Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi): Quy định chặt chẽ để ngăn ngừa tiêu cực, sai phạm

Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), song tại phiên thảo luận tổ chiều qua, các đại biểu Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng để có thể giải quyết tối đa các vướng mắc, khó khăn đã thấy rõ trong thực tiễn, đưa ra quy định chặt chẽ về hồ sơ dự thầu, người tham gia đấu thầu… để ngăn ngừa những tiêu cực, sai phạm trong lĩnh vực này.
7:00 | 23/11/2022

Đã thẳng thắn chỉ ra hạn chế, nhưng chưa đủ

Bên cạnh việc một số hoạt động mua sắm, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư chưa được quy định hoặc quy định chưa đủ để đáp ứng yêu cầu thực tế, cũng như sự thiếu thống nhất với một số luật mới sửa đổi, ban hành, một nguyên nhân cần sửa đổi Luật Đấu thầu đã được Chính phủ nêu rõ trong Tờ trình là tình trạng một số quy định của Luật Đấu thầu đã phát sinh vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện.

Chính phủ đã thẳng thắn chỉ ra 4 hạn chế liên quan đến quy định về quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; hình thức chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt; phương pháp đánh giá; hợp đồng và nguyên tắc điều chỉnh hợp đồng. Đồng tình với những đánh giá thẳng thắn của Chính phủ, song từ thực tế công tác xét xử và xây dựng pháp luật vừa qua, ĐBQH Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) nêu rõ, chưa có quy định kỹ lưỡng về hồ sơ mời thầu, trong khi đây lại là nội dung rất quan trọng, nếu không quy định chặt chẽ sẽ dễ dẫn tới tình trạng cài cắm, tạo cạnh tranh không bình đẳng và xảy ra tiêu cực, sai phạm.

Thực tế nhiều vụ án, vụ việc rất đau xót đối với chủ đầu tư là các cơ sở y tế. Lãnh đạo các cơ sở y tế đều là những cá nhân làm rất tốt công tác chuyên môn, chuyên sâu trong nghiệp vụ, nhưng vì không nắm chắc quy trình, thủ tục, nên khi được giao vai trò chủ đầu tư dễ vi phạm pháp luật, rơi vào vòng lao lý. Do vậy, đại biểu Nguyễn Hữu Chính đề nghị, trong công tác quản lý, phải có sự phối hợp nhịp nhàng từ trên xuống dưới, từ Trung ương xuống địa phương và từ chủ đầu tư, người tham gia đấu thầu.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính, do hiện nay không có cơ chế quản lý chặt chẽ đối với người tham gia đấu thầu nên một số đơn vị dù không có năng lực nghiệp vụ vẫn có thể lợi dụng quan hệ để tham gia đấu thầu, qua đó dẫn đến tình trạng thông thầu rất dễ. “Vụ AIC chuẩn bị xét xử, "quân xanh" hầu như là quân do AIC chỉ định thầu, nếu đứng ra đấu thầu thì AIC sẽ cho mua sắm trang thiết bị, từ đó tất cả "quân xanh" đều làm theo”. Nêu ví dụ này, đại biểu đề nghị, cần căn cứ vào thực tiễn để đưa ra giải pháp hiệu quả, quy định cho chặt chẽ, nếu không tiêu cực vẫn sẵn sàng xảy ra.

Các ĐBQH cũng lưu ý, một số quy định liên quan đấu thầu quá chi tiết dẫn đến việc mua sắm tài sản của một số cơ quan rất khó khăn. Một ví dụ cụ thể được ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đưa ra là quy định mua sắm tài sản công thường xuyên có trị giá 100 triệu đồng vẫn phải đấu thầu. Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, đây là quy định “cực kỳ máy móc và cứng nhắc”, “nghe chừng quy định chi tiết là rất tốt nhưng lại hạn chế cho người mua sắm, tiêu dùng”.

Từ những hạn chế nêu trên, các đại biểu Quốc hội đề nghị, những quy định liên quan đến đấu thầu không phù hợp với thực tế, đã được thực tế chỉ rõ là không hợp lý thì phải tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung tối đa để vừa thông thoáng cho người tham gia đấu thầu, chủ đầu tư, vừa bảo đảm lợi ích của Nhà nước.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính (TP. Hà Nội)

Cần thu hẹp phạm vi các trường hợp “chỉ định thầu"

Để đáp ứng đòi hỏi của thực tế, tại dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung quy định về hình thức chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt nhằm tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng đối với các gói thầu có các điều kiện đặc thù hoặc cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Dự thảo Luật cũng quy định 10 trường hợp chỉ định thầu.

