Cha mẹ cần phân biệt vàng da sinh lý với vàng da bệnh lý ở trẻ

Vàng da sơ sinh là hiện tượng vàng da sinh lý thường gặp ở trẻ trong vòng 2 - 7 ngày sau sinh. Tuy nhiên cha mẹ cần phân biệt vàng da sinh lý với vàng da bệnh lý ở trẻ.
11:15 | 08/12/2022

Trẻ bị vàng da bệnh lý đang được chiếu đèn tại Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Theo BSCKII. Nguyễn Đức Toàn, Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, hiện khoa đang điều trị cho 40 trẻ sơ sinh, trong đó khoảng 50% trẻ sơ sinh bị vàng da bệnh lý.

Phần lớn trẻ sơ sinh có biểu hiện vàng da trong vòng một tuần sau khi ra đời. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường, xảy ra do các hồng cầu của thai nhi bị phá hủy để được thay thế bằng hồng cầu trưởng thành. Khi hồng cầu bị vỡ, một lượng lớn Bilirubin, một chất có sắc tố màu vàng được phóng thích vào máu, làm cho trẻ bị vàng da.

Với vàng da sinh lý, lượng Bilirubin ở giới hạn thấp. Trong vòng 7-10 ngày sau sinh, Bilirubin sẽ được đào thải hết qua phân và nước tiểu nên không gây ảnh hưởng gì tới sức khỏe của trẻ. Còn với vàng da bệnh lý, lượng Bilirubin vượt qua giới hạn cho phép, khiến gan không đào thải kịp, Bilirubin có nguy cơ thấm vào não (vàng da nhân) gây tổn thương não không hồi phục được. Tình trạng này rất nguy hiểm, có thể làm cho trẻ bị hôn mê, co giật, dẫn đến tử vong hoặc di chứng nặng nề về thần kinh vĩnh viễn.

Theo các bác sĩ chuyên khoa nhi sơ sinh, nguyên nhân gây vàng da bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh có thể do bất đồng nhóm máu mẹ con (ABO, Rh), bệnh lý tan máu, như: thiếu men G6PD, hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, nhiễm trùng, xuất huyết dưới da, chậm đi phân su, nhiễm virus bào thai, bệnh lý gan mật bẩm sinh, như: teo đường mật, giãn đường mật. Bệnh vàng da rất dễ nhận biết bằng mắt thường, nơi có đủ ánh sáng.

Các dấu hiệu nhận biết bệnh vàng da ở trẻ em có thể chia thành các mức độ sau: ở mức độ nhẹ, da trẻ hơi vàng ở mặt, thân mình, trẻ vẫn bú tốt, triệu chứng vàng da xuất hiện muộn thường là sau ngày thứ 3 sau khi sinh. Ở thể nặng, da trẻ có màu vàng sậm, lan xuống tay, chân; trẻ bú kém hoặc bỏ bú; triệu chứng vàng da xuất hiện sớm, trong vòng 1 đến 2 ngày sau sinh. Thường thì những trẻ sinh non, sinh ngạt hoặc bị nhiễm trùng dễ bị vàng da nặng.

Vàng da là hiện tượng sinh lý bình thường của phần lớn trẻ sơ sinh, tuy nhiên một số trường hợp vàng da bệnh lý có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển về mọi mặt của trẻ. Chính vì vậy các bậc phụ huynh cần chú ý theo dõi sát tình trạng vàng da của con mình, đặc biệt lưu ý khi thấy trẻ có các biểu hiện: bú ít hơn một nửa so với bình thường, nước tiểu trong, phân bạc màu, trẻ ngủ nhiều, vàng da lan đến bàn tay, bàn chân và kéo dài trên 15 ngày cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế điều trị kịp thời để phòng tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Trường hợp vàng da nhẹ, tức vàng da sinh lý, có thể điều trị tại nhà bằng cách tắm nắng mỗi sáng vào khoảng 7 đến 9 giờ sáng, nên cởi bớt quần áo của trẻ cho trẻ tắm nắng dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp sao cho tia nắng mặt trời chiếu đến toàn bộ cơ thể của trẻ. Cho trẻ bú nhiều lần trong ngày vì sữa mẹ giúp đào thải nhanh bilirubin qua đường tiêu hoá. Hằng ngày, cần theo dõi mức độ tiến triển vàng da của trẻ, theo dõi liên tục trong vòng 7 đến 10 ngày sau sinh.

Bên cạnh đó, để phòng bệnh vàng da cho trẻ sơ sinh, phụ nữ cần chăm sóc sức khỏe tốt khi mang thai, khám thai đầy đủ theo lịch hẹn để được phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý trong thai kỳ, từ đó tránh được tình trạng sinh non, sinh nhẹ cân, quá cân, nhiễm trùng mẹ sang con. Phụ nữ mang thai cũng cần có chế độ làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để không bị sinh non.

Khi sinh, cần đến cơ sở y tế, không sinh tại nhà. Cho trẻ bú sữa sớm và bú đủ sữa ngay sau sinh và giữ ấm trẻ để giúp trẻ không bị hạ thân nhiệt, hạ đường huyết và đi phân su sớm ngay sau sinh. Phòng trẻ phải có đủ ánh sáng để dễ theo dõi màu sắc da của trẻ.

comment Bình luận