Hà Nội: Nhiều trẻ nhỏ gặp biến chứng viêm phổi, viêm tiểu phế quản, suy hô hấp

Khoa nhi các bệnh viện ở Hà Nội đang chật kín bệnh nhi nhiễm virus hợp bào, gặp biến chứng viêm phổi, viêm tiểu phế quản, suy hô hấp.
9:21 | 12/04/2023

Ngày 10/4, ba em bé dưới một tháng tuổi điều trị tại phòng cấp cứu Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, được hỗ trợ thở oxy. Bác sĩ Nguyễn Thùy Dương, Trưởng khoa Nhi, cho biết các bé mắc virus hợp bào (RSV), tình trạng nặng, suy hô hấp, biến chứng viêm phổi.

Mẹ của một bệnh nhi 20 ngày tuổi chia sẻ, ba ngày trước khi nhập viện bé húng hắng ho, sốt, thở khò khè. Vào viện, bé suy hô hấp, khó thở, ăn kém. Nằm giường bên cạnh, mẹ của bé gái 2 tuổi cho hay bé nằm viện ngày thứ năm, bị bội nhiễm viêm phổi, bác sĩ phải tăng liều kháng sinh. Hiện, mỗi ngày bé tiêm hai lần kháng sinh và một lần kháng viêm.

Khoa Nhi của Bệnh viện Thanh Nhàn những ngày gần đây cũng chật kín, nhiều trẻ nằm ghép. Bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang, Phó trưởng khoa, cho biết 20% trẻ nhập viện là do RSV, phần lớn dưới hai tháng tuổi. Virus này gây biến chứng viêm phổi, suy hô hấp rất nhanh.

"Nhiều trẻ nhập viện không phải do khám muộn mà vì RSV biến chứng suy hô hấp, viêm phổi rất nhanh, sớm, nhất là các em nhỏ có hệ miễn dịch kém", bác sĩ Sang nói.

Đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho biết số ca mắc RSV hiện ở mức cảnh báo. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện ghi nhận hơn 1.100 ca nhiễm, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Số trẻ nhập viện trong tháng 3 tăng 30% so với tháng trước.

Trẻ mác virus hợp bào hô hấp điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: Thế Đại

Trẻ mắc virus hợp bào hô hấp điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: Thế Đại

Các bác sĩ cho hay RSV thường bùng phát vào thời điểm giao mùa, thu đông hoặc xuân hè. Virus lây qua giọt bắn khi ho hay hắt hơi, qua bàn tay, quần áo, ăn uống hay tiếp xúc trực tiếp như hôn trẻ.

Theo bác sĩ Dương, virus hợp bào hô hấp lây lan nhanh chỉ sau virus cúm. Ước tính, cứ một trẻ nhiễm virus có khả năng lây cho 5 trẻ khác. Triệu chứng rất dễ trùng với các bệnh đường hô hấp khác như viêm long đường hô hấp, sốt giống cảm lạnh thông thường, khó phân biệt. Bệnh tiến triển rất nhanh và nặng gây viêm tiểu phế quản, viêm phổi và suy hô hấp.

Virus này hay đồng nhiễm hơn các loại virus, vi khuẩn khác, vì thế phải dùng kháng sinh để điều trị bội nhiễm. Bệnh không có thuốc đặc trị, chủ yếu chăm sóc, hỗ trợ nâng cao thể trạng cho các bé.

Thông thường, các ca RSV không nghiêm trọng. Một số trường hợp đặc biệt như trẻ sơ sinh, trẻ có hệ miễn dịch non yếu, bệnh gây biến chứng khôn lường như viêm phổi và viêm tiểu phế quản. RSV di chuyển từ đường hô hấp trên xuống đường hô hấp dưới có thể gây viêm phổi hoặc đường thở của phổi (viêm tiểu phế quản). Khi ấy, trẻ cần nhập viện để được hỗ trợ thở, truyền dịch và chăm sóc suy hô hấp.

Virus xâm nhập vào không gian phía sau màng nhĩ có thể gây nhiễm trùng tai giữa (viêm tai giữa). Biến chứng này thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ nhỏ nhiễm virus hợp bào hô hấp nghiêm trọng có nguy cơ phát triển thành bệnh hen suyễn khi trưởng thành. Một số biến chứng nghiêm trọng khác như suy hô hấp, xẹp phổi, tràn khí màng phổi, ứ khí phổi.

Bác sĩ Dương khuyến cáo trẻ nhỏ ho, khò khè, sốt, cần đưa đến bệnh viện khám, tránh xảy ra biến chứng gây nhiều khó khăn trong điều trị.

Để phòng bệnh, hạn chế cho trẻ đến nơi đông người, đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, tiêm phòng đầy đủ, tránh tiếp xúc với trẻ có dấu hiệu bệnh như ho, sốt. Vệ sinh sạch sẽ tay và thân thể cho trẻ thường xuyên, làm sạch môi trường, đồ dùng, vật dụng xung quanh. Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo trẻ được bú mẹ đầy đủ.

comment Bình luận