ĐH Y Hà Nội: 10 năm chỉ tiếp nhận được 13 xác hiến tặng nghiên cứu y khoa

Viện Giải phẫu, Đại học Y Hà Nội nhận 1.200 đơn đăng ký hiến thi thể sau khi chết, nhưng 10 năm chỉ tiếp nhận được 13 xác, không đủ cho sinh viên và bác sĩ nghiên cứu, học tập.
10:26 | 27/03/2023

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó trưởng bộ môn giải phẫu, Đại học Y Hà Nội, cho biết trong số thi thể được hiến tặng phục vụ nghiên cứu tại Viện Giải phẫu, trẻ nhất 18 tuổi và già nhất 90 tuổi. Tên tuổi của họ được khắc trên tấm bảng tri ân đặt tại Viện.

Theo ông Nghĩa, số lượng thi thể hiến cho y học ở phía Bắc chỉ bằng 10% so với tại TP HCM. "Không đủ cho nhu cầu nghiên cứu và học tập, đào tạo", bác sĩ Nghĩa nói.

Bộ môn giải phẫu là cánh cửa đầu tiên tất cả sinh viên y khoa bắt buộc vượt qua. Không một phương tiện giảng dạy nào tốt hơn chính cơ thể người. Những thi thể được sinh viên trường y gọi là "người thầy thầm lặng".

Theo quy trình, thi thể được viện tiếp nhận, trong vòng 24 giờ được bảo quản theo hai phương pháp. Bảo quản bằng hóa chất để không bị phân hủy, gọi là xác khô, khoảng một năm sau đưa ra sử dụng cho nghiên cứu và giảng dạy. Cách khác, thi thể được bảo quản trong tủ lạnh chuyên biệt, gọi là xác tươi, được sử dụng đào tạo y bác sĩ và huấn luyện kỹ thuật cao trong phẫu thuật.

Trung bình, mỗi năm, Đại học Y Hà Nội sử dụng hai thi thể. 2-3 năm sau, xác được hỏa táng và đưa về gia đình theo ý nguyện của thân nhân họ. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên, kỹ thuật viên phẫu thuật thi thể cho sinh viên quan sát. Mỗi buổi học có 8-10 sinh viên thực hành trên một xác. Tuy nhiên, hiện do số lượng không đủ, hơn 20 sinh viên thực hành trên một thi thể.

"Nếu số lượng xác nhiều hơn, bác sĩ và sinh viên có thể tự thực hành, hiệu quả học tập và nghiên cứu cao hơn", ông Nghĩa nói.

PGS. Đồng Văn Hệ, Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), cũng chia sẻ rằng không ít bác sĩ phải ra các đại học nước ngoài để học trên xác tươi, do nguồn cung trong nước không thể đáp ứng.

Các tiêu bản là bộ phận cơ thể người được bảo quản bằng hóa chất để học tập, nghiên cứu. Ảnh NLĐ

Không chỉ Việt Nam, một số nước như Trung Quốc, Singapore, nguồn xác hiến cho y học cũng khan hiếm. Theo Xinhua, từ năm 1999 đến 2018, thành phố Bắc Kinh nhận được hơn 21.000 đơn đăng ký hiến xác sau khi chết, tuy nhiên chỉ 2.600 thi thể được sử dụng trong thực tế. Còn tại Singapore, theo số liệu từ Đơn vị Cấy ghép Nội tạng Quốc gia (NOTU), từ năm 1972 đến 2012, chỉ 400 người đăng ký hiến xác cho y học.

Tiến sĩ Nghĩa lý giải tình trạng thiếu thi thể hiến tặng phần lớn xuất phát từ tâm lý người Việt, do quan niệm chết toàn thây. Không ít người đăng ký hiến xác nhưng bị gia đình phản đối.

Như Duy, một du học sinh, quê ở Nam Định, mắc ung thư gan, bày tỏ mong muốn hiến thi thể nhưng bị gia đình phản đối dữ dội. Khi anh mất, người nhà không muốn làm theo di nguyện. Các bác sĩ mất nhiều thời gian thuyết phục, gia đình mới đồng ý. Thi thể Duy được chuyển đến Viện Giải phẫu, phục vụ công việc giảng dạy và học tập y khoa. Tuy nhiên, vì quyết định này, trong nhiều năm, gia đình Duy bị người dân dị nghị, cho rằng "bán xác con".

Theo quy định, người hiến xác phải được sự đồng ý của tất cả thành viên trong gia đình. Thực tế, hầu hết trường hợp đăng ký hiến đều giấu gia đình, nên số lượng tiếp nhận trong thực tế rất ít.

"Tôi mong nhiều người hiểu hơn về nghĩa cử cao đẹp này, đăng ký hiến tặng thi thể cho nghiên cứu, giúp ngành y giải quyết thực trạng thiếu hụt kéo dài hàng chục năm nay", ông Nghĩa nói.

comment Bình luận