Đơn vị đưa thực phẩm Kovir, Imboost... vào điều trị Covid-19 đang bị xem xét trách nhiệm

Mặc dù quy định pháp luật cấm việc kê đơn, hướng dẫn... đưa thực phẩm chức năng vào điều trị, chữa bệnh nhưng văn bản của Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) lại "đính kèm" một loạt sản phẩm thực phẩm chức năng và đề nghị các địa phương "mua sắm, đấu thầu, tiếp nhận tài trợ". Dư luận hiểu rằng, văn bản này, Bộ Y tế như muốn "chỉ định thầu" những sản phẩm được liệt kê trong danh mục.
16:38 | 31/07/2021

Kovir của Công ty Sao Thái Dương là thực phẩm chức năng nhưng lại được đưa vào danh sách điều trị Covid-19.

Thông tin từ Bộ Y tế cho hay sau khi bộ có Thông báo thu hồi Công văn 5944 sau 2 ngày ban hành hôm đầu tuần này, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu Cục Quản lý y dược cổ truyền họp rút kinh nghiệm, xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan.

Cục Quản lý y dược cổ truyền đã tổ chức phiên họp nội bộ rút kinh nghiệm. Theo đó, cục này cho rằng việc có một số từ ngữ trong công văn 5944 như "các sở y tế căn cứ danh mục trong công văn này tham khảo lựa chọn mua sắm, đấu thầu, tiếp nhận tài trợ để hỗ trợ điều trị cho người bệnh COVID-19 tại địa phương" là đưa theo "quán tính", không nhạy bén, gây bức xúc cho xã hội.

Một đại diện Cục Quản lý y dược học cổ truyền cho Báo Tuổi trẻ biết, những thuốc trong phụ lục công văn là nhà sản xuất đã hỗ trợ từ khi dịch bùng phát ở Bắc Giang, Bắc Ninh, đợt này tiếp tục hỗ trợ.

"Đây hoàn toàn là tai nạn, cục không có ý đồ, khi được hỗ trợ mình vô tư nhận và có công văn đi các nơi để họ tiếp nhận, mặc dù có sản phẩm không phải để điều trị nhưng có tác dụng hỗ trợ điều trị" - vị này cho biết.

Thực phẩm chức năng Imboost của Công ty cổ phần y dược Trương Trọng Cảnh có tác dụng hỗ trợ tăng cường sinh lý nhưng cũng được liệt kê vào thuốc điều trị Covid-19.

Vị đại diện này cũng cho rằng ông Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền - thời điểm ban hành công văn đang đi học nên chưa xem kỹ điểm có sai sót trong công văn, trình lãnh đạo bộ ký trong khi lãnh đạo bộ (cụ thể thứ trưởng ký công văn này là ông Nguyễn Trường Sơn) lại đang "bận chống dịch túi bụi" tại khu vực phía Nam.

Về mức kỷ luật với những người liên quan, vị đại diện kể trên cho rằng theo quy định Bộ Y tế sẽ thành lập hội đồng để xem xét, còn cuộc họp kể trên là bước họp nội bộ.

Trước đó, hôm 24/7, Bộ Y tế ban hành Công văn 5944 với phần phụ lục ghi rõ tên và cách sử dụng 26 thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe thuộc 4 nhóm và hướng dẫn các địa phương "làm căn cứ để lựa chọn mua sắm, đấu thầu, tiếp nhận tài trợ". Những từ ngữ này đã khiến dư luận hiểu rằng Bộ Y tế đang "chỉ định thầu".

Công văn 5944 đã phải rút khỏi danh mục sau 2 ngày ban hành và gây xôn xao dư luận. Qua theo dõi cho thấy từ tháng 6, Cục Quản lý y dược cổ truyền đã có công văn gửi một số sở y tế (Bắc Ninh, Bắc Giang, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương) về danh mục thuốc y học cổ truyền, thực phẩm chức năng dự phòng, nâng cao sức khỏe bệnh nhân COVID-19, nhưng thời điểm ký công văn thì một trong số các sản phẩm trong phụ lục lại chưa được phép lưu hành.

Tháng 9/2020, Cục An toàn thực phẩm cũng thuộc Bộ Y tế lại có cảnh báo sản phẩm Kovir có trong danh mục khuyến cáo sử dụng của Cục Quản lý y dược cổ truyền là "quảng cáo nổ", lừa dối người tiêu dùng, không có thực phẩm chức năng nào điều trị được COVID-19.

Được biết, 5 ngày trước công văn 5944, Công ty CP Sao Thái Dương sở hữu sản phẩm Kovir đã tăng giá lên 1 triệu đồng/hộp, trong khi trước đó là 100.000-250.000 đồng/hộp.

 

Thực phẩm “tăng cường sinh lý” lọt danh sách hướng dẫn phòng trị COVID-19?

Qua tìm hiểu được biết, Imboost là thực phẩm chức năng được Cục An toàn thực phẩm cấp giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm vào ngày 14/2/2020.

Công ty đăng ký công bố sản phấm là Công ty cổ phần Y dược Trương Trọng Cảnh (địa chỉ ở số 36 Phùng Hưng, Phường Kiến Hưng, Quận Hà Đông, TP Hà Nội) do ông Đỗ Quốc Thái là người đại diện theo pháp luật.


Nhan nhản quảng cáo TPCN Imboost tăng cường sinh lý nam, nữ.

Thực phẩm chức năng Imboost được Công ty CP Y dược Trương Trọng cảnh công bố sản xuất tại một nhà máy ở thị trấn Đồng Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam của doanh nghiệp khác. Công ty cổ phần dược phẩm và y đức Minh Ngọc có địa chỉ ở thôn Khúc Thuỵ, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội lại là đơn vị đăng ký quảng cáo sản phẩm Imboost.

Trên các trang mạng, sản phẩm thực phẩm chức năng Imboost được quảng cáo là “dũng sĩ vượt qua đại dịch”.

Đặc biệt, ngoài các tác dụng với các bệnh tiêu hoá, ung thư, mất ngủ, tăng đề kháng; sản phẩm còn được quảng cáo có tác dụng… tăng cường sinh lý nam, nữ.

Giá sản phẩm này trên thị trường cũng “muôn hình vạn trạng”, dao động từ 300-600 nghìn đồng/hộp.

Việc thực phẩm chức năng Imboost được quảng cáo có tác dụng “tăng cường sinh lý nam, nữ” lọt vào danh sách hướng dẫn phòng, hỗ trợ điều trị COVID-19 trong công văn 5944 của Bộ Y tế khiến nhiều người bàn tán.

 

comment Bình luận