Tuy nhiên, ĐBQH Phạm Đức Ấn (Hà Nội), ĐBQH Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) chỉ rõ, việc bổ sung, mở rộng thêm nhiều trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu như dự thảo Luật là chưa thực sự phù hợp với mục tiêu “nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế”.

Đại biểu Phạm Đức Ấn tán thành với đề xuất của Ủy ban Tài chính, Ngân sách - cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật - về việc giới hạn áp dụng chỉ định thầu với các trường hợp đặc thù như: dự án cấp bách; bảo đảm bí mật liên quan đến an ninh, quốc phòng; đầu tư mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp khẩn cấp; các trường hợp đặc thù gắn với việc bảo đảm yêu cầu đồng bộ về công nghệ, nghiên cứu thử nghiệm, mua bán bản quyền sở hữu trí tuệ.

Đại biểu Nguyễn Thành Trung đề nghị cân nhắc quy định tại điểm h, khoản 1 Điều 21 về chỉ định thầu đối với “gói thầu thực hiện các dự án quan trọng quốc gia cần triển khai ngay theo Nghị quyết của Quốc hội". Theo đại biểu, không nên quy định thành một tiêu chí được áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với dự án quan trọng quốc gia. Nguyên nhân là do các dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư, trong trường hợp cần thiết để đẩy nhanh tiến độ hoặc cần có những cơ chế đặc thù trong công tác đấu thầu, thi công thì sẽ bổ sung ngay tại Nghị quyết của Quốc hội. “Chính phủ cần rà soát cụ thể từng trường hợp, đánh giá tác động của các trường hợp này để bảo đảm mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật Đấu thầu đã đặt ra, thu hẹp phạm vi các trường hợp “chỉ định thầu”, tránh việc lợi dụng, lạm dụng chỉ định thầu”, đại biểu Nguyễn Thành Trung nhấn mạnh.

Tán thành quan điểm không nên mở rộng trường hợp được thực hiện chỉ định thầu, song ĐBQH Đỗ Đức Duy (Yên Bái) cũng đưa ra một số trường hợp phát sinh trong thực tiễn cần áp dụng hình thức này. Trong đó, đại biểu nhấn mạnh, cần áp dụng chỉ định thầu với các gói thầu về tư vấn thiết kế hoặc tư vấn lập quy hoạch. Bởi, giá mở thầu đã được quy định dựa trên định mức kinh tế kỹ thuật rất chặt chẽ theo Luật Xây dựng. Năng lực của các nhà thầu phù hợp với từng quy mô gói thầu cũng đã được quy định rõ ràng, minh bạch và được công bố công khai. Hơn nữa, việc lựa chọn các gói thầu tư vấn thực chất là sản phẩm của gói thầu được hình thành trong tương lai và phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của các nhà thầu khi chúng ta lựa chọn hình thức đấu thầu.

Với trường hợp này, đại biểu Đỗ Đức Duy nhận thấy, việc trích kinh phí tiết kiệm so với trường hợp chỉ định thầu không lớn nhưng mất nhiều thời gian, ảnh hưởng tới tiến trình thực hiện dự án đầu tư. Trong khi đó, nếu thực hiện chỉ định thầu rút ngắn thời gian thực hiện các gói thầu tư vấn, dự án sớm đưa vào khai thác vận hành sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn.

Có thể thấy các vướng mắc, hạn chế của Luật Đấu thầu hiện hành đòi hỏi Quốc hội phải sửa đổi toàn diện đạo luật này nhằm nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức; cắt bỏ một số thủ tục trình, thẩm định, phê duyệt ở cấp trung gian không cần thiết; đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước. Qua phiên thảo luận Tổ, các đại biểu Quốc hội đã chỉ rõ thêm nhiều nội dung cần tiếp tục hoàn thiện trong dự thảo Luật để việc sửa đổi Luật thực sự tháo gỡ được vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời phòng, chống hiệu quả các hành vi gian lận, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đấu thầu.

theo Thanh Hải/Đại biểu Nhân dân

comment Bình luận