Đề nghị xử lý hình sự đối với hành vi quảng cáo Nano Fast như 'thần dược'

Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các báo, đài, trên môi trường mạng.
15:01 | 29/06/2020

Xử lý hình sự về hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng như "thần dược"

Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Bộ Y tế - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm vừa gửi văn bản 3220/BYT-ATTP tới Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Công thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Công an đề nghị triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe thuộc lĩnh vực quản lý của các bộ...

Bộ Y tế cho biết, các hành vi vi phạm chủ yếu là quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo lừa dối như thuốc chữa bệnh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; quảng cáo mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung, quảng cáo không đúng nội dung đã được xác nhận; quảng cáo lợi dụng lời nói, hình ảnh của giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, dược sĩ, bệnh nhân; quảng cáo không có nội dung khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”... là rất phổ biến.

Bộ Y tế đề nghị nhận được sự phối hợp của Bộ Công an chỉ đạo xử lý các vụ việc vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có dấu hiệu hình sự, quảng cáo gian dối thực phẩm chức năng xâm phạm lợi ích người tiêu dùng theo Điều 197, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Thậm chí, một số chương trình trên sóng phát thanh, truyền hình lạm dụng hoạt động tư vấn sức khỏe có sự tham gia của các giáo sư, bác sĩ, nghệ sĩ lồng ghép quảng cáo thực phẩm chức năng có nội dung vi phạm như trên.

Bên cạnh đó, các vi phạm quảng cáo về thực phẩm chức năng  trong lĩnh vực quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng rất phổ biến và khó kiểm soát, đặc biệt là vi phạm trên mạng xã hội (zalo, facebook, youtube, google và các trang thông tin điện tử có tên miền nước ngoài).

Về phía Bộ Công Thương, Bộ Y tế đề nghị chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe đối với các cơ sở hoạt động theo phương thức bán hàng đa cấp, thương mại điện tử.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe thuộc phạm vi quản lý. Trong đó đề nghị chấn chỉnh tình trạng các văn nghệ sĩ, diễn viên, người của công chúng tiếp tay cho hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm; kiểm soát chặt chẽ nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các loại hình quảng cáo ngoài trời như: bảng, biển, pano, băng rôn...

Trước những vấn đề còn tồn tại này, Bộ Y tế đề nghị nhận được sự phối hợp của Bộ Công an chỉ đạo xử lý các vụ việc vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có dấu hiệu hình sự, quảng cáo gian dối thực phẩm chức năng xâm phạm lợi ích người tiêu dùng theo Điều 197, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xử lý quyết liệt về quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trong 5 năm gần đây Bộ Y tế đã xử phạt trên 10 tỷ đồng tiền phạt vi phạm hành chính về quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn phổ biến, loại hình quảng cáo tinh vi và biến tướng, lạm dụng mạng xã hội và trang thông tin điện tử máy chủ ở nước ngoài.

Đề nghị Bộ Công an quan tâm chỉ đạo xử lý hình sự vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe để răn đe hơn.

Đồng thời Bộ Y tế cũng có Văn bản số 3219/BYT-ATTP gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo Sở Y tế đầu mối phối hợp với các Sở, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn.

Nano Fast nhiều lần coi thường chỉ đạo của Bộ Y tế

Năm lần, bảy lượt, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra khuyến cáo về nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nano Fast là vi phạm pháp luật, lừa dối người dùng nhưng doanh nghiệp này vẫn ngang nhiên lộng hành.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa phát đi thông tin trên trang web có tên miền https://www.nanofast-chinhhang.vn/baobao?utm_source=ntt&utm_medium=baobao&utm_campaign=gutgut đang đăng tải nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nano Fast vi phạm quy định quảng cáo.

Trên trang web đang đăng tải nhiều nội dung “thổi phồng” công dụng như thần dược, thuốc “tiên” chữa trị bệnh gout nhưng đây thực chất chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, chỉ có tác dụng hỗ trợ trong điều trị và không thể thay thế thuốc chữa bệnh.

Doanh nghiệp liên tục sử dụng hình ảnh, clip diễn viên hài Quang Thắng để bình luận về công dụng của sản phẩm Nano Fast như là thần dược chữa bệnh gout. Không biết, bệnh gout của danh hài Quang Thắng đã khỏi hẳn chưa nhưng nghe những lời quảng cáo về viên sủi Nano Fast thì không khác gì "thuốc tiên".

Nano Fast đã nhiều lần sử dụng truyền hình, mạng xã hội có sự tham gia của các giáo sư, bác sĩ, nghệ sĩ lồng ghép quảng cáo thực phẩm chức năng có nội dung vi phạm.

Thậm chí, sản phẩm này còn được nổ với hình ảnh của nữ MC nổi tiếng Thảo Vân trong chương trình VTV2 Cơ thể bạn nói gì? với nội dung: "Dùng 2 viên sủi mỗi ngày đẩy lùi tất cả gút cấp, gút mãn. Phương pháp mới, hiệu quả mới, dạng sủi đầu tiên tại Việt Nam ngày 2 lần, ɡảm sưng tấy, nóng đỏ".

Được biết, Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm nêu trên. Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên website nêu trên để quyết định mua, sử dụng sản phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.

Tuy nhiên, ít nhất đây là lần thứ 5 Cục An toàn thực phẩm đưa ra thông báo khuyến cáo về nội dung quảng cáo sản phẩm Nano Fast.

Viên sủi Nano Fast do Công ty TNHH MTV Nano Việt Nam (Địa chỉ: Tầng 1, số 170 Đê La Thành, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội) công bố vào ngày 02/03/2020. Người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Đăng.

Thiết nghĩ, Bộ Y tế cần chuyển hồ sơ sang Bộ Công an đề nghị xử lý hình sự đối với hành vi quảng cáo về sản phẩm Nano Fast theo quy định tại Điều 197, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo quy định tại Điều 197, Bộ Luật hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018) thì:
1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
comment Bình luận