Câu chuyện hoa hồng 20% tại Hải Dương và gói thầu 94 tỷ đồng ở Bệnh viện Đồng Tháp

Điểm chung của 2 gói thầu trên là đều được “chỉ định” cho Công ty cổ phần công nghệ Việt Á trúng thầu. Cơ quan điều tra bước đầu xác định giám đốc CDC Hải Dương hưởng lợi 20% "hoa hồng" hợp đồng - tương đương 30 tỷ đồng, còn phía Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp thì chưa rõ...
8:30 | 20/12/2021

Địa chỉ đăng ký kinh doanh của Công ty Việt Á tại TP HCM là căn nhà ba tầng nằm trong hẻm và cũng là nơi gắn biển kinh doanh của nhiều công ty.

Hưởng lợi ngoài hợp đồng 30 tỷ đồng

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) vừa phối hợp với các đơn vị liên quan triệt phá đường dây vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh bộ trang thiết bị y tế chẩn đoán virus xét nghiệm vi rút SARS - CoV-2 (gọi tắt là Kit xét nghiệm COVID-19) xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) và các đơn vị, địa phương.

Căn cứ kết quả điều tra, C03 đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đồng thời ra quyết định khởi tố bị can đối với bảy người về tội danh nêu trên.

Dàn lãnh đạo của Công ty Việt Á vừa bị Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam. Ảnh Bộ Công an

Các bị can gồm: Phan Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á; Vũ Đình Hiệp - Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á; Hồ Thị Thanh Thảo - Thủ quỹ Công ty Việt Á, Cửa hàng Trường Cửa hàng Âu Lạc; Phan Tôn Noel Thảo - Trợ lý Tài chính Công ty Việt Á; Trần Thị Hồng - nhân viên Kinh doanh Công ty Việt Á; Phạm Duy Tuyến - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương; Nguyễn Mạnh Cường - nguyên Kế toán trưởng CDC Hải Dương.

Theo đó, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test COVID-19 của các địa phương trên cả nước, sản phẩm Kit test thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn nên Phan Quốc Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng.

Sau đó, Việt thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách Công ty Việt Á sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (công ty liên danh, công ty con) lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Công ty Việt Á theo giá do Công ty Việt Á đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.

Đồng thời, để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với số lượng lớn, tăng doanh thu lợi nhuận và được tạo điều kiện trong việc hoàn thiện hồ sơ, thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đề nghị, Phan Quốc Việt còn thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn.

Thực tế, Phan Quốc Việt và những người của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/Kit; thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo Bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.

Đến nay, C03 làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán Kit xét nghiệm COVID-19 cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỉ đồng. Trong đó, Phan Quốc Việt đã chi tiền % ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương số tiền gần 30 tỉ đồng.

Công an xác định hành vi của Phạm Duy Tuyến, Phan Quốc Việt và những người liên quan tại CDC Hải Dương, Công ty Việt Á là vi phạm nguyên tắc công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, vi phạm các điều cấm quy định tại Luật Đấu thầu, có dấu hiệu của tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Cơ quan điều tra cũng đã phong tỏa, ngăn chặn, kê biên nhiều tài khoản, sổ tiết kiệm của Phan Quốc Việt và những người thuộc Công ty Việt Á trị giá trên 320 tỉ đồng, 100.000 USD, 20 bất động sản trên địa bàn TP.HCM, Hà Nội và các địa phương khác; 8 bất động sản của Phạm Duy Tuyến...

Hiện C03 đang tiếp tục điều tra mở rộng đối với các cá nhân, đơn vị liên quan để làm rõ bản chất của vụ án, yếu tố tư lợi...; Rà soát, kê biên tài sản của các đối tượng để đảm bảo thu hồi cho nhà nước.

