. Ảnh Fb

Có thể thấy, tuy không thể tổ chức đám cưới theo đúng “ngày lành tháng tốt” như kế hoạch đã định nhưng các gia đình không vì vậy mà đi trái với quy định nhà nước. Sẵn sàng gác lại ngày trọng đại để bảo vệ sức khỏe người thân, gia đình và xã hội là việc làm rất đáng được tuyên dương của các cặp đôi trẻ và gia đình của họ. Các nhà hàng tiệc cưới cũng không vì thế mà làm khó cô dâu chú rể. Đồng ý trả cọc hoặc chủ động dời đến khi hết dịch là một trong những cách mà các nhà hàng thực hiện trong tình hình dịch bệnh.

Nếu trong trường hợp không thể dời đám cưới lại được thì các cặp đôi vẫn có nhiều sự lựa chọn. Hoàn toàn có thể làm thủ tục đăng ký kết hôn theo đúng quy định của nhà nước. Nếu hai bên gia đình vẫn không muốn dời vì sợ mất “ngày lành tháng tốt” thì có thể làm lễ rước dâu gồm bố mẹ nhà trai cùng chú rể qua nhà gái làm các thủ tục đơn giản để ra mắt. Còn tất cả họ hàng, thân tộc, bạn bè,... đến khi hết dịch hoàn toàn, khi hai bên gia đình mở tiệc thì mời đến chung vui là được. Nếu đã gửi thiệp rồi, các gia đình có thể gọi điện thông báo hoãn cưới để khách mời biết và yên tâm hơn.

Một đám cưới đơn giản, gọn gàng diễn ra giữa mùa dịch tại tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh Trần Mai, nguồn Báo Tuoitre.vn

Ảnh Kủn, nguồn Báo Tuoitre.vn

Đừng đặt nặng các nghi lễ truyền thống hay quan niệm mê tín mà cố chấp tổ chức cưới hỏi linh đình trong thời gian này. Bởi không chỉ bị phạt, các gia đình còn tự đẩy mình vào hoàn cảnh không thoải mái khi khách mời không tham dự hoặc có thái độ ngại ngùng, mất vui.

Nguồn tham khảo: Báo Tuoitre.vn

Bích Lân

comment Bình luận