Đồng Tháp mua “chênh” cao hơn 20,5 tỷ đồng so với địa phương khác

Chưa bàn tới việc nhận "hoa hồng" ngoài hợp đồng mà cùng thời điểm, cùng chủng loại nhưng Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp phải mua test xét nghiệm SARS-CoV-2 của Công ty Việt Á với đơn giá 470.000 đồng, trong khi đó, CDC Đà Nẵng lại mua với giá 367.500 đồng. Tính ra, cả gói thầu 94 tỷ đồng của Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp đang phải mua chênh cao hơn tới 20,5 tỷ đồng.

Cụ thể, ngày 19/8/2021, ông Nguyễn Hoàng Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp ký Quyết định số 2081/QĐ-BVĐT để “chỉ định rút gọn” cho Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á được trúng “gói thầu số 1: sinh phẩm phát hiện Sars-CoV-2” trị giá 94.000.000.000 đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng là 04 tháng.

Quyết định phê duyệt gói thầu 94 tỷ đồng ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp do ông Nguyễn Hoàng Việt, Phó giám đốc ký.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, vào ngày 30/8/2021, chính Công ty Việt Á lại bán test loại LightPower iVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR Kit (cùng với loại mà Đồng Tháp mua) cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng (Quyết định: 510/QĐ-TTKSBT) lại có đơn giá là 367.500 đồng.

Hay như gần đây (23/11), Sở Y tế Cà Mau cũng mua test loại LightPower iVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR Kit của Công ty Việt Á (Quyết định: 3406/QĐ-SYT) với đơn giá là 367.500 đồng...

Như vậy, nếu áp dụng giá mua của CDC Đà Nẵng, Cà Mau... thì Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp đã “tiết kiệm” được cho ngân sách số tiền 20,5 tỷ đồng ở gói thầu 94 tỷ đồng.

Rõ ràng, doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất là phải có lợi nhuận và tùy từng thời điểm, nhu cầu thị trường tăng đột biến sẽ có mức giá bán khác nhau. Tuy nhiên, nếu “nước sôi, lửa bỏng”, cả nước đang gồng mình chống dịch mà doanh nghiệp “lợi dụng” để đẩy giá thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế... lên quá cao là hành vi không thể chấp nhận được cả về mặt pháp luật, đạo đức và trách nhiệm xã hội.

Có hay không việc Công ty Việt Á chi “hoa hồng” khủng cho lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp để được chỉ định thầu? Có hay không việc thông đồng, để “đẩy, thổi” giá kit xét nghiệm lên cao hòng trục lợi?

Sức Khỏe 24H sẽ tiếp tục thông tin!

Vụ án đang tiếp tục điều tra mở rộng

Ngày 10/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03), Bộ Công an đã khám xét khẩn cấp 16 địa điểm tại 8 địa phương (Hà Nội, TPHCM, Hải Dương, Thừa Thiên - Huế, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Nghệ An) và triệu tập ghi lời khai trên 30 đối tượng liên quan.

Bên cạnh đó, C03 đã phong tỏa nhiều tài khoản, sổ tiết kiệm của Phan Quốc Việt và các đối tượng thuộc Công ty Việt Á có trị giá trên 320 tỷ đồng, 100.000 USD, đồng thời tiến hành kê biên 20 bất động sản của các đối tượng tại nhiều địa phương. C03 cũng đã kê biên 8 bất động sản của ông Phạm Duy Tuyến... Vụ án đang tiếp tục điều tra mở rộng đối với các cá nhân, đơn vị liên quan.

 

Kit xét nghiệm PCR của Việt Á chưa được WHO phê duyệt

Vào khoảng tháng 4 và tháng 5/2020, một số báo chí trong nước đưa tin bộ kit xét nghiệm LightPower iVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR Kit được WHO chấp thuận với mã số EUL 0524‐210‐00.

Theo báo cáo công khai về đánh giá sử dụng khẩn cấp của WHO ngày 20/10/2020, kết quả thẩm định là của tổ chức này với bộ xét nghiệm COVID-19 của Việt Á là: Not Accepted - Không được chấp nhận.

WHO kết luận: bộ xét nghiệm LightPower iVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR Kit với mã sản phẩm VA.A02-055H, sản xuất bởi Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, địa chỉ 372A/8 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM không đủ điều kiện để vào chương trình mua sắm của WHO.

Lần cập nhật ngày 9/6/2021, WHO tiếp tục công bố danh sách các sản phẩm không được chấp nhận theo quy trình đánh giá sử dụng khẩn cấp với lưu ý các hồ sơ đã được đánh giá và không cung cấp được bằng chứng, tài liệu cần thiết về an toàn, hiệu quả và/hoặc hệ thống quản lý chất lượng (QMS).

Trong danh sách này, ở mục xét nghiệm virus SARS‐CoV‐2, có tên bộ xét nghiệm LightPower iVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR Kit, mã số sản phẩm VA.A02-055H, số hồ sơ đăng ký EUL 0524-210-00.

Có thể hiểu mã số EUL 0524-210-00 là mã số xác nhận khi công ty đăng ký thẩm định với WHO, không liên quan gì đến việc bộ xét nghiệm này được chính thức cấp phép theo các tiêu chí về an toàn và hiệu quả.

 

"Bộ ba" cổ đông ở Việt Á

Theo Cục Quản lý đăng lý kinh doanh, Công ty CP công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) có tên cũ Công ty CP thương mại, sản xuất và dịch vụ Việt Á, được thành lập vào tháng 2-2007, có trụ sở chính tại 372A/8 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Đến tháng 10-2009, công ty này đăng ký thay đổi thông tin doanh nghiệp lần 3, nâng vốn điều lệ doanh nghiệp lên 5 tỉ đồng, với danh sách cổ đông sáng lập gồm 3 người.

Ông Phan Quốc Việt, tổng giám đốc - người đại diện pháp luật Công ty Việt Á, nơi đăng ký thường trú tại tổ 9, khu phố 1, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, nắm giữ 10,2% cổ phần công ty.

Ông Đồng Sỹ Huy, hộ khẩu thường trú tại 372A/8 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM, nắm giữ 5% cổ phần công ty.

Hồ Thị Thanh Thủy, hộ khẩu thường trú tại 382, tổ 4, ấp Tân Bình, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, nắm giữ 4,8% cổ phần công ty.

Tháng 10/2017, đăng ký thay đổi thông tin doanh nghiệp lần 6 (lần gần đây nhất), vốn điều lệ doanh nghiệp được nâng lên 1.000 tỉ đồng. Ông Phan Quốc Việt tiếp tục đảm nhiệm chức vụ tổng giám đốc, đồng thời chuyển nơi đăng ký hộ khẩu thường trú về số 134/3D Đào Duy Anh, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Điều đáng lưu ý là khi tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỉ đồng thì tỉ lệ góp vốn của 3 cổ đông sáng lập vào Công ty Việt Á không thay đổi, cả 3 cổ đông vẫn nắm giữ khoảng 20% cổ phần vốn doanh nghiệp, như vậy có khoảng 800 tỉ đồng được các cổ đông khác đã bơm vào doanh nghiệp.

Theo tìm hiểu, phần lớn tài sản của Việt Á hình thành từ nguồn vốn chủ sở hữu, tức không phụ thuộc vào vốn vay. Quy mô tổng tài sản đến cuối năm 2020 đạt hơn 1.200 tỷ đồng, trong đó hơn 1.000 tỷ là vốn chủ sở hữu.

Trong bốn năm từ 2016 đến 2019, hoạt động của Việt Á có xu hướng giảm dần khi doanh thu từ mức 166 tỷ giảm về còn 63 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ tiêu này đã tăng vọt lên hơn 400 tỷ đồng vào năm 2020, gấp hơn 6 lần năm 2019.

comment Bình